Huyền sử Văn Lang

02:04, 12/04/2011

Huyền sử Văn Lang là điểm tựa tâm linh của dân tộc. Một chuyến hành hương về đất tổ nhân mùa xuân về làm thức dậy đạo làm người - lòng yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc. Tháng ba mùng mười, ngóng ra đất Bắc thắp nén hương lòng tưởng vọng ân đức người xưa…

Ngày nhỏ cô giáo kể chuyện “Con Rồng cháu Tiên”- huyền sử tự ngàn xưa nghe lung linh huyền ảo. Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở trăm con. Sau một thời gian dài chung sống, Long Quân nói với Âu Cơ rằng : Ta là dòng dõi Rồng ngươi là dòng dõi Tiên không thể ăn đời ở kiếp với nhau được chi bằng ta đem năm mươi con về biển, ngươi đem năm mươi con lên núi d? tạo dựng giang sơn - sinh cơ lập nghiệp lâu dài. Thời đại các vua Hùng và nước Văn Lang là dấu thiêng huyền sử mang tính hiện thực và có giá trị thẩm mỹ cao trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.
 
Đông đảo du khách tìm về khu di tích Đền Hùng dâng hương ngày Quốc giỗ. Ảnh Internet
Đông đảo du khách tìm về khu di tích Đền Hùng dâng hương ngày Quốc giỗ. Ảnh Internet

Riêng tôi, giấc mơ ấp ủ suốt cả thời trai trẻ- đó là được một lần về thăm quê cha, niềm mong ước của bao đứa con lưu lạc theo dấu cha anh “hành phương Nam”. Một chuyến tàu ra Bắc, từ Hà Nội theo quốc lộ 2 đến Việt Trì - ngã ba Phong Châu - đền Hùng trên Nghĩa Linh Sơn xanh mờ sương khói- Ôi! Niềm xúc động thiêng liêng đau thắt trong trái tim bé nhỏ - Đất Tổ là đây! Những bài cổ sử – những truyền thuyết xa xưa hiện về trong ký ức và câu ca dao ngàn năm đồng vọng thổn thức:
 
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba!”

Có nhà nghiên cứu sử ưu tú đã minh triết rằng: Sử ký đề cập đến vòng ngoài của  những biến cố ngoại diện còn huyền sử là vòng trong tâm linh dân tộc. Người hành hương bước trên  bậc tam cấp, qua đền, qua cổng đền Hùng - tâm thức vang vọng từ sâu thẳm đất đai - sự kỳ diệu của huyền sử, của truyền thuyết… Huyền sử chép rằng: Đền Hạ chính là nơi mẹ Âu Cơ sinh hạ 100 người con. Câu hỏi được đặt ra :  Sao lại là trăm trứng nở trăm con trong một bọc? Đây không chỉ là con số thuần tuý số học mà chữ trăm với ý nghĩa từ lời cửa miệng dân gian : Trăm họ một lòng - trăm hoa đua nở - trăm việc phải làm…Tiên Rồng với bọc trăm trứng giúp cho người dân Việt gần gũi đùm bọc yêu thương nhau hơn “Thương người như thể thương thân” - hệ quả là chỉ có người Việt mới gọi nhau hai tiếng thiêng liêng “đồng bào”- bởi tất cả đều cùng chung ruột mẹ Âu Cơ mà ra. Từ huyền sử Văn Lang thuở ấy, dân ta thường quen gọi người cai quản (quan lại) xã hội là Bố - một từ sau này được dùng để gọi cha ruột của mình. Một hình tượng đẹp, gần gũi và tình cảm - dân gọi vua quan thân mật âu yếm tin cậy như cha con. Quả là thơ mộng dân chủ và thiết thực - không còn gì nhân văn nhân bản hơn thế?!

Ở đền Hạ còn có đền Giếng thờ hai công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung con vua Hùng thứ 3 với những truyền thuyết tình yêu thi vị. Tình yêu là tất cả, san lấp mọi thứ cao thấp trên đời - núi đèo hay biển cả, vượt lên cái gọi là sang - hèn , giàu - nghèo, đẳng cấp, quý tộc… Những đôi lứa yêu nhau thường đến giếng này, cầm tay nhau khấn nguyện chung thuỷ sắt son đến trọn đời… Thời ấy, trong một lần du thuyền trên Thao Giang- Tiên Dung tình cờ gặp Chữ Đồng Tử, cô công chúa điện ngọc cung son gặp chàng trai chài nghèo khó không mảnh khố che thân! Như là cơ duyên của đất trời- họ đã bền duyên giai  ngẫu  mặc cho quyền uy thế lực, mặc cho chuyện thế thị phi. Núp sau  bóng dáng Tiên Dung- Chử Đồng Tử là hình ảnh của nhân dân kính yêu vô danh và bất tử – một trái tim tha thiết yêu đời, một tâm hồn thanh cao, một tấm lòng trong sáng muốn vươn tới những giá trị cao đẹp của một tình yêu thuỷ chung bền vững.

Từ đền Hạ bước trên các bậc đá men theo sườn núi dốc thẳng sẽ dẫn ta tới đền Trung ở lưng chừng núi. Nhiều vị tướng đánh giặc giữ nước được thờ nơi đây. Hình tượng bất diệt tuyệt vời sừng sững treo trên lầu cao- đó là người anh hùng cứu nước Thánh Gióng. Cậu bé sinh ra ba tuổi chẳng nói chẳng cười, khi có sứ giả kêu gọi người hiền tài giúp dân đánh giặc, cậu đã cất tiếng nói đầu tiên và đó là lời cứu nước. Yêu cầu của cậu là ngựa sắt roi sắt phù hợp với yêu cầu của thời đại- dân Việt buổi ấy đã biết sử dụng công cụ lao động đồ sắt. Cậu vươn thành người cao lớn đánh tan giặc Ân xâm lược rồi bay thẳng về trời - hẹn khi đất nước lâm nguy sẽ trở lại giúp dân đánh giặc cứu nước. Một tấm lòng yêu nước trong trắng vô vụ lợi chẳng gợn chút bùn dơ - yêu nước không đợi tuổi. Hàng ngàn năm sau Thánh thi Cao Bá Quát một lần viếng đền Hùng đã bật lên thành vế đối.

“Phá tặc đản hiềm tam tuế vãn
Đằng không do hận cửu thiên đê”
(Đánh giặc ba tuổi đà quá muộn/ Bay lên chín tầng mây chưa phải là cao)

Cứ thế, hàng hàng lớp lớp các thế hệ con dân Việt nối tiếp nhau trong âm vang tiếng trống đồng của bộ tộc Văn Lang. Phải, chính tiếng trống ấy đã vang lên theo chân ngựa sắt Phù Đổng đuổi giặc Ân bạt vía kinh hồn. Tiếng trống là hiệu lệnh chung lưng đấu cật cùng với Sơn Tinh ầm ầm đương đầu ngăn thuỷ quái và sóng dữ. Tiếng trống cùng với Hưng Đạo Vương dội sóng Bạch Đằng buộc vó ngựa của đội quân Nguyên- Mông  lẫy lừng thiện chiến phải dừng chân trên đất Đại Việt- sứ giả Trần Phu của Hốt Tất Liệt đến nhậm chức đã phải hãi hùng : “Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh” (Nghe tiếng trống đồng mà bạc cả tóc)… Truyền thống ngàn năm văn vật từ ngàn xưa  oai hùng ấy đã được con em dân Việt nối tiếp đến hôm nay: “Lớp lớp người nối nhau lao vào giặc / Ngàn năm giữ vững giống nòi / Cho dù thịt nát xương rơi / Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam…” (Thơ Hoàng Cầm).

Cũng ở đền Trung – nơi các vua Hùng thường ngự giá phê duyệt tấu chương, họp bàn kế sách giữ nước cùng với các Lạc hầu Lạc tướng. Nếp đền xưa nhạt màu ngói rêu phong nhưng vẫn còn đó dấu ấn mỹ học một ngày xuân. Hoàng tử út Lang Liêu con vua Hùng thứ sáu- người đã lam lũ cần cù lên nương cày ruộng với muôn dân. Hình như điều đó làm cho ông Hoàng trong cung cấm thấu hiểu hết cái thiêng liêng quý giá của vũ trụ đất trời hoá thân vào hạt lúa một nắng hai sương làm thành bánh chưng bánh dày dâng lên vua cha… Chao ôi, lòng hiếu thảo  của đứa con gia bần chí hiếu động tới đất trời và bất tử trong lòng dân tộc.

Từ đền Trung lần theo các bậc đá sẽ dẫn tới đền Thượng. Nếu tính từ đền Hạ khách hành hương phải bước tất cả 296 bậc đá rồi tới cổng tam quan có chạm lưỡng long chầu nguyệt. Sân đền có tảng đá đen bóng vuông vức 40 phân cao gần hai mét được gọi là Thiên ấn. Đền Thượng nằm trên ngọn Nghĩa Cương nơi thờ bài vị 18 Đức Hùng Vương (Đột ngột cao sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thánh vương ). Chung quanh đền vẫn còn lưu giữ nhiều câu đối Hán, Nôm- trong số có câu:

“Vật đổi sao dời, phúc tổ vẫn lưu nền cổ tích
Nước nguồn cây cội, đạo người nên nhớ mộ Hùng Vương”

Mộ tổ nằm ngay cạnh đền Thượng, trong khu lòng chảo dựa vào vách núi, vững chãi uy nghi. Trong lòng mộ là tấm bia đá dài hình mui thuyền. Đứng từ sân nhìn ra chung quanh dõi tầm mắt thấy đủ trời mây, núi rừng, sông nước. Nắng chiều chiếu rọi phía xa từ sông Thao, sông Lô ra đến Việt Trì với dãy núi Voi chín mươi chín ngọn quy đầu phủ phục, chỉ có duy nhất một ngọn là nghịch hướng. Huyền sử cho rằng - đó là con voi bội phản - con voi nghịch tử đã bị vua Hùng chặt đầu. Đã bao dâu bể – vật đổi sao dời thế mà mỗi mùa mưa lũ nước từ khe núi phản bội kia chảy ra vẫn có màu đỏ như máu ứa. Ôi huyền diệu và hiện thực thay huyền sử, tinh tế và sâu sắc thay cha ông dân Việt khi đưa bài học đạo đức vào trong vô cùng vô tận của thiên nhiên. Ngọn núi vẫn còn kia, máu của con voi nghịch tử vẫn cứ rỉ ra thì vẫn còn những kẻ sâu mọt, tham quan, đục khoét của công, hại dân hại nước…

Huyền sử Văn Lang là điểm tựa tâm linh của dân tộc. Một chuyến hành hương về đất tổ nhân mùa xuân về làm thức dậy đạo làm người - lòng yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc. Tháng ba mùng mười, ngóng ra đất Bắc thắp nén hương lòng tưởng vọng ân đức người xưa…
 
Lê Quang Kết