Thận trọng khi viết panô, khẩu hiệu

03:04, 06/04/2011

Gần đây, trên địa bàn thành phố Đà Lạt và một số địa phương của tỉnh xuất hiện một số panô, khẩu hiệu mà nội dung được thể hiện trên đó có thể gây ra những hiểu lầm đáng tiếc.

Gần đây, trên địa bàn thành phố Đà Lạt và một số địa phương của tỉnh xuất hiện một số panô, khẩu hiệu mà nội dung được thể hiện trên đó có thể gây ra những hiểu lầm đáng tiếc.

Cụ thể là:

- Trên đường Trần Lê và Lê Đại Hành có treo 2 băng rôn khẩu hiệu có nội dung như sau: “Phòng chống cháy nổ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi người làm trong doanh nghiệp”. Đây là một câu khẩu hiệu tuy không có gì sai về mặt ngữ pháp, nhưng về mặt ngữ nghĩa thì rõ ràng là chưa ổn. Bởi viết như vậy người ta có thể hiểu rằng: “việc phòng chống cháy nổ” chỉ là “nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người làm việc trong doanh nghiệp”, còn không thì… Đúng ra, trong câu này chỉ cần dừng lại ở phía sau chữ “mọi người” là đủ.

- Cũng tương tự như câu trên, lâu nay, phía trước cổng các trường học trong tỉnh có bố trí một panô với nội dung như sau: “Trường em quyết tâm xây dựng cổng trường sạch, đẹp, an toàn giao thông”. Sẽ không có gì đáng nói nếu trong panô này không sử dụng danh từ “cổng trường” bởi, cũng như câu trên, hóa ra, “trường em” chỉ cần giữ gìn “sạch đẹp, an toàn giao thông” ở “cổng trường” thôi sao?

Được biết, câu khẩu hiệu ở trên, hàng năm, cứ đến “Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ” đều được ngành chức năng cho treo ở một số tuyến phố. Còn với panô sau thì đã xuất hiện từ khá lâu ở cổng các trường học trong tỉnh. Thế nhưng vẫn chưa có ai góp ý gì cả.

Một dạng sai sót khác, chúng tôi xin nêu ra để cùng rút kinh nghiệm. Đó là, ở mặt tường phía trước cơ quan quân sự thành phố Đà Lạt có bố trí 2 panô được trình bày khá đẹp. Một trong 2 panô này có nội dung như sau: “Phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Trong tiếng Việt, “phấn đấu” là một động từ để chỉ sự “cố gắng và bền lòng đạt cho được mục đích cao cả”. Hoặc hiểu một cách nôm na là động từ này để chỉ hành động của cá nhân hay tập thể làm một việc gì đó mà bản thân mình hay tập thể, gia đình mình chưa có. Ví dụ như: Năm nay, tôi quyết tâm phấn đấu trở thành một đảng viên cộng sản; hoặc: Năm nay, cơ quan… quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch được giao. Tóm lại, trong thực tế, chẳng có ai lại đi “phấn đấu” làm cái mà mình đã có. Nếu như nội dung panô trên đây chỉ cần thay 2 chữ “phấn đấu” bằng 2 chữ “mãi mãi” thì có lẽ chuẩn xác hơn. Đáng tiếc là nó đã tồn tại ở vị trí này từ khá lâu, nhưng vẫn chưa được sửa chữa.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu ý nghĩa, mỗi một chữ viết, thậm chí chỉ là một dấu ngắt câu như: dấu chấm (.), dấu phẩy (,)… đều có ý nghĩa nhất định. Vì vậy, khi sử dụng, nhất là khi sử dụng trong các văn bản pháp lý hoặc là ở các panô, khẩu hiệu…, thì lại càng phải thận trọng để có thể tránh được những sai sót như đã nêu ra trên đây.

HOÀNG KIM NGỌC