Lễ hội Lệ Mật - văn hóa nhớ nguồn

02:04, 27/04/2011

Đứng ở giữa cầu Long Biên, chiếu thẳng hướng mặt trời mặt mọc chừng 2,5 km là địa phận làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) nổi tiếng ngàn năm. Dân tứ xứ biết và nhớ nơi này bởi cái tên làng rất gợi cảm: Lệ Mật (Giọt nước mắt ngọt) - và món ăn đặc sản: Thịt rắn. Còn với người Lệ Mật thì ấn tượng từ hai thứ ấy chỉ là “bề nổi”. Họ tự hào, hãnh diện vì một điều khác, lớn lao và sâu sắc, liên quan đến triều Vua Lý Thái Tông.

Đứng ở giữa cầu Long Biên, chiếu thẳng hướng mặt trời mặt mọc chừng 2,5 km là địa phận làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) nổi tiếng ngàn năm. Dân tứ xứ biết và nhớ nơi này bởi cái tên làng rất gợi cảm: Lệ Mật (Giọt nước mắt ngọt) - và món ăn đặc sản: Thịt rắn. Còn với người Lệ Mật thì ấn tượng từ hai thứ ấy chỉ là “bề nổi”. Họ tự hào, hãnh diện vì một điều khác, lớn lao và sâu sắc, liên quan đến triều Vua Lý Thái Tông.

Chuyện rằng, chàng trai họ Hoàng, tên Công ở làng Lệ Mật có đức độ, bản lĩnh và sức mạnh phi thường. Chàng cứu được Công chúa Nhà Lý thoát khỏi nanh vuốt của Giảo Long dưới lòng sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay). Sau đó, thay vì nhận tước hàm Thái Giám Nội Thị Tự Khanh cùng nhiều vàng bạc, gấm vóc do nhà vua ban thưởng, chàng đã trình tấu và được Nhà vua chấp thuận cấp vùng đất hoang vu ở phía tây Thành Thăng Long, gần hồ Dâm Đàm (nay là Hồ Tây) cho dân nghèo ở Bản Trang (Lệ Mật) đến sinh sống. Chàng đã đưa dân chúng vượt sông Nhị Hà sang khai khẩn, mở rộng thành 13 trại (Sử sách ghi là Thập Tam Trại), gồm:  Vạn Phúc, Đại Yên, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Vĩnh Phúc, Cống Vị, Thủ Lệ, Hữu Tiên, Ngọc Hà, Cống Yên, Xuân Biểu, Kim Mã.  Qua ngàn năm phát triển, Thập Tam Trại ngày càng trù phú, phồn thịnh với nhiều nghề truyền thống như: Trồng rau, trồng hoa, chế biến cây thuốc nam, thủ công mỹ nghệ, kim hoàn, giấy, thủy tinh… Công cao đức cả của Hoàng Quý Công như thế, thật hiếm thấy ở thời bấy giờ. Bởi vậy khi Ngài hóa, Vua Lý đã phong tặng danh hiệu “Thành hoàng uy linh-Hộ quốc khang dân”, truyền chỉ dân làng Lệ Mật và Thập Tam Trại xây lăng, lập đền thờ, muôn đời cúng tế; thể thức thường lệ lấy ngày 23 tháng 3 âm lịch làm ngày Hội truyền thống.     

Từ hai năm nay, Lễ hội Lệ Mật được nâng cấp về mọi mặt. Đặc biệt, các hoạt động diễn ra theo hướng tiếp cận tinh hoa vốn cổ, gắn với cổ súy thành tựu hiện thực của quê hương đổi mới, khích lệ tinh thần báo đáp, nhớ nguồn một cách Văn hóa.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phần Lễ thường bắt đầu từ sáng ngày 20-3 âm lịch. Vào những năm chẵn hoặc những thời điểm có ngày kỉ niệm lớn, những sự kiện trọng đại của dân tộc, phần lễ song hành 3 nội dung đặc sắc sở tại: Rước Văn từ nhà ông Chủ văn và Rước Nước từ Giếng Ngọc của làng lên đình, đồng thời với dâng hương Tượng đài Bác Hồ ở đình Trường Lâm và Đài tưởng niệm liệt sĩ ở trụ sở UBND phường Việt Hưng…  Sau các lễ của từng dòng họ và làng Lệ Mật, đặc biệt nhất, xúc động nhất và hoành tráng hiếm thấy là phần hành lễ của nhân dân Thập Tam Trại. Khoảng từ 7 giờ sáng, trên các ngả đường ở Đô thị mới phía nam đình Lệ Mật tràn ngập hân hoan các đoàn rước từ phía Tây Hồ sang tập kết. Mỗi đoàn hàng trăm người, gồm các khối trống, cờ, Đội dẫn long đình, bát hương, lễ vật; các đội tế nam, nữ, phụ lão hai giới; Đội xênh tiền (có trại còn mang theo Đội nhạc sáo, đàn, mõ, nhị, giống như gánh xẩm); đại biểu các tầng lớp nhân dân; khăn xếp, nón dấu và xiêm y đa sắc bên những biểu tượng binh khí uy linh, huy hoàng rực rỡ. Dọc đường từ chỗ tập kết về nơi hành lễ, có những trình diễn nghệ thuật như múa Xênh tiền, Chèo đò giáo ngựa, rộn ràng nhạc khúc Tứ quý, Lưu thủy hành vân v.v… Các làng chuẩn bị cho cuộc về quê tổ dâng lễ và báo công với Thành Hoàng rất công phu. Càng gần chính lễ, càng hồi hộp thăng hoa tâm trí. Cùng một lúc, 16 làng trại (3 làng trại mới tách ra từ Thập Tam Trại, do phân địa giới) di chuyển cùng một hướng mà không tắc đường!

Trật tự và lễ phép, từng đoàn thong thả hành hương về nguồn. Người sở tại ra, hãnh diện nghênh tiếp như đón thân nhân. Người Thập Tam Trại đến, tự hào là con dân của bậc Đại công cao-đức cả, không ra vẻ lạ, cứ đĩnh đạc toàn tâm di chuyển vào sân đình. Lễ thức chuẩn tới từng chi tiết, toát lên sự bày tỏ kính ý với Hoàng Quý Công, lại bộc lộ ý thức trau dồi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”… Trực tiếp quan sát việc hành lễ của tất thảy các làng trại mới thấy vô bờ xúc động. Nghĩa đồng bào được thể hiện một cách điển hình giữa sắc thái tâm linh có một không hai! Khách thập phương tham dự, bỗng thấy như đây cũng là lễ thành hoàng của xứ mình!

Phần hội trình diễn các tích trò đặc trưng của xứ Lệ Mật. Múa  “Đả Giảo long cứu Công chúa” được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa, khá toàn tất về đạo cụ, trang phục, tuyến diễn, hành động kịch, vừa gây ấn tượng mạnh về sự tích, vừa bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ cho người xem. Trên nền nhạc dặt dìu chất dân ca đồng bằng Sông Hồng, các trai đinh Lệ Mật xông xáo “đả ngư” dưới giếng Ngọc. Lời thuyết minh hấp dẫn, kể chuyện: “Cá ấy của công chúa Nhà Lý gửi tặng chàng dũng sĩ họ Hoàng, từ Hồ Tây, qua những cơn phong vũ  diễn ra trong tuần lễ kế trước ngày khai hội, đã đi trong mây về giếng làng”…  Mới thấy đạo đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn có từ thời Nhà vua cầm cày dạy dân làm ruộng, nó là di sản văn hóa của dân tộc ta…

Hội còn rôm rả với những trò chơi dân gian như chọi gà, chọi chim và các hoạt động thể thao, bóng chuyền, văn nghệ…  Đáng chú ý là phần giới thiệu Chương trình Làng nghề Lệ Mật, trình diễn công nghệ chăn nuôi tạo ra đặc sản Rắn lẫy lừng thương hiệu từ các nhà hàng ở đây. Đây là nét “Văn hóa nhớ nguồn”. Noi theo Thành Hoàng, từ cái gốc tâm đức làm cho hoang vu trở thành hữu ích, phồn thực sinh sôi, Làng nghề rắn Lệ Mật không bắt rắn từ môi trường tự nhiên mà là gây “rắn nái”, ấp trứng nở con, nuôi thành rắn thuần hóa, tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào và chủ động cho việc sản xuất hàng thương phẩm độc đáo từ rắn, như đồ trang sức, thắt lưng, ví da và các món rượu, đồ ẩm thực…

Dự Lễ hội Lệ Mật, hàng ngàn người tập trung trên vùng đất chỉ với qui mô làng, suốt 3 ngày đêm, nhưng không thấy có hành vi thiếu văn hóa nào đáng phải lo ngại. Xét nguyên nhân, một phần là do dân sở tại luôn hồn hậu, ân cần với khách; do sự tổ chức chặt chẽ sớm ngăn chặn phát sinh những tiêu cực, song không thể không nói tới nguyên nhân rất quan trọng, rất chủ yếu là: Công đức cao dầy của Thành Hoàng đã ảnh hưởng đến thái độ tu dưỡng của con dân.
 
Xưa và nay, cảnh và người đã tạo nên một không gian văn hóa tâm linh “Lễ Hội Lệ Mật” trứ danh.

PHẠM XƯỞNG