Đêm Trịnh giữa ngàn thông

08:04, 02/04/2011

(LĐ online) - Giữa mênh mang của cỏ và hoa, của thông và gió, đêm tưởng nhớ 10 năm ngày mất
nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thực sự là đêm “Hát rong qua miền hư ảo” như chủ đề đặt ra tại Đồi Mộng mơ, Đà Lạt, ngày 01-4. 

(LĐ online) - Giữa mênh mang của cỏ và hoa, của thông và gió, đêm tưởng nhớ 10 năm ngày mất
nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thực sự là đêm “Hát rong qua miền hư ảo” như chủ đề đặt ra tại Đồi Mộng mơ, Đà Lạt, ngày 01-4. 

Mở đầu là lễ rước ca từ họ Trịnh giữa những thảm hoa lung linh, huyền ảo ánh sáng đèn lồng. 22 cô gái trong trang phục trắng, đầu đội hoa salem trắng, tay cầm phướn thư pháp ca từ Trịnh Công Sơn và hoa sen cùng gần 300 người yêu nhạc Trịnh cầm đèn sen, hoa hồng. Dòng người trầm lặng di chuyển về tượng Trịnh Công Sơn trong tiếng nhạc sacxophone du dương với “Một cõi đi về”. Những bông hồng đỏ, những đèn sen lung linh được đặt dưới chân tượng nhạc sỹ tài hoa bới những tâm hồn trong trẻo và an lành.

Không gian thiên nhiên cao nguyên vốn đã khoáng đạt, những bánh xe vô thường, cỏ lau, gánh hoa tím, mái tre liêu xiêu, ánh lửa…càng mở đến vô cùng mà sâu lắng. 21 nhạc phẩm nổi tiếng của hơn 600 tác phẩm được trình bày như một câu chuyện kể về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: Đất trời một cuộc rong chơi, Yêu một cõi đời đã mất, Những giấc mơ đời hư ảo và Nhân hậu một thiền sư.

Hàng trăm người yêu nhạc Trịnh ở Đà Lạt và du khách nghe nhạc Trịnh giữa đồi thông.
Hàng trăm người yêu nhạc Trịnh ở Đà Lạt và du khách nghe nhạc Trịnh giữa đồi thông.
Ca từ mộc mạc nhưng đậm chất thơ, giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu chậm là chủ đạo, Trịnh Công Sơn đã đưa mỗi người trong mọi người về với những miền miên man vừa sâu lắng, thâm trầm vừa nhẹ nhàng, siêu thực…Nỗi buồn của nhạc Trịnh là nỗi buồn thánh thiện, nó cứa vào trái tim đồng loại như muôn lời nói bình dị nhất nhưng sức lay động, lan tỏa đến thổn thức, thao thiết khôn cùng. Với Trịnh, cuộc đời được tinh lọc từ “Ướt mi”, “Hạ trắng”, “Chiếc lá thu phai”, “Tuổi đá buồn”, “Mưa hồng”, “Nắng thủy tinh”…; từ “cỏ xót xa”, “hoa vô thường”, “thác đổ”… để rồi “Lặng lẽ nơi này”, “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” và để “Hãy yêu nhau đi”...

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nhận xét: “…tình ca Trịnh Công Sơn không hẳn chỉ là 1 bông hồng dâng tặng- nó chứa đựng tất cả tâm trạng lo âu của con người nhìn ra thế giới hiện đại”. Đêm trên đồi Mộng Mơ không khép lại, những tiếng lòng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đưa mỗi người về trong thăng hoa. "Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về. Nhớ chân giang hồ...".

Minh Đạo