Có một con cò như thế của ca dao - của văn chương bình dân. Một con cò trắng trong giữ tròn phẩm tiết cho đến cái chết ở cuối cuộc đời. Mỗi lần đọc lên câu “ Con cò mà đi ăn đêm…”- ai cũng mường tượng bóng dáng người nông dân vất vả, chịu thương chịu khó, cô thế và tội nghiệp tự thuở nào.
Có một con cò như thế của ca dao - của văn chương bình dân. Một con cò trắng trong giữ tròn phẩm tiết cho đến cái chết ở cuối cuộc đời. Mỗi lần đọc lên câu “ Con cò mà đi ăn đêm…”- ai cũng mường tượng bóng dáng người nông dân vất vả, chịu thương chịu khó, cô thế và tội nghiệp tự thuở nào.
Vì sao cò phải ăn đêm? Cuộc sống cơ hàn tự bao đời của người lao động xưa- phải làm thêm dù mặt trời đã lặn hay là cố lên cho xong việc ở những buổi tối sáng trăng. Có người ngộ nhận chuyện “ăn đêm” là đồng hành với cái gì đó đen tối, tội lỗi!? Đúng như thế chăng? Cách hiểu có khi phải tiếp tục lý giải, tranh luận nhưng chúng ta dễ đồng tình đồng thuận: Người nông dân xưa dù nghèo khó nhưng bao giờ cũng hiền hòa chất phác và luôn căm ghét cái xấu xa nhơ nhuốc.
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ngay từ lời mở đầu cũng đã thấy ngay hình ảnh đáng thương cùng cực của cò. Cái đốm trắng tội nghiệp của cánh cò đã gặp điều bất trắc. Cò đậu phải cành mềm- cò gặp chuyện rủi ro, bất hạnh. Chuyện đồng áng phải thế thôi- mất mùa, tai ương, thiên tai- địch họa dường như thường xuyên rình rập đe dọa và giáng xuống người dân nghèo phận khó. Cánh cò phân vân đã mất sức, chồn chân mỏi gối phải chao nghiêng- cò “ lộn cổ xuống ao”. Hình như đã vượt tới giới hạn, đỉnh điểm của cùng cực, cò bị đẩy đến bước đường cùng, ranh giới giữa sự sống và cái chết. “To be or not to be”- Tồn tại hay không tồn tại? Hiện hữu hay không hiện hữu? Sống hay chết? Cò chọn lựa con đường sống. Có một cái gì đó mang tính triết lý trong việc lựa chọn này. Sống cho ai, vì ai? Và phải sống như thế nào? Mấy câu sau là lời kêu cứu thảm thiết của cò.
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Cò nghĩ ngợi gì giữa lúc này? Cò nghĩ về đàn con yêu thương, nheo nhóc đang chờ mồi ở tổ. Giọng kêu cạn sức, đuối hơi, vô vọng của cò khi chợt nhớ rằng: Mình không chỉ sống cho mình. Còn chồng con và bao người thân khác nữa? Mình đâu chỉ sống cho riêng mình. Nhà thơ Tú Xương đã có lần mượn thân cò để nói vợ mình- người vợ tảo tần một nắng hai sương… Bà Tú “lặn lội thân cò” cho chồng cho con, tất cả vì chồng vì con…
Cái chết có thể phải đến với cò. Ai mà không chết? Chết trong hơn sống đục. Đã bao kiếp người sống sờ sờ ra đấy mà có ý nghĩa gì đâu. Nói như nhà văn Nam Cao- “sống mòn” và “ đời thừa” đấy thôi. Cò nói lời trăn trối.
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Tự trọng và thanh cao biết chừng nào. Lòng cò trắng trong như chính màu trắng của thân cò. Cò không gian tham vụng trộm. Cò không nhơ nhuốc xấu xa, cò không chọn cái hám danh hám lợi như thói đời- chỉ quen tham lam, ích kỷ, chỉ biết riêng mình…Cò chọn cái chết trong để đàn con khỏi hổ thẹn khi biết mẹ mình quẫy mình trong nước đục.
Những câu những bài ca dao hay vẫn sống mãi tới muôn đời. Từng câu từng chữ là những viên ngọc bích. Mỗi nơi mỗi lúc lại tìm thấy ở đó những điều kỳ thú mới lạ. Hình ảnh con cò trong bài “ Con cò mà đi ăn đêm” đã là như thế. Tảo tần, một nắng hai sương, chịu thương chịu khó và đặc biệt hơn cả là “ Đói cho sạch, rách cho thơm” của người nông dân Việt Nam- vẫn là chuyện không bao giờ quên…
LÊ QUANG KẾT