Chuyện kể chưa lâu. Nhà kia có 8 người. Hai bố mẹ đều ngoài 50 tuổi. 6 người con, 4 trai đầu và 2 gái. Anh lớn nhất 22 tuổi, cô em út lên 7. Sau đám cưới là những bữa cơm đầu tiên gia đình có cô dâu cả. Vào bữa, như đã định sẵn, cô dâu ngồi đầu nồi để cơm cho cả nhà. Cô vui vẻ đón nhận từng chiếc bát. Mỗi bát hai lần xới và không đầy quá, không vơi quá. Đưa cho bố mẹ chồng và chồng, cô dùng hai tay cung kính. Lúc có nhiều người cùng chìa bát, nhưng không ngồi lâu, phần vì chẳng còn bao nhiêu cơm để ngồi thêm, phần vì mọi người đã xong xuôi cả rồi. "Dâu con mà ngồi như bà tướng là hỏng!". Cô nghĩ thế.
Chuyện kể chưa lâu. Nhà kia có 8 người. Hai bố mẹ đều ngoài 50 tuổi. 6 người con, 4 trai đầu và 2 gái. Anh lớn nhất 22 tuổi, cô em út lên 7. Sau đám cưới là những bữa cơm đầu tiên gia đình có cô dâu cả. Vào bữa, như đã định sẵn, cô dâu ngồi đầu nồi để cơm cho cả nhà. Cô vui vẻ đón nhận từng chiếc bát. Mỗi bát hai lần xới và không đầy quá, không vơi quá. Đưa cho bố mẹ chồng và chồng, cô dùng hai tay cung kính. Lúc có nhiều người cùng chìa bát, nhưng không ngồi lâu, phần vì chẳng còn bao nhiêu cơm để ngồi thêm, phần vì mọi người đã xong xuôi cả rồi. "Dâu con mà ngồi như bà tướng là hỏng!". Cô nghĩ thế.
Đến bữa cơm thứ ba, các chú em vẫn như mọi khi, cứ vèo vèo bát đầy vơi. Giữa bữa, nghĩ rằng cô con dâu đơm cơm mỏi tay và rồi có thể sẽ nhịn đói, ông bố nói: "Các con ăn thong thả thôi, cũng phải để cho chị nó ăn với chứ!". Ông bố vừa dứt lời, cô dâu bật khóc, cúi mặt xuống hai mu bàn tay nói tức tưởi: "Chỉ có mỗi mình bố là thương con thôi!". Hành vi của cô dâu quả là bất thường. Những tưởng sẽ có ai đó phản ứng để cô "chừa cái thói vừa mới chân ướt chân ráo về nhà chồng mà đã ngại việc!". Nhưng không, điều đó đã không xảy ra. Bữa cơm được tiếp tục trong im lặng, chỉ có tiếng bát đũa chạm vào nhau và tiếng nhai thức ăn khẽ khàng, khẽ khàng...
Câu chuyện trên có nhiều điều làm cho người thường phải suy nghĩ. Cô dâu ngồi đầu nồi để đơm cơm cho cả nhà, lễ độ với bố mẹ chồng, nhường nhịn giúp đỡ các em – đó là một nét văn hóa. Tuy nhiên, do sự vô tâm của nhiều người mà vô hình trung, việc cô xới cơm đã trở thành quan trọng hơn việc cô ăn cơm. Nhẫn nhịn đã đến độ thái quá, nhưng cô biết làm sao! Ông bố chồng đã thấy điều "không ổn" và ông đã lên tiếng. Ngẫu nhiên, đó là cái cớ tuyệt diệu, vừa tâm lý, vừa tình cảm để dẫn tới hành vi bột phát ở cô dâu: "Chỉ mỗi mình bố là thương con thôi!".
Cô dâu nói câu ấy đúng có một lần rồi im ngay. Bởi cô biết là đã không làm chủ được mình nên mới nói thế. Nhưng chính điều đó lại được chấp nhận, không có ai phản đối. Thực ra, câu nói của cô là một lời trách móc. Cô trách người không thương cô (Tuyệt hay là ở chỗ nói như trách mọi người (trừ ông bố) mà lại không phải là trách tất cả!). Vậy thì cô dâu trách ai? Cô không trách mẹ chồng, trái lại cô thương bà, vì bà cũng như mẹ đẻ của cô đã từng "Dâu cả ngồi đầu nồi" rồi. Còn các em chồng, chúng vô tư, trong trắng, đáng yêu. Đích thị là cô trách chồng! Sao anh không nhận thấy tình cảm của vợ anh? Hoặc nếu có nhận thấy thì sao anh không nghĩ cách gì để xử lý cho phù hợp, để cùng chia sẻ với vợ?...
Câu chuyện giản dị trên đây làm tôi nghĩ đến những hủ tục trọng nam, khinh nữ vẫn tồn tại ở một số gia đình. Chỉ xin nêu một ví dụ: Cớ làm sao, mọi người đều đi làm, đều công tác, nhưng khi về nhà thì chỉ riêng người mẹ vào bếp rồi chờ tất cả về ăn cơm. Hôm sau lại mình chị dậy sớm lo bữa sáng, lại mời gọi tất cả vào mâm?... Tất thảy cần phải được điều chỉnh bằng việc làm chứ không chỉ dừng lại ở lời nói "Giải phóng phụ nữ" chung chung. Trước hết, trực tiếp nhất là với các vị hôn phu đáng kính.