Lễ hội cồng chiêng sẽ diễn ra vào ngày 29 và 30/4 tại Đạ Tẻh

10:04, 23/04/2011

(LĐ online) - Khoảng 300 nghệ nhân thuộc 3 dân tộc bản địa: K’Ho, Mạ, Chu Ru sẽ tham gia Lễ hội cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng trong 2 ngày 29, 30/4 tại huyện Đạ Tẻh – ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở VHTT và DL Lâm Đồng cho biết vào ngày 23/4.

(LĐ online) - Khoảng 300 nghệ nhân thuộc 3 dân tộc bản địa: K’Ho, Mạ, Chu Ru sẽ tham gia Lễ hội cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng trong 2 ngày 29, 30/4 tại huyện Đạ Tẻh – ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở VHTT và DL Lâm Đồng cho biết vào ngày 23/4.

Đây là Lễ hội lần thứ 5 và lần đầu tiên được tổ chức tại địa bàn “vùng ba”- Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Đạ Tẻh. Hoạt động nhằm tái hiện những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của 3 cư dân bản địa nam Tây Nguyên. Trong 2 ngày, Lễ hội sẽ diễn ra các nội dung chính như diễu hành carnavan đường phố, “đêm lửa nghe chiêng”, lễ kết bạn, lễ ăn trâu (nhusa rơpu) và các trò chơi dân gian. Theo đó, những sinh hoạt văn hóa của cư dân bản địa được các nghệ nhân K’Ho, Mạ và Churu tái hiện như diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, ăn trầu, ẩm thực...Những hoạt động thể thao dân gian được tổ chức như kéo co, đẩy gậy, bắt lươn, bắt cá, bắn nỏ, lấy nước trái bầu...

Đẩy gậy là một nét đẹp về tinh thần thượng võ của bà con dân tộc thiểu số.
Lễ hội cồng chiêng luôn hiện hữu lồng xen những trò chơi dân gian. Trong ảnh là trò chơi đẩy gậy - một nét đẹp về tinh thần thượng võ của bà con dân tộc thiểu số.
Nhằm chuyển tải các nghi thức tín ngưỡng đa thần giáo của các cư dân, Lễ hội sẽ tạo ra những không gian dân ca dân vũ đặc sắc. “Không gian thiêng” sẽ sinh động và ấn tượng, vừa thực tại vừa huyền thoại; rộn ràng và vang vọng của những bản hòa âm được tấu lên bởi bộ chiêng 6, chiêng 3, của tù và, trống da trâu (sơgơr), kèn bầu (kơmbuat), đàn ống tre (kơrla), lục lạc... Và ngân vang, trầm ấm từ những điệu yal yau, các bài cúng Yang,...“Không gian thiêng” sẽ còn quyến rũ và trữ tình bởi nhịp nhàng của những bước chân, điệu đàng của đôi tay múa xoang trong trang phục đặc sắc bản địa...Và “không gian” ấy sẽ lung linh, thiêng liêng của bập bùng ánh lửa, của những cây nêu, nhà cúng rẫy, chóe rượu cần...

Điểm nhấn của các hình thức nghi lễ, các tập tục sinh hoạt cộng đồng là “Lễ kết bạn-lễ ăn trâu” diễn ra vào lúc mặt trời ló dạng - sáng ngày 30/4. “Cố gắng làm sao để Lễ hội cồng chiêng thực sự gần gũi với đời sống chân thực của đồng bào, đậm chất truyền thống bản địa. Cho nên lần này chúng tôi không đưa không-gian-chiêng lên sân khấu. Trong tiêu chí chấm điểm, chúng tôi coi trọng đến tính truyền thống”, đạo diễn chương trình Lễ hội Hoàng Mạnh Tiến cho biết.   

Cũng như nhiều Lễ hội văn hóa các dân tộc Việt khác, Lễ hội cồng chiêng của cư dân Tây Nguyên nói chung, nam Tây Nguyên nói riêng luôn hiện hữu lồng xen những trò chơi dân gian. Vì vậy, Lễ hội lần này sẽ diễn ra những trò chơi tập thể và gắn liền với đời sống sinh hoạt mang đậm dấu ấn “văn hóa rừng” của các đồng bào Lâm Đồng. Đó là giã và sàng sảy gạo và bằng tay, lấy nước suối bằng quả bầu, bắn nỏ, bắt cá, đẩy gậy...(diễn ra trong ngày 30/4). Những trò chơi dân gian này không chỉ để nghỉ ngơi thư giản sau giờ lao động mệt mỏi mà hàm chứa tinh thần thượng võ, thể hiện tính đoàn kết, sự cố kết và trí thông minh của cộng đồng trong ứng xử với những hoàn cảnh thiên nhiên.

Minh Đạo