Tấm lòng của một người bạn

03:03, 27/03/2011

Sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân từ Đà Nẵng phôn cho tôi: “Vài hôm nữa anh vào Đà Lạt để tìm “dấu vết” của Sơn. Giúp anh nhé?”. Tất nhiên là tôi gật đầu đồng ý. Chuyến tháp tùng anh Xuân đi tìm “dấu vết” Trịnh Công Sơn của tôi năm ấy có không ít điều đáng nói.

Sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân từ Đà Nẵng phôn cho tôi: “Vài hôm nữa anh vào Đà Lạt để tìm “dấu vết” của Sơn. Giúp anh nhé?”. Tất nhiên là tôi gật đầu đồng ý. Chuyến tháp tùng anh Xuân đi tìm “dấu vết” Trịnh Công Sơn của tôi năm ấy có không ít điều đáng nói.
 
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Đắc Xuân (thứ 2 từ trái qua) chụp hình lưu niệm với cán bộ, phóng viên Báo Lâm Đồng
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Đắc Xuân (thứ 2 từ phải qua) chụp hình lưu niệm với cán bộ, phóng viên Báo Lâm Đồng

Hầu chuyện cùng anh Nguyễn Đắc Xuân, tôi biết hóa ra là nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân cùng quê với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Huế! Đặc biệt, cả hai cùng có một thời kỳ sống ở Đà Lạt nên tình bạn trong họ càng sâu sắc. Sau cái chết của nhạc sĩ họ Trịnh, anh Xuân đã bỏ ra không ít công sức để đi tìm sự bí ẩn quanh con người nhạc sĩ tài hoa là bạn của mình từ Đà Nẵng ra Huế, từ Huế lên Đà Lạt, xuống Bảo Lộc, từ Bảo Lộc lội ngược ra Quy Nhơn (Bình Định)…

Trong một tác phẩm của mình, nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân có viết: “Cho đến nay, Trịnh Công Sơn vẫn chưa – như gia đình tôi hay dùng – exit (thoát) khỏi đời sống của tôi. Bởi vì, tôi là một người luôn luôn thích khám phá bí ẩn nhưng có nhiều giai đoạn trong cuộc đời của bạn tôi, tôi chưa công bố. Tôi vẫn còn nợ giai đoạn Trịnh Công Sơn dạy học và bắt đầu làm nhạc phản chiến ở Blao – Lâm Đồng. Đây là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Sơn nhưng Sơn rất ít viết, ít đề cập đến và tất nhiên bạn bè – những người yêu thích âm nhạc Sơn, cũng ít biết. Để chuẩn bị cho việc “trả nợ này”, tôi đã làm một cuộc hành hương trở lại vùng cao nguyên bụi đỏ sương mù Blao để làm sống dậy những điều mà Trịnh Công Sơn đã chôn chặt nơi đây”.

Quả thực, nguyên nhân mà nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân trở lại phố núi Đà Lạt và cao nguyên bụi đỏ B’lao không hề đơn giản tí nào. Tuy nhiên, chuyến đi ấy của anh Xuân chỉ hoàn toàn theo ý định cá nhân chứ không hề “vin” vào công vụ hay vì một dự án nào đó để thực hiện. Hồi đó, anh Xuân còn là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại miền Trung (“đại bản doanh” đóng tại Đà Nẵng, còn nhà của anh Xuân thì ở Huế. Nhưng anh không lấy tư cách là người của Báo Lao Động để thực hiện chuyến đi mà đi chỉ vì tấm lòng với một người bạn.

Đến Đà Lạt, anh không chỉ dừng chân ở phố núi sương mù mà với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa đi tìm “dấu vết” văn hóa của bạn mình, nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân còn lội xuống tận B’lao (Bảo Lộc), nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có 3 năm dạy học và sáng tác nhạc, và lưu lại nhiều ngày ở đó. Sau mấy ngày lang thang cùng anh Xuân ở Đà Lạt, ngày anh đi B’lao, tôi giới thiệu một người quen cho anh là “thổ địa” ở dưới đó là anh Lê Quang Kết – một thầy giáo và cũng là một trong những người đặc biệt yêu mến nhạc của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

Tại Đà Lạt, sau buổi điểm tâm qua quýt, tôi xách chiếc xe máy cà tàng chở anh Xuân đi một lượt quanh phố núi. Ngồi sau xe, anh Xuân hầu như không nói gì. Cũng cần nói thêm, sau khi được sinh ra ở Huế, vì hoàn cảnh gia đình, anh Xuân theo mẹ lên Đà Lạt định cư và có một quãng thời gian khá dài sống ở Xuân Thọ. Bởi vậy, với anh Xuân, Đà Lạt là quê hương thứ hai. Vả lại, ngoài việc làm thầy giáo dạy học ở Bảo Lộc, nhạc sĩ họ Trịnh còn thường xuyên lên Đà Lạt và có ở trọ trong một ngôi nhà trên dốc Hải Thượng. Tôi đưa anh Xuân đến nơi, anh bảo: “Dấu vết cũ không còn nhiều lắm!”. Vài hôm sau, anh xuống Bảo Lộc. Tiếp đến, anh lặn lội nhiều nơi khác để “lần dấu” nhạc sĩ họ Trịnh. Về lại Đà Nẵng và Huế, nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân đã cho ra đời nhiều bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được công chúng đón đọc khá nhiều. Về sau, anh có hẳn một số công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của người bạn nhạc sĩ tài hoa của mình.

Ở nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân trong hành trình đi tìm “dấu vết” Trịnh Công Sơn không hề có một vụ lợi nào (như sau này có một số bài viết ở hải ngoại nói về anh) mà là vì tấm lòng của một người bạn đối với một người bạn. Qua chuyến đi với anh Nguyễn Đắc Xuân, tôi biết rõ điều đó!

KHẮC DŨNG