Tranh mèo của các họa sĩ bậc thầy

04:03, 09/03/2011

Mèo, loài vật xinh xắn, ngộ nghĩnh và đáng yêu, từ lâu đã là người bạn thân thiết với con người. Mặc dầu không phải linh vật như rồng, không được thờ như hổ, không dùng để trừ tà như gà…, song mèo vẫn là con vật được con người cưng chiều, gắn bó. Mèo còn đi vào tục ngữ, ca dao, các bộ bưu ảnh, tem thư, thậm chí cả trong nghệ thuật tạo hình.

Mèo, loài vật xinh xắn, ngộ nghĩnh và đáng yêu, từ lâu đã là người bạn thân thiết với con người. Mặc dầu không phải linh vật như rồng, không được thờ như hổ, không dùng để trừ tà như gà…, song mèo vẫn là con vật được con người cưng chiều, gắn bó. Mèo còn đi vào tục ngữ, ca dao, các bộ bưu ảnh, tem thư, thậm chí cả trong nghệ thuật tạo hình.

Đôi mèo - tranh sơn mài của Nguyễn Sáng.
Nguyễn Tư Nghiêm - Mèo - bột màu

Di sản về mèo mà nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam còn lưu giữ được cho đến ngày nay không thể không nhắc đến bức Đám cưới chuột, hay Chuột vinh quy của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Với bố cục khỏe, cách diễn nét to, đậm, độ cách điệu vừa phải, giàu tính trang trí, màu sắc mộc mạc, chân quê… Người nghệ sĩ dân gian đã thông qua việc miêu tả cảnh đám cưới để gửi gắm vào tờ tranh cả một lẽ sống, rất sâu sắc: Chặn đầu đoàn rước là con mèo tổ chảng ngồi chãnh chọe, giơ một chân trước lên, dáng dấp rất hách dịch. Gặp phải hoàn cảnh ấy, họ hàng nhà chuột cử ngay một “phái bộ” đi thương thuyết, cũng đánh trống, thổi kèn hẳn hoi. Ngoài ra, họ hàng nhà chuột còn công khai mang theo chút “lễ mọn” - là cá và chim đút lót cho mèo nhằm đạt được việc lớn, không ảnh hưởng đến tài sản, hoặc sinh mạng cá nhân nào, quan trọng hơn, để đám rước được suôn sẻ. Đấy chính là lối ứng xử vừa bi vừa hài của nhân dân lao động trước người có quyền thế, rộng hơn nữa là lối ứng xử của kẻ yếu trước kẻ mạnh, để yên ổn chung sống trong hòa bình. Bài học về ứng xử của cha ông xưa đến nay có còn nguyên giá trị?!
   
Liên thông từ mạch nguồn dân gian, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là một trong những họa sĩ Việt Nam hiện đại thực sự trở về cội nguồn dân tộc, tìm kiếm và lưu giữ những cái lắng đọng cổ sơ ngàn năm, qua các mô-típ nghệ thuật Đông Sơn, Lê - Nguyễn, điêu khắc đình chùa… rồi chuyển hóa thành ngôn ngữ hiện đại. Ông xúc động theo những tâm hồn người Việt cổ mộc mạc, ban sơ; dõi ánh sáng đời mình về miền tâm linh đình chùa, miếu mạo; về với tiên rồng bay lượn, với ngựa Gióng xa xưa; về với tấm thân thôn nữ chắc mập, khỏe mạnh, gợi tình; về với nhịp trống phách đêm hội sân đình thô dỡ rộn vang tiết tấu; về với nàng Kiều tài hoa, bạc mệnh; chiêm nghiệm cõi âm dương xa xăm nơi 12 con giáp trong vòng quay nhọc nhằn của đời sống. Tất cả những ánh sáng linh động, lấp lánh, có phần tâm linh đã đổ bóng xuống tác phẩm Nguyễn Tư Nghiêm tươi xanh, thuần khiết.
    
Tranh con vật tượng trưng cho năm Mão âm lịch của ông, ứng xử một lối tạo hình mới, bay lên từ dòng nguồn mỹ thuật truyền thống Đông Hồ: màu sắc đẹp, tươi mát, có phá cách nhưng chưa bao giờ Nguyễn Tư Nghiêm đánh mất thực tại. Đấy chính là tài năng, và cũng là đặc trưng phong cách hội họa Nguyễn Tư Nghiêm: ngất ngây có, hồn nhiên có, nhưng là thứ ngây ngô trầm mặc, uyên nguyên.
   

Mèo - tranh bột màu của Nguyễn Tư Nghiêm.
Nguyễn Sáng - Đôi mèo - sơn mài.

Còn Nguyễn Sáng, người con của Nam Bộ, do thiên nhiên Nam Bộ tạo tác nên. Bởi vậy, có khi Nguyễn Sáng hồn nhiên như cỏ dại, lắm lúc lại ương ngạnh đến nghiệt ngã với cả chính mình lẫn nghệ thuật. Phải chăng đấy là bản lĩnh sống của một kẻ dám ngược dòng chủ lưu, quyết tìm cho bằng được ngôn ngữ tạo hình mới. Nguyễn Sáng là vậy! Cứ trố mắt ếch nhìn đời, không đầu hàng, không xin xỏ, chọn tiếng nói im lặng của hình sắc, thực chứng cho tài năng mình. Và Nguyễn Sáng đã thành công với hàng loạt những tác phẩm mang tầm vóc kinh điển: Giặc đốt làng tôi - sơn dầu, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ - sơn mài, Thành đồng Tổ quốc - sơn mài, Chùa Phổ Minh - sơn mài,  Thiếu nữ và hoa sen - sơn dầu, Múa vòng - sơn mài, Trong vườn chuối - sơn mài, Mưa Sài Gòn - sơn mài… cùng một bộ tranh độc nhất vô nhị trong đời làm nghệ thuật của Nguyễn Sáng: tranh con mèo.
    
Nguyễn Sáng từng vẽ hổ, vẽ trâu, vẽ ngựa, vẽ gà… nhưng chưa ở đâu dấu ấn cá nhân Nguyễn Sáng lại phát tiết một cách tự do nhất, đam si và hào hứng nhất như ở tranh vẽ mèo. Với Nguyễn Sáng, mèo là một cuộc khám phá các đối tượng thẩm mỹ về hình sắc, bố cục, cấu trúc và là sự tìm kiếm kỳ công cho phương thức biểu hiện mới. Ông vẽ hàng trăm bức về mèo, trở thành “Vua vẽ mèo” của Việt Nam: khi phiêu du trên mặt lụa mỏng manh, thanh thoát; lúc rực rỡ, lung linh trong ánh sơn mài tưng bừng, khỏe khoắn; có khi lại thiết tha, rạo rực nơi những vết chải sơn dầu, bột màu ngon mắt. Tất cả các con-mèo-Nguyễn-Sáng bước ra linh động, tham gia vào đời sống tinh thần của con người đầy kiêu hãnh, sang trọng, đúng chất một tiểu hổ: mạnh mẽ đến điên dại, bí ẩn. Xem tranh mèo Nguyễn Sáng, ta nhớ đến những trang văn của Jack London.  Tiếc rằng hàng trăm bức vẽ mèo của Nguyễn Sáng đã thất lạc gần hết trong suốt mấy thập niên vừa qua. Đây là một sự thiệt thòi lớn cho những ai yêu mến mảng tranh này của Nguyễn Sáng, cũng như yêu mến tiền đồ hội họa nước nhà.
  
Danh họa Bùi Xuân Phái dẫn đầu một lối ứng xử thẩm mỹ nho nhã, trầm tưởng, phảng phất thoáng sầu tư định mệnh. Tên tuổi ông đã đi vào bất tử cùng những con phố tiềm thức Hà Nội. Một Hà Nội rêu phong, ẩm ướt nhưng cũng đầy thi vị, cổ tích. Ở lĩnh vực tranh tết, con mắt hình họa Bùi Xuân Phái lại hồn nhiên đến lạ, như thể đó là cái nhìn của con trẻ trước mùa xuân, trước đất trời nhiều bỡ ngỡ và đáng yêu. Sự duyên dáng pha chút đỏng đảnh của cô mèo trong bức tiểu họa Tranh tết năm Đinh Mão, chính là sự thể nhập của con mắt hồn nhiên Bùi Xuân Phái.
    
Mỗi con giáp biểu trưng cho một vận hội, một tính cách, một dự tưởng triết học của các danh họa về thời khắc ngắn ngủi mà mình đang sống, đang mải miết trôi trong một tâm thức thụy du. Hơn thế nữa, nó còn là một hành động xác nhận tài năng chính mình. Trong hành trình sáng tạo đầy đam mê mà trầm ẩn cũng lắm, các danh họa này đã khéo sa chân đẹp đẽ vào việc khám phá hình ảnh con vật cầm tinh cho năm Mão; và ở đó, một lần nữa tài năng già dặn của Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái - Nguyễn Tư Nghiêm lại được xác nhận, xứng đáng với tư cách là những người mở đường cho một nền hội họa mới Việt Nam.

Trịnh Chu