Nhan sắc của thời gian

09:04, 15/04/2011

(LĐ online) - Di sản kiến trúc Pháp ở Đà Lạt là nỗi nhớ quê nhà xốn xang cộng với những cơn đột hứng ngất ngây đúc kết thành gạch đá.

(LĐ online) - Di sản kiến trúc Pháp ở Đà Lạt là nỗi nhớ quê nhà xốn xang cộng với những cơn đột hứng ngất ngây đúc kết thành gạch đá.

Đất trời đã ngẫu nhiên ban phát cho Đà Lạt một hơi hướm của vùng núi Alpes cách xa cả nửa vòng trái đất. Từ 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt như một thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Chín năm sau, Đà Lạt đã mang dáng dấp một thành phố.  Với những người Pháp ở Đông Dương, Đà Lạt trở thành vùng du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao và săn bắn lý tưởng đồng thời là một trung tâm giáo dục có hạng sau Hà Nội và Sài Gòn. Các biệt thự xinh đẹp ở đường Rue des Glaïeuls (Hoa Lay-ơn – nay là đường Nguyễn Viết Xuân), Rue des Roses (Hoa Hồng – nay là đường Huỳnh Thúc Kháng), đường Paul Doumer (nay là Trần Hưng Đạo)… lần lượt xuất hiện.
 
Biệt thự 14 theo phong cách vùng Normandie.
Biệt thự 14 theo phong cách vùng Normandie.
 
Hình hài Pháp cho chốn nương náu Á Đông

Mỗi ngôi nhà ôm ấp trong hình hài một dấu quê xa. Hầu như không có hai biệt thự nào giống hệt nhau. Nhìn ngôi nhà có thể đoán được nơi chôn nhau cắt rốn của người chủ ly hương. Sườn nhà bằng gỗ xây chèn gạch là kiểu kiến trúc Normandie. Mái dốc, đỉnh nhọn nối liền với ống khói lò sưởi là phong cách Bretagne. Nhà mái bằng, nhiều cửa vòm cong thì rành rành xuất xứ Địa Trung Hải. Còn nhà nào tầng dưới xây bằng gạch hoặc đá, tầng trên bằng gỗ, bao lơn dài suốt mặt tường thì chủ nhà đích thị là người quê xứ Basque.

Ngay cả những công trình kiến trúc công cộng của người Pháp ở Đà Lạt cũng vương vấn tình hoài hương cho dù người sáng tạo đã cố gắng cách tân hay pha trộn những yếu tố văn hóa bản địa. Nhà ga Đà Lạt do hai kiến trúc sư Paul Moncet và Reveron thiết kế và hoàn thành năm 1938 dù đã nhấn mạnh kiểu dáng bằng ba mái nhọn theo kiểu nhà dân tộc của người thiểu số Cao nguyên Trung Phần vẫn mang phong cách kiến trúc Art Deco của Pháp. Những chi tiết tạo nên nét độc đáo của nhà ga này như các mái nhà, trần nhà hình chóp và những ô cửa sổ kính màu, lại gợi nhớ đến nhà ga Trouville-Deauville ở Normandie. Cũng có thể gọi là dấu ấn của một ảnh hưởng phong cách, nhưng dấu ấn ấy càng nổi bật khi lòng đau đáu nhớ nhà và khắc khoải chờ mong ngày trở về.

Số biệt thự ở Đà Lạt gia tăng nhanh khi Thế chiến thứ Hai bùng nổ khiến nhiều người Pháp ở Đông Dương không thể về nước nghỉ phép hay hồi hương. Nếu như thống kê năm 1936 cho thấy Đà Lạt có 327 biệt thự thì đến 1939, con số này đã tăng lên 427. Và tốc độ xây dựng biệt thự tăng theo độ khốc liệt của cuộc chiến tranh lan tỏa. Từ 1940 đến 1945, hơn 500 biệt thự được xây cất trong vòng 5 năm –  bằng số biệt thự xây trong 30 năm trước. Năm 1940 có 550 biệt thự, đến năm 1943 có 810 biệt thự và đến năm 1945 có hơn 1.000 biệt thự. Đà Lạt không còn là chỗ du lịch nghỉ mát tạm bợ nữa. Chiến tranh đã khiến nhiều người Pháp muốn chọn chốn này làm quê hương và biến Đà Lạt trở thành một “Paris nhỏ”.

Ngẫu hứng với những đường cong

Cũng có vài kiến trúc Pháp ở Đà Lạt không hề mang nỗi buồn xa xứ. Giai đoạn bình yên và hồi phục của nước Pháp sau Thế chiến thứ Nhất và viễn cảnh đen tối của Thế chiến thứ Hai chưa xuất hiện hẳn đã khiến các nhà kiến trúc trong một lúc ý tưởng dạt dào đã sáng tạo nên những công trình độc đáo.
 
Trường Grand Lycée Yersin (nay là Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt) theo phong cách cổ điển Pháp như có bóng dáng kiến trúc Thụy Sĩ.
Trường Grand Lycée Yersin (nay là Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt) theo phong cách cổ điển Pháp như có bóng dáng kiến trúc Thụy Sĩ.

Trường Grand Lycée Yersin (nay là Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt) là một kiến trúc như thế. Chính Paul Moncet, một trong hai tác giả của Nhà ga Đà Lạt, đã thiết kế ngôi trường mang tên bác sĩ Yersin –  người khám phá ra Đà Lạt. Xây dựng từ 1929 đến 1935, công trình này là một kiến trúc không hề tuân theo công năng khi thiết kế một ngôi trường cong cong như trang sách mở với tháp chuông vươn cao như cây bút đâm thẳng lên trời. Dù thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp, Moncet lại cố tình cho ngôi trường mang bóng dáng kiến trúc Thụy Sĩ –  nơi Yersin chào đời.

Một kiến trúc khác biệt tương tự là biệt thự Phi Ánh (nay là Nhà hàng Phù Đổng) trên đường Quang Trung. Xây dựng trong những năm 1930, biệt thự này như một quãng nghịch chen vào giữa hành âm buộc ta phải chú ý. Nó không mang phong cách Pháp mà mang đậm nét Tây Ban Nha với nhiều trụ cột và cổng vòm. Hai gian nhà hình tam giác ở hai đầu được nối liền bằng một hành lang rộng có mái che thấp hơn ở giữa. Ngôi biệt thự xây toàn bằng đá granite trải dài, vòng cong khiến người ta nghĩ đến hình dáng phụ nữ nằm nghiêng bình thản –  một nàng Carmen bí ẩn vừa quyến rũ vừa lạnh lùng

Sự độc đáo cuối cùng

Kiến trúc Pháp ở Đà Lạt là một bộ sưu tập nhan sắc thuộc địa. Những dấu ấn  vùng miền Âu châu làm thành phố này thêm sang trọng, phong lưu và níu kéo một giai đoạn lịch sử. Nếu như những biệt thự xưa mang hồn hoài cố hương thì ngày nay chúng lại là chứng tích của dĩ vãng. Tha thẩn tản bộ trên những con đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương hay Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong… là một cuộc dạo chơi giữa một triển lãm kiến trúc lộ thiên.

Những biệt thự Pháp luôn nằm cách xa đường lộ và cách xa lẫn nhau như thể mỗi ngôi nhà là một nỗi niềm riêng mà chủ nhân không thể chia sẻ cùng ai. Những ô cửa sổ tròn, vuông, có mái tam giác hay khung viền đá chẻ, thấp thoáng sau những hàng cây, trông như những con mắt nhắm mở. Nếu như các biệt thự đã được phục chế khoác lên mình một nhan sắc mới đang cố gắng đánh thức quá khứ thuộc địa thì những biệt thự hư hỏng hay hoang tàn lại đậm đặc một nỗi tuyệt vọng của kẻ bị đày đọa xứ người.

Dấu ấn thuộc địa ấy vẫn được tiếp nối tận ngày nay trong những kiến trúc biệt thự mới. Kiểu nhà hai mái tam giác xứ Basque, còn gọi là nhà chữ A, là một cách điệu phổ biến. Chất liệu dẫu có khác, cải bire6n cũng nhiều, nhưng cái chất Pháp vẫn rành rành. Một số sử gia kiến trúc cho rằng kiến trúc Pháp ở Đà Lạt chỉ có giá trị của các bản sao. Nhưng đối với những ai yêu Đà Lạt thì những nhan sắc thuộc địa ấy lại một khẳng định cuối cùng về sự độc đáo của thành phố này: Một thành phố châu Âu ở Việt Nam.
 
Biệt thự Merionnet trên đường Hùng Vương mang phong cách vùng phía Nam nước Pháp từ Grenoble xuống Marseille.
Biệt thự Merionnet trên đường Hùng Vương mang phong cách vùng phía Nam nước Pháp từ Grenoble xuống Marseille.
Tu viện Domaine de Marie dù được cách điệu theo hình tượng nhà rông Tây Nguyên vẫn mang dấu ấn kiến trúc Gothic châu Âu.
Tu viện Domaine de Marie dù được cách điệu theo hình tượng nhà rông Tây Nguyên vẫn mang dấu ấn kiến trúc Gothic châu Âu.
Biệt thự 28 Trần Hưng Đạo xây dựng từ 1932 đến 1936 theo kiến trúc vùng Bretagne (phía Tây nước Pháp).
Biệt thự 28 Trần Hưng Đạo xây dựng từ 1932 đến 1936 theo kiến trúc vùng Bretagne (phía Tây nước Pháp).
Ga Đà Lạt rất giống thiết kế nhà ga Trouville-Deauville ở Normandie.
Ga Đà Lạt rất giống thiết kế nhà ga Trouville-Deauville ở Normandie.
Biệt thự 26 Trần Hưng Đạo lại có phong cách hỗn hợp thiên về modernism.
Biệt thự 26 Trần Hưng Đạo lại có phong cách hỗn hợp thiên về modernism.
Kiến trúc đá nhiều cổng vòm kiểu Tây Ban Nha của biệt thự Phi Ánh trên đường Quang Trung.
Kiến trúc đá nhiều cổng vòm kiểu Tây Ban Nha của biệt thự Phi Ánh trên đường Quang Trung.


Bài & ảnh: TRẦN ĐỨC TÀI