Liên hoan Văn hóa cồng chiêng – Cơ hội bảo tồn bản sắc văn hóa DTTS

03:04, 21/04/2011

Liên hoan văn hóa cồng chiêng đã thu hút được sự quan của đông đảo người dân ở địa phương. Cồng chiêng đã trở thành tài sản tinh thần vô giá và là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây nguyên. Một lần nữa, Liên hoan khẳng định giá trị vốn có của văn hóa cồng chiêng và tạo cơ hội để bảo tồn bản sắc văn hóa DTTS.

Mới đây, huyện Bảo Lâm tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng đã thu hút được sự quan của đông đảo người dân ở địa phương. Cồng chiêng đã trở thành tài sản tinh thần vô giá và là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây nguyên. Một lần nữa, Liên hoan khẳng định giá trị vốn có của văn hóa cồng chiêng và tạo cơ hội để bảo tồn bản sắc văn hóa DTTS.
 
Diễn tấu cồng chiêng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Bảo Lâm.
Diễn tấu cồng chiêng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Bảo Lâm.
 
Gần 400 người, trong đó có một nửa là nghệ nhân cồng chiêng, đến từ các buôn làng K’Ho, Châu Mạ ở Bảo Lâm, về dự Liên hoan. Ngoài nhạc truyền thống, họ mang đến liên hoan cả những quả bầu, trái bí khô, những cái ná, súng săn, thúng, cái gùi, nong, nia… Và, trong lễ hội của đồng bào DTTS, tiếng cồng tiếng chiêng là cái không bao giờ thiếu. Ông K’Đời - một nghệ nhân cồng chiêng ở xã Lộc Bắc, phấn khởi cho biết:  “Văn hóa cồng chiêng là văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Chúng tôi muốn lưu truyền lại để cho thế hệ trẻ sau này. Liên hoan là dịp để tạo cơ hội cho các thế hệ, từ già tới trẻ ý thức được việc gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa này”.

Bảo tồn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa cồng chiêng Tây nguyên là mục đích mà Liên hoan lần này của huyện Bảo Lâm hướng đến. Ông Nguyễn Đình Bình - Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Bảo Lâm, Phó ban tổ chức Liên hoan, cho biết: “Văn hóa cồng chiêng là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS. Ngoài việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con ở địa phương, Liên hoan là dịp để huyện lựa chọn 30 nghệ nhân tham gia vào Lễ hội cồng chiêng lần thứ 5, dự kiến sẽ tổ chức tại huyện Đạ Tẻh vào 30/4/2011 tới đây”.

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Bảo Lâm lần thứ I đã tổ chức vào cuối tháng 3/2011, thu hút 12 đoàn với trên 200 nghệ nhân cồng chiêng. Ban tổ chức đã trao giải nhất: thị trấn Lộc Thắng, giải nhì: xã Lộc Bảo và Lộc An, giải 3: xã Lộc Tân, Lộc Lâm và Trường Dân tộc nội trú huyện. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 40 giải cá nhân cho các tiết mục xuất sắc của các nghệ nhân.
Trong trang phục truyền thống, tất cả nghệ nhân của 12 đoàn thả hồn vào không gian văn hóa truyền thống, say sưa đánh chiêng, múa xoan và hát ca những làn điệu dân gian. Các em học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Bảo Lâm cũng có mặt tại Liên hoan. Điều rất mừng là tại ngôi trường này, từ lâu đã hình thành một đội cồng chiêng và đội múa xoan hoạt động khá sôi nổi. Thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Ri cho biết: “Lần đầu tiên Trường tham gia Lễ hội Văn hóa cồng chiêng. Chúng tôi tham gia đầy đủ các nội dung: Diễn tấu cồng chiêng, hát, múa và các hoạt động văn hóa ẩm thực. Đây chính là cơ hội giúp cho các em ý thức giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình”.

Tuy chưa có con số thống kê chính xác, chúng tôi được biết, huyện Bảo Lâm hiện còn khá nhiều gia đình còn lưu giữ những bộ cồng chiêng. Theo Già làng Hoa Huy Hành (thôn B’Đơ, xã Lộc An): “Thôn B’Đơ hiện giờ còn 6 bộ chiêng được bà con gìn giữ. Nó được xem là tài sản quý giá của tổ tiên, là sản vật mang giá trị tinh thần rất lớn”. Hy vọng, sau mỗi lần Liên hoan, sẽ khơi dậy thêm ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng Tây nguyên - một kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

ĐÔNG ANH