Trịnh Công Sơn tự đắp cho mình một “nấm mồ”, để rồi ngồi trên đó mà trầm tư không dứt về thân phận kiếp người, cho dù thể phách và tinh anh chưa một lần vỗ cánh bay đi. Thi thoảng trong đời thấp thoáng những bóng giai nhân - như nàng Kiều ngày xuân đi tảo mộ - “buồn chân ghé chơi” “ngôi mộ” bằng thơ và bằng nhạc do chính bàn tay người nhạc sĩ tài ba có cái “gien” lau sậy ấy xây nên. Tuy “hồn ma” Trịnh Công Sơn đã thoát thai và đang thênh thang trong cõi riêng của mình, nhưng xem chừng Trịnh Công Sơn còn nặng nợ với trần gian này lắm! Và sau những lần tao ngộ ấy, những giai điệu diễm lệ ra đời, góp phần đưa chàng trai họ Trịnh đi vào tình sử. Đó là hệ quả của cuộc hôn phối giữa “cõi mộng” và “trần gian”. Từ đó ông khoác vào chữ “buồn” hai hình hài: “đẫm lệ” và “diễm lệ”!
Trịnh Công Sơn tự đắp cho mình một “nấm mồ”, để rồi ngồi trên đó mà trầm tư không dứt về thân phận kiếp người, cho dù thể phách và tinh anh chưa một lần vỗ cánh bay đi. Thi thoảng trong đời thấp thoáng những bóng giai nhân - như nàng Kiều ngày xuân đi tảo mộ - “buồn chân ghé chơi” “ngôi mộ” bằng thơ và bằng nhạc do chính bàn tay người nhạc sĩ tài ba có cái “gien” lau sậy ấy xây nên. Tuy “hồn ma” Trịnh Công Sơn đã thoát thai và đang thênh thang trong cõi riêng của mình, nhưng xem chừng Trịnh Công Sơn còn nặng nợ với trần gian này lắm! Và sau những lần tao ngộ ấy, những giai điệu diễm lệ ra đời, góp phần đưa chàng trai họ Trịnh đi vào tình sử. Đó là hệ quả của cuộc hôn phối giữa “cõi mộng” và “trần gian”. Từ đó ông khoác vào chữ “buồn” hai hình hài: “đẫm lệ” và “diễm lệ”!
Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn |
Trên chặng đường phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, Trịnh Công Sơn như một nhà phù thủy của ngôn từ, ông khoác vào ngôn ngữ mẹ đẻ một quầng ảo vọng, chắp cánh cho tưởng tượng và đã biến thành hạc vàng bay vút trên bầu trời thơ siêu thực đang dậy thì lứa ô mai nhị độ ở thế kỷ XX mà theo tôi có lẽ ngàn năm sau cũng khó có người Việt nào đạt đến trình độ điêu luyện ấy. Ông như một vị tướng tài ba, điều động đội quân Việt ngữ một cách diệu xảo. Những sự vật tầm thường nhưng khi được “chiếc đũa thần” của Trịnh gõ vào thì lập tức biến thành lạ thường. “Nắng” thì ai chả thấy, nhưng chỉ có Trịnh Công Sơn mới thấy “Nắng Thủy Tinh”. “Mưa” đương nhiên ai chả biết nhưng “Mưa Hồng” thì chỉ chàng trai họ Trịnh mới hay! Hạ là hè. Mùa hạ tức mùa hè. Điều đó có gì lạ! Lạ chăng là bởi sau chữ Hạ, Trịnh Công Sơn thêm chữ Trắng đầy diễm tuyệt trong ca khúc “Hạ Trắng”. “Mắt xanh xao” có lẽ đối với các nhà bệnh lý học thì đấy là triệu chứng của một bệnh nào đấy, nhưng đối với Trịnh thì “mắt xanh xao” lại là điểm nhấn cho một hình ảnh liêu trai, đài các: “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” (Diễm Xưa).
Do yêu cầu của bài viết tôi đã làm cái việc “động trời” là đụng đến Nguyễn Du - một bậc thầy về ngôn ngữ. Tôi không có ý so sánh, chỉ cúi xin cụ Nguyễn tha thứ nếu như kẻ hậu sinh này có phần thất lễ với cụ. Tôi chỉ muốn bàn về nghệ thuật sử dụng ngôn từ giữa hai con người tài danh này mà thôi. Dẫu sao cụ cũng đã trở thành người cha già của thi ca và tư tưởng Việt Nam, cũng thênh thang nơi đỉnh Hồng Lĩnh tiêu dao đồng lộng với gió quê nhà, và là một trong năm nhà thơ vĩ đại nhất Đông Phương. Thì tôi tin rằng nếu mình có bất kính với cụ một chút chắc cụ cũng không chấp cái kẻ hậu sinh xảo ngôn này, nên tôi mạnh dạn viết ra chủ ý của mình vậy. Tuy nhiên cái hay, cái đẹp thì muôn hình vạn trạng, lại thêm “gu” thưởng lãm nghệ thuật của mỗi người mỗi khác. Vì cái đẹp là vô cùng, e không chiều được tất thảy mọi người, tôi đành chiều theo sở thích riêng của mình!
Ở Nguyễn Du, tiếng Việt chỉ đẹp bởi sự chính xác, mang tính triết lý cao, và xem ra cái “mỹ” ở đây chỉ là cái “mỹ” của hiện thực. Còn cái “đẹp” của Trịnh Công Sơn lại là cái “đẹp” bảng lãng, sương khói của siêu thực, ấn tượng, bởi vì ông có khả năng tạo nên độ bóng của ngôn từ. Sự vật nào được Trịnh Công Sơn đụng đến cũng bớt thật đi, và được khoác lên một thứ ánh sáng mới, đủ sức bước ra sân khấu của ngôn từ với vẻ mặt trang trọng.
Vũ trụ quan và nhân sinh quan của Nguyễn Du là tài - mệnh tương đố và dù nàng Kiều - giai nhân toàn bích nhất trong suốt hai thế kỷ qua cũng chưa thể có thêm đôi cánh để thoát khỏi mớ đèo bòng tài - mệnh. Ngược lại, những cô gái trong Diễm Xưa, Biển Nhớ, Nắng Thủy Tinh, Như Cánh Vạc Bay ... thì đích thị họ là những nàng tiên, bởi họ có đôi cánh tin yêu, tỏa ánh sáng nghê thường xuống chốn nhân gian này. Cái biệt tài của Trịnh Công Sơn là vậy! Những từ, tổ hợp từ như Phúc Âm Buồn, Vết Lăn Trầm, Biển Nhớ, Diễm Xưa, Tuổi Đá Buồn, Rồi Như Đá Ngây Ngô... thì phải chờ đến con người tài danh Trịnh Công Sơn mới đủ khả năng để gọi tên sự vật một cách diệu ảo.
Khác với Nguyễn Du tạo nên nàng Kiều - một giai nhân toàn bích - nhưng cái đẹp toàn bích không làm Trịnh Công Sơn rung động, giữa cái toàn bích ông chấm một nét hỏng và chính nét hỏng đó làm say lòng người:
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi
(Như Cánh Vạc Bay)
Cụ Nguyễn Tiên Điền có lúc phải thốt lên một câu: “Yêu nhau lại hóa bằng mười phụ nhau”. Trịnh Công Sơn thì sao? Chẳng sao cả! Ông bình thản trước mọi tráo trở của cuộc đời. Ông lớn tiếng công bố: “Yêu em yêu thêm tình phụ/ Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”. Đây là lời chú mở lối Thiên Thai, là tình yêu cứu rỗi, chung cùng, vượt qua ranh giới thiện ác, vị kỷ của con người.
Cái đẹp và cái buồn của Trịnh Công Sơn, có cái gì đó khác người. Như một nhà hiền triết Phương Đông, ông nhận ra cái tất yếu của cô đơn, cái hào hoa của thất bại, cái quyến rũ của triền dốc, cái ma lực của chén đắng. Đời dành cho ông lên đến đỉnh buồn và xuống tới vực thẳm một cái “Tâm Linh Thị” nhìn ra mọi lẽ đời, do đó bóng dáng cổ tích không hề xuất hiện trong các ca khúc của Trịnh, tình yêu cũng siêu hình, nỗi đau cũng siêu hình, tức là ít nhiều nhuốm màu sắc ý chí của kẻ chủ trương đồng thời nhạt bớt hương vị của thường tình. Tình yêu trở thành ý niệm. Vì vậy dù thật buồn, bao giờ cũng có một câu hé nắng. Đó là cái diệu tài của Trịnh.
Hình như máu lửa quê hương và sự ám ảnh về cái chết đã làm cuộc hôn phối cho một thế giới vừa hư vừa thực trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Ông nhìn thấy cái “tan” ngay khi cái “hợp” đang thành tựu, cái biến dịch ngay trong cái khởi nguyên. “Ngày nào vừa đến đã xa muôn trùng” (Rồi như đá ngây ngô), “Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng” (Như Cánh Vạc Bay) hay “Có chút lệ nhòa trong phút hôn nhau” (Bay Đi Lặng Thầm), “Trong xuân thì thấy bóng trăm năm” (Gần Như Niềm Tuyệt Vọng), “Đã có nghìn trùng trên môi người tình/ Đã dấu nụ tàn bên trọng nụ hồng/ Có chớm lạnh lùng trên môi nồng nàn/ Có thoáng gập ghềnh trên con đường mòn” (Như Một Vết Thương)... Dưới con mắt ông thần chết không đáng sợ như ta tưởng mà thần chết cũng có cái gì đó rất duyên(!). Ông tâm sự: “Cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết. Sống làm thế nào cho tràn đầy sự có mặt và chết cho tràn ngập cõi hư không. Phải đi đến tận cùng của hai cõi sống chết để làm tan biến những giấc mộng đời không thực”. Bởi mọi sự vật đều thường biến, biến thiên theo những chu kỳ nhất định, không có cái gì trường cửu, kể cả tình yêu. Vì vậy nghe ông chúng ta thường bắt gặp một cái nhìn đầy ưu tư về thân phận.
Có lẽ Trịnh Công Sơn là “ma” trong chốn riêng của mình, ông làm mưa làm gió, ông thoắt ẩn thoắt hiện, ông dịch chuyển vũ trụ, ông phân chia con người. Chưa bao giờ ngôn ngữ mẹ đẻ lại có một bộ mặt liêu trai, lạ lẫm đến như vậy: “Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa” (Diễm Xưa), “Vòng tay quen hơi băng giá” (Nghe Những Tàn Phai), “Tay rong rêu muộn màng” (Ru Ta Ngậm Ngùi), “Ngủ đi em tay xanh ngà ngọc” (Em Hãy Ngủ Đi), “Bàn tay xanh xao đón ưu phiền” (Nắng Thủy Tinh) ...
Hãy trở lại với cụ Nguyễn Du, và xem cụ Nguyễn tả cảnh. Tôi xin trích ra đây hai câu thơ trong Kiều: “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” – một vẽ đẹp toàn bích của hội họa tả thực. Trịnh Công Sơn: “Ôi áo xưa lồng lồng đã xô dạt trời chiều” (Tình Nhớ), “Nghe tháng ngày chết trong thu vàng” (Nhìn Những Mùa Thu Đi) thì lại là đỉnh cao của ấn tượng, siêu thực.
Nhóm tâm trạng của Nguyễn Du: “Từ nay góc bể chân trời/ Nắng mưa thui thủi quê người một thân”. Trọng âm nằm ở chữ “một” âm trắc, chữ “thân” âm bằng theo sau tạo thành âm hưởng buồn như một kết tốt đen của sự cô quạnh. Câu thơ đạt đến sự chuẩn mực của nền văn học cổ điển.
Cũng là một thân, cũng là sự cô đơn vô tận của kiếp người trong cõi trần ai nhưng Trịnh Công Sơn lại dùng chữ “với” cực hay. “Đời như vô tận/ Một mình tôi về/ Một mình tôi về, với tôi” (Lặng Lẽ Nơi Này). Nói về sự trống lạnh cô đơn mà ông dùng liên từ “với” làm tôi lạnh người.
Dưới đôi cánh thi ca thiên tài của mình, Trịnh Công Sơn một lần nữa đưa ngôn ngữ mẹ đẻ vỗ cánh bay lên. Ông khái quát hóa sự vật thành biểu tượng, khi chúng ta nghĩ ngợi đến cùng đích cộng với sự thăng hoa tình cảm thì lại gặp ông. Ngôn ngữ của ông có sức len lỏi vào những tế bào người nghe và làm cho các tế bào bừng tỉnh, cộng hưởng, run rẩy không thôi. Và ở một góc độ nào đó, Trịnh Công Sơn không chỉ dừng lại ở nhà phù thủy của ngôn từ mà còn là nhà sáng tạo ngôn ngữ.
Trên đây là toàn bộ cảm nhận của tôi về cách sử dụng ngôn ngữ của hai con người tài danh: Nguyễn Du - Trịnh Công Sơn. Là hai vĩ nhân của ngôn từ: một người là đỉnh cao của hội họa tả thực, một người thuộc trường phái ấn tượng, siêu thực. Tôi không có ý so sánh, chỉ muốn khẳng định một điều: Nguyễn Du là tuyệt đỉnh nhưng không có nghĩa cái đẹp đến đấy thì chấm dứt. Vả lại, đây là hai kênh khác nhau: hiện thực và siêu thực…
TRỊNH CHU