Góp phần vào sự phát triển chung của Nam Tây Nguyên

09:04, 17/04/2011

(LĐ online) - Bắt đầu từ cuối tháng 4 này, hoạt động của Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Lâm Đồng sẽ được chuyển sang một giai đoạn mới – giai đoạn sau đại hội lần thứ nhất. Phát biểu chỉ đạo tại đại hội Chi hội VNDG Lâm Đồng được tổ chức mới đây tại Đà Lạt, đồng chí Bùi Thanh Long – Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng – cho rằng: “Trong các tổ chức trực thuộc Hội VHNT Lâm Đồng, Chi hội VNDG là đơn vị “sinh sau đẻ muộn” nhất, tính cho đến lúc này. Tuy nhiên, nhìn vào tiềm lực thì đây là một chi hội mạnh của Hội VHNT Lâm Đồng và của cả Hội VNDG Việt Nam (Chi hội VNDG Lâm Đồng còn thuộc Hội VNDG Việt Nam)”.

(LĐ online) - Bắt đầu từ cuối tháng 4 này, hoạt động của Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Lâm Đồng sẽ được chuyển sang một giai đoạn mới – giai đoạn sau đại hội lần thứ nhất. Phát biểu chỉ đạo tại đại hội Chi hội VNDG Lâm Đồng được tổ chức mới đây tại Đà Lạt, đồng chí Bùi Thanh Long – Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng – cho rằng: “Trong các tổ chức trực thuộc Hội VHNT Lâm Đồng, Chi hội VNDG là đơn vị “sinh sau đẻ muộn” nhất, tính cho đến lúc này. Tuy nhiên, nhìn vào tiềm lực thì đây là một chi hội mạnh của Hội VHNT Lâm Đồng và của cả Hội VNDG Việt Nam (Chi hội VNDG Lâm Đồng còn thuộc Hội VNDG Việt Nam)”.
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các hội viên Chi hội VNDG Lâm Đồng
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các hội viên Chi hội VNDG Lâm Đồng
Trong 15 hội viên hiện có của Chi hội VNDG Lâm Đồng thì 100% người có bằng từ cử nhân trở lên; trong đó có 1 PGS-TS, 1 TS, 7 ThS (6 hội viên còn lại là cử nhân). Theo TS Lê Hồng Phong – giảng viên chính, Trường Đại học Đà Lạt thì Thế mạnh lớn nhất của Chi hội VNDG chính là hàm lượng chất xám khá cao; sản phẩm của hội viên chủ yếu là các đề tài khoa học về văn hóa dân gian, các bài báo khoa học, các đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp trường đến cấp bộ… Một trong những thế mạnh của Chi hội VNDG Lâm Đồng nữa là, hầu hết các hội viên là những người làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội hiện đang làm công tác giảng dạy hoặc thỉnh giảng tại Trường Đại học Đà Lạt, là những người giữ những vị trí chủ chốt ở các cơ quan văn hóa hoặc quản lý văn hóa… Cũng theo TS Lê Hồng Phong, ngay từ khi mới thành lập (10.2009, lâm thời), đội ngũ những nhà nghiên cứu của Chi hội VNDG Lâm Đồng đã hình thành nên nhiều hướng nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu, như hướng nghiên cứu liên văn hóa (với định hướng và tư vấn của PGS-TS Phan Thị Hồng), hướng nghiên cứu so sánh (TS Lê Hồng Phong), hướng nghiên cứu dân tộc học – nhân học (CN Ngọc Lý Hiển). Nhìn chung, trong các hướng nghiên cứu này thì hướng nào cũng có những ưu điểm và thành tựu nghiên cứu đáng ghi nhận: Hướng nghiên cứu liên ngành văn hóa – văn học đang thực hiện nhiều đề tài nhất, hướng nghiên cứu so sánh đã công bố được nhiều bài báo khoa học nhất, còn nhóm nghiên cứu nhân học – dân tộc học thì thì đã hình thành ê kíp nghiên cứu rõ nét nhất.
 
Trong các thành tựu đã đạt được, theo đánh giá của Hội cấp trên, vấn đề đáng quan tâm là các tác giả đều hướng công việc nghiên cứu của mình đến địa phương tỉnh Lâm Đồng, đến Tây Nguyên và khu vực. Nếu không kể các nhà nghiên cứu đã có tên tuổi (như PGS-TS Phan Thị Hồng, TS Lê Hồng Phong…), với đội ngũ trẻ tuổi của Chi hội, chỉ cần lướt qua các đề tài nghiên cứu của họ trong thời gian gần đây cũng đủ để thấy rõ việc họ dành tâm huyết của mình cho mảnh đất mà họ đang sống như thế nào. Đó là những đề tài “Sự chuyển biến trong hôn nhân và gia đình của người Churu ở tỉnh Lâm Đồng” (của ThS Mai Minh Nhật, sinh năm 1983), “Tổng điều tra về lễ hội của các dân tộc Mạ, Kơho, Churu” (ThS Lê Thị Nhuấn, sinh năm 1981), “Nghiên cứu truyện cổ Raglai” (ThS Ngô Thành Vinh, sinh 1974), “Đặc điểm nữ nhân vật sử thi Tây Nguyên” (ThS Võ Thị Thùy Dung, sinh 1979), “Văn hóa mẫu hệ Mnông” (ThS Lê Thị Thanh Đạm, 1975)… Đặc biệt, với TS Lê Hồng Phong, người đã giảng dạy và làm công tác nghiên cứu khoa học tại mảnh đất Nam Tây Nguyên này đã hơn hai mươi năm qua nên nhìn vào “bề dày” của công trình, chắc chắn ai cũng bị thuyết phục về sự cống hiến của TS cho địa phương Lâm Đồng và Tây Nguyên: Ngay từ năm 1998, TS Lê Hồng Phong đã có “Những ý kiến khác nhau về di tích Cát Tiên”, giai đoạn từ 1992 – 1994 là những “Nhân vật mồ côi trong truyện cổ Mạ”, “Tìm hiểu văn hóa dân gian một số dân tộc ở Lâm Đồng”, “Hiện tượng dị bản trong truyện cổ K’Ho”, “Về con số “bảy” trong truyện cổ Mạ”, “Yếu tố văn hóa nguyên thủy trong truyện cổ một số dân tộc ở Lâm Đồng”…; và trong những năm gần đây là những “Truyện malai ở Lâm Đồng” (2001), “Về sự vận động của văn học dân gian” (2003), “Phức thể truyện hài - ngụ ngôn Tây Nguyên qua trường hợp Mạ và K’Ho” (2006), “Truyện cổ Mạ - K’Ho” (2010)… Cũng như vậy, PGS-TS Phan Thị Hồng cũng có một bề dày đáng nể: “Giông nghèo tám vợ - Tre Vắt ghen ghét Giông” (trường ca dân tộc Banar, 1996), “Hệ thống nhân vật trong mối quan hệ với các đề tài – cốt truyện của sử thi anh hùng Tây Nguyên” (đề tài cấp bộ, 2004 – 2006), “Những câu chuyện bên bờ sông Dakbla” (truyện dài dân gian Banar, 1999)… 
 
TS Lê Hồng Phong – Chi hội trưởng Chi hội VNDG Lâm Đồng – cho biết: “Trong những năm đến, chúng tôi tăng cường hơn nữa mối quan hệ với địa phương để nghiên cứu một cách toàn diện và chuyên sâu về văn hóa các dân tộc Lâm Đồng; để từ đó góp phần cùng địa phương phát triển văn hóa – xã hội nhằm bảo tồn và phát huy tài sản văn hóa các dân tộc Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung”.
 
Khắc Dũng