Mưa vùi quá khứ vào đêm

03:03, 23/03/2011

Thy Minh bước vào Hội VHNT Lâm Đồng chỉ được vài năm, nhưng đã ghi dấu ấn 2 tập thơ đọc được. Năm 2010 được Quỹ hỗ trợ sáng tác Hội Văn Nghệ Lâm Đồng tài trợ, Thy Minh cho ra mắt tập thơ Mắt Hoàng Hôn (NXB Hội Nhà văn). Mở đầu bằng bài lục bát tứ tuyệt:

Thy Minh bước vào Hội VHNT Lâm Đồng chỉ được vài năm, nhưng đã ghi dấu ấn 2 tập thơ đọc được. Năm 2010 được Quỹ hỗ trợ sáng tác Hội Văn Nghệ Lâm Đồng tài trợ, Thy Minh cho ra mắt tập thơ Mắt Hoàng Hôn (NXB Hội Nhà văn). Mở đầu bằng bài lục bát tứ tuyệt:
                                  
                                    Mưa bay ướt áo lụa vàng
                                    Để cho hương gió nồng nàn môi em
                                    Mưa vùi quá khứ vào đêm
                                    Em vùi nỗi nhớ về miền không anh…
                                                                    ( Mưa hoàng hôn)

Tứ thơ không mới, nhưng sử dụng được từ “vùi” vào ngữ cảnh này là một từ đắc. Dĩ nhiên, nó gợi lên một thời hoàng kim của đời người với “áo lụa vàng”, với “nồng nàn môi em”. Và một luyến tiếc nên thơ xảy ra sau đó : “ Mưa vùi quá khứ vào đêm”. Đây là câu thơ đau đáu nhất của Thy Minh, nơi chôn giấu bao cảnh tình về đời chị. Cùng với nỗi luyến tiếc là khát khao nóng bỏng trong “Khúc thiếu phụ”:
                                   
                                    Lặng thầm thơ
                                    Lặng thầm yêu
                                    Lặng thầm dào dạt
                                    Khúc thiếu phụ nồng nàn, nắng gió cao nguyên…
                                                                      ( Khúc thiếu phụ)

Vâng, một cõi thơ, một cõi yêu đã vực người đàn bà này đứng dậy, cùng với cuộc sống muôn màu. Có ai đó đã ví tình yêu như liều thuốc nhiệm màu. Rất đúng với một Thy Minh làm thơ.

Cô đơn bước trên đường tình, bao đắng cay đau khổ người đàn bà gánh hết trên đôi vai bé nhỏ của mình. Để trong tâm tưởng lắng lòng, ngồi nghe lại cung trầm trong hồn mình và tự hỏi :

                                      Trái mùa vá áo bằng kim
                                      Trái ngang người vá trái tim bằng gì?
                                                                          (Cung trầm)

Hỏi cũng là tự trả lời rồi. Và người đàn bà ấy đã hiểu trái tim đau thế nào. Hiểu cả tình đời nồng ấm hay bạc bẽo như Hồ Xuân Hương nữ sĩ đã từng kêu lên “ đừng xanh như lá bạc như vôi”. Người xưa đã nói hồng nhan đa truân hay hồng nhan bạc phận cũng là đây. Đứng trước cuộc tình trái ngang, bật lên tiếng thơ cũng là tiếng lòng chân thành nhất của trái tim đau.

Trở lại với Mắt Hoàng Hôn, bài thơ chủ đạo trong tập thơ này, người đọc nhận ra Mắt Hoàng Hôn là đôi mắt người mẹ hằng mong mỏi đứa con yêu nơi phương trời xa :       
                                 
  Mắt hoàng hôn
                                    Dõi
                                    Trời tây con đang đợi
                                    Nghiêng ngả giọt buồn  
                                    Bối rối ngã ba em…
                                                                           ( Mắt Hoàng Hôn)

Có lẽ đây chỉ là tiếng nấc nghẹn…nên bài thơ không gói trọn. Ngôn từ rời rã yêu thương.
Vì thế, người đọc Mắt Hoàng Hôn sẽ dễ nhận ra những mắt xích tình cảm trong cuộc đời của người thơ. Một cung trầm lắng đọng, một nỗi nhớ xô nghiêng, mà phía quỵ ngã sẽ là người đàn bà tha thiết yêu kia. Nếu không có “ lúc vấp ngã tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”! (Phùng Quán). Tuy nhiên, thơ Thy Minh vẫn còn nhiều hạn chế về nghệ thuật ngôn từ. Nếu tác giả tránh được những sáo mòn không đáng có, sẽ tạo được phong cách riêng, người đọc sẽ có nhiều cảm tình hơn…

Nguyễn Thánh Ngã