Nhà nông ở phố

02:04, 27/04/2011

Bạn từ phương xa dừng chân thành phố này. Buổi sáng cuối tuần, chọn một quán cà phê với âm nhạc lãng mạn bên bờ hồ Xuân Hương hay dạo gót trong một hiệu sách ở khu Hòa Bình. Đối diện với bạn có thể là những ẩm khách hay người chọn sách với trang phục trang nhã, với chiếc ô cầm tay hay chiếc mõõ dạ phớt lịch lãm. Bạn rất khó phân biệt đó là những thị dân hay nông dân, là công chức, trí thức hay người làm vườn…

Cử nhân, nông dân Nguyễn Minh Trung (Đà Lạt).  Ảnh Internet
Cử nhân, nông dân Nguyễn Minh Trung (Đà Lạt).
Ảnh Internet
Bạn từ phương xa dừng chân thành phố này. Buổi sáng cuối tuần, chọn một quán cà phê với âm nhạc lãng mạn bên bờ hồ Xuân Hương hay dạo gót trong một hiệu sách ở khu Hòa Bình. Đối diện với bạn có thể là những ẩm khách hay người chọn sách với trang phục trang nhã, với chiếc ô cầm tay hay chiếc mũ dạ phớt lịch lãm. Bạn rất khó phân biệt đó là những thị dân hay nông dân, là công chức, trí thức hay người làm vườn…
 
Tôi cũng vậy, đã biết bao nhiêu lần nhầm lẫn khi hỏi chuyện một người mới quen: “Anh làm việc ở cơ quan nào?” Và được trả lời: “Tôi là nông dân, làm nghề trồng hoa.” Sự ngộ nhận của bạn, của tôi là điều dễ hiểu. Bởi, những người làm vườn ở đô thị này có điều gì đó không giống với nông dân ở nhiều vùng quê khác, những nông dân mà ta từng quen biết, hoặc có thời ta từng là họ. Tôi chưa thể nói nhiều về những người nông dân đã từng tiếp xúc ở Đà Lạt, nhưng có điều, ở họ toát ra phong thái, hành vi và lời nói, cách tư duy và cả sự trải nghiệm văn hóa rất khác. Họ là những nông dân đặc biệt, những nông dân - thị dân. Những nông dân sống giữa phố thị ấy mang dáng dấp của nông dân các trang trại thị tứ châu Âu. Buổi sáng hoặc chiều về, họ thư giãn cà phê cùng bạn bè, đọc sách báo hay nghe nhạc. Cao hứng lên thì tụ tập vài ba người hàng xóm làm vài ly rượu hay một chầu bia. Buổi tối, có thể họ sẽ làm công chúng của một chương trình giải trí. Còn khi ra với vườn, họ là những nông dân đích thực. Đó là những người làm vườn mà cả cuộc đời không rời xa đất đai, cây trồng, không rời xa nơi ông cha họ từng gắn bó và nay họ đang gắn bó bằng tất cả tâm hồn. Theo dòng thời gian, mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao thế hệ từng đổ xuống luống cày. Niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau trong một đời nông phu gắn với sự lên bổng, xuống trầm của cây trồng qua mỗi mùa vụ. Thức ngủ cùng cây, cùng đất. Dầm mình nắng sớm, mưa chiều. Nông dân là vậy và nông dân ở đô thị cao nguyên này cũng vậy…     
        
Tôi đã từng bất ngờ khi có dịp khám phá tủ sách của ông Nghiêm Đa, một người làm vườn ở ấp Đông Tĩnh, ấp trồng rau nổi tiếng và lâu đời của Đà Lạt. Trên giá sách của ông có nhiều ấn phẩm ngoại văn. Cũng tại gia đình nhiều đời nông phu này, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những cuốn từ điển bách khoa nổi tiếng thế giới. Ông chủ mấy mẫu rau và hoa đam mê sách kỳ lạ. Những bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa nổi tiếng như Tam Quốc, Thủy Hử hay Hồng Lâu Mộng…, ông phải có đủ bản của những lần tái bản. Những Người Khốn Khổ, Tấn Trò Đời, Chiến Tranh và Hòa Bình hoặc các tập thơ của Paul Verlaine, Rimbaud. Tôi đã từng hiểu thêm nhiều điều trước vốn kiến văn của người nông dân này. Ham đọc cổ kim đông tây, nhưng ông không phải là một con mọt sách. Ông biến những điều thu lượm được từ kho tri thức nhân loại thành hành trang cho việc ứng xử với cuộc đời, với đất đai, cây trồng và điều quan trọng hơn, là xây một nếp gia phong tử tế.
       
Cũng như gia thế lão nông Nghiêm Đa, đâu đó ở Đà Lạt, trong những nếp nhà ẩn mình lặng lẽ sau rừng thông hay chênh vênh bên thung lũng tràn ngập nắng gió, tôi từng tiếp xúc với những gia phong như thế. Họ cũng là những gia đình nông dân, cuộc đời họ gắn với mỗi đời cây, với mảnh vườn thân thương qua từng mùa sương, tháng giá. Từ không gian sống ôn hòa giữa tự nhiên và nền tảng tinh thần từ mỗi nếp nhà mà mỗi người, mỗi thế hệ đã lựa chọn cho mình phép xử thế phù hợp. Đời ông truyền lại đời cha, đời con truyền sang đời cháu. Có lẽ bởi ngấm truyền dòng máu làm nông nhiều đời mà kỹ sư trẻ Trần Phạm Tuấn Anh đã từ chối nhiều nhiệm sở, kể cả một chương trình đào tạo ở nước ngoài để bắt tay vào công việc của một nông dân ngay chính trên vườn nhà. Học đại học để làm nông dân. Nhưng con đường mà Tuấn chọn cho nghề nông của mình là chiếm lĩnh công nghệ sinh học, chủ động trong khâu tạo giống để phát triển nông nghiệp cho quê hương. Tuấn đã lên kịch bản dài hơi với những chương trình nghiên cứu và thực nghiệm độc lập về khoai tây, hoa và rau. Cùng với phòng thí nghiệm tại gia, cả khu vườn của anh gần 600m2 và 1500m2 thuê thêm đã trở thành một trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật. Ông Chế Quang Đệ, ngày vác cuốc ra vườn, đêm tìm kiếm tài liệu nghiên cứu để có được một trang trại lan và đỗ quyên nổi tiếng khắp nước, trong đó có những loài đặc hữu khách quốc tế, nguồn gien quý quốc gia. Lão nông Bùi Văn Lời chưa học hết cấp hai đã di thực thành công hoa đào Nhật Tân lên cao nguyên và lập nên Thung Lũng Đào Hoa cũng chỉ vì một tình yêu đất đai thẳm sâu và năng lực tự học thật đáng khâm phục. Trần Huy Đường biến một thung lũng hoang vu thành một trang trại hoa lan nổi tiếng trong giới lan quốc tế bởi anh muốn làm gương cho những nông dân khác trong việc quảng bá loài hoa quý cao nguyên. Kỹ sư Nguyễn Minh Trung, con của một nông dân làng hoa Vạn Thành, từ chối nhiều cơ hội thăng tiến khác để trở về vườn nhà và trở thành tỷ phú hoa hồng. Kỹ sư Trang Nhã bỏ thành phố lớn quay lại Đà Lạt chỉ để làm cái việc cấy ghép loài cây “hai trong một” có củ khoai tây và quả cà chua. Tiến sỹ Nguyễn Bá Hùng, giã từ nước Pháp về đất này lập nên một công ty chuyên canh tác rau xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế với mong muốn “nâng cấp” sản phẩm rau và cả cách tư duy của người trồng rau. Còn nhớ mấy năm trước, có ba nông dân ở ấp Phước Thành thì khăn gói tự tìm đường xuất khẩu thành công cho cây hành poaro…
      
Ở Đà Lạt, canh tác nông nghiệp và đời sống nhà nông có một sức hấp dẫn đặc biệt, nó làm cho người ta khao khát, làm cho người ta muốn được trải nghiệm. Một công chức cũng muốn có mảnh vườn, một doanh nhân cũng thèm lập trang trại và nhiều nhà khoa học thì nói rằng, thoát ly phòng thí nghiệm, họ đích thị là người nông dân. Còn đối với người nông dân chính hiệu ở đây, với tình yêu nghiệp nhà nông của mình, họ luôn khao khát kiếm tìm tri thức, cập nhật thông tin khoa học, thông tin thị trường để thực sự tạo nên những mùa vàng…        

* * *
        
Phong thái, sự trải nghiệm và tư duy của nông dân Đà Lạt mang trong đó dấu ấn lịch sử, văn hóa và những đặc trưng của cư dân nông nghiệp sống giữa đô thị, tiếp cận sớm với sản xuất hàng hóa. Nhà bác học A.Yersin trong chuyến thám hiểm vào năm 1893, đã xác lập điều kiện trong việc đệ trình lên Toàn quyền Đông Dương ý tưởng thành lập một đô thị giữa miền sơn cước Việt Nam mang dáng dấp châu Âu. Ngay từ buổi đầu lập phố, năm 1898, một trạm khảo nghiệm nông nghiệp đã được thiết lập ở vùng Đăng Kia do kỹ sư người Pháp M.Jacquet quản lý, đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu và thực nghiệm các loài cây trồng. Đó là cơ sở ban đầu cho việc tạo lập nền sản xuất nông nghiệp với lối canh tác tiên tiến và cũng là điều kiện chuẩn bị ra đời một tầng lớp nông dân sớm biết làm quen với tư duy thị trường.
      
Nhưng phải nói rằng, để đô thị cao nguyên trở thành vùng chuyên canh rau, hoa và chè nổi tiếng, lịch sử canh nông Đà Lạt phải nhắc đến công lao của những nông phu đến từ miền Bắc, miền Trung từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Những năm 30, những nông dân từ các làng Nghi Tàm, Quảng Bá, Vạn Phúc, Tây Tựu...thuộc tỉnh Hà Đông được Hoàng triều Bảo Đại vời vào làm đẹp cho Đà Lạt bằng nghề trồng hoa. Cùng thời là những lưu dân rời cố xứ đến đây từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bình Định…Những làng hoa, làng rau ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Thái Phiên, Đa Thành, Đa Thiện, Trại Hầm, Vạn Thành hay vùng chè Xuân Trường, Cầu Đất ra đời từ đó. Trải qua quãng thời gian xấp xỉ trăm năm, nghề canh tác rau, hoa Đà Lạt đã vươn mình trở thành đỉnh cao của cả nước về diện tích, phẩm cấp cũng như sự đa dạng chủng loại. Tính đến năm 2010, Đà Lạt có tổng diện tích hoa các loại trên 4.200ha; sản lượng hoa hàng năm xấp xỉ 119,900 triệu cành và cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu 10 triệu cây hoa giống các loại với trên 2.000 loài hoa cả nguồn gốc bản địa và các châu lục khác. Đà Lạt là trung tâm sản xuất rau khi có tới gần 40 ngàn hécta với sản lượng rau thương phẩm trên 1 triệu tấn. Ngành chè có mặt trên cao nguyên này từ đầu thế kỷ trước, và giờ đây, đã có trên 24 ngàn hécta, sản lượng đạt trên 190 ngàn tấn với các sản phẩm cao cấp như Oolong, chè đen, ướp hương, chè xanh. Ngoài các "đại gia" trong nước, ngoài nước đến đây làm ăn, nhiều trang trại và hộ gia đình ở Đà Lạt đã tự tìm kiếm đối tác để xuất khẩu nông phẩm đến các thị trường như Mỹ, Nhật, Đài Loan, các nước châu Âu...Chương trình 50 triệu đồng/1ha/năm từ lâu đã không phải là điều xa lạ với hàng ngàn hộ nông dân Đà Lạt. Mạnh dạn đón đầu công nghệ canh tác các loại nông phẩm cao cấp, tự tìm kiếm đối tác làm ăn là xu hướng mới của nhiều nông dân Đà Lạt. Trong xu thế này ở thành phố ngàn hoa đã nổi lên không ít tỷ phú chân đất.

Và một xu thế khác, cùng với nhiều doanh nhân Việt, nhiều doanh nhân ngoại quốc kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp lại thích đến lập nghiệp trên vùng đất này và chọn nông dân Đà Lạt làm đối tác của họ. Bây giờ Dalat Hasfarm đã là thương hiệu nổi tiếng và Thomas Hooft, ông chủ xuất thân nông dân Hà Lan của công ty này đã trở thành người trồng hoa số 1 Đông Nam Á. Sau thời gian tìm hiểu, thử nghiệm tại nhiều miền đất trên thế giới, năm 1993, Thomas quyết định chọn Đà Lạt để đầu tư trồng hoa. Ông nói: “Ngay khi đặt chân đến Đà Lạt, tôi đã thấy ở đây có khí hậu thích hợp, nông dân có kinh nghiệm trồng hoa và hạ tầng đảm bảo. Đó là điều kiện để sản xuất hoa theo quy mô công nghiệp.” Sau gần hai mươi năm hoạt động, Dalat Hasfarm đã cho sản lượng hoa hàng năm tới 80 triệu cành; giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động thường xuyên và khoảng 400 lao động thời vụ. Sản phẩm hoa mang thương hiệu Dalat Hasfarm chinh phục các thị trường châu Âu, Nhật, Úc, Đài Loan, Thái Lan. Hay như Vadim Kuznetsov, một luật sư người Nga đã từ bỏ nghề luật để đến vùng núi rừng này lập trang trại Thung Lũng Nắng, cùng với người dân Đà Lạt nuôi cá hồi, cá tầm tại suối Đạ Sar. Và rất nhiều, rất nhiều doanh nhân nước ngoài, họ đến đây lập nghiệp, tình nguyện làm nông dân Việt. Họ cùng nông dân bản địa trồng rau, trồng hoa và nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác. Đất lành chim đậu. Họ đã chọn nghề nông làm sự nghiệp, chọn nông dân Đà Lạt làm bạn làm ăn và chọn xứ sở này làm quê hương của mình…  
                                                            
* * *

Từ thưở xưa, Đà Lạt đã mang hình ảnh của phố trong vườn và vườn lẫn vào phố. Những con đường uốn lượn, những đồi dốc quanh co, những khu vườn bao quanh phố xá, bao bọc những nếp nhà bình yên. Cùng đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành, hình ảnh người nông dân Đà Lạt đã tạo nên sắc màu độc đáo cho đô thị sơn cước. Cũng là đời nông phu quanh năm đổ mồ hôi sôi nước mắt với cây cối ruộng vườn, nhưng ở họ tôi luôn gặp một nét tự tại, ung dung  như họ chưa từng lam lũ bao giờ. Vượt lên những lo toan thường tình, người nông dân Đà Lạt luôn khao khát kiếm tìm tri thức, khao khát chinh phục đất đai để tìm cách thu về giá trị lớn nhất. Chủ trang trại hoa lan Trần Huy Đường nói đúng: “Nông dân Đà Lạt vốn cần cù và nhiều người rất thông minh mà bằng chứng là rất nhiều phòng tạo giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô của nông dân ra đời. Có những nông dân dám bỏ đô la ra mua giống hoa từ nước ngoài về và tự mày mò, tập tành canh tác. Cũng thật thú vị khi hàng chục cây giống quý từ các công ty lớn với quy trình canh tác hết sức nghiêm ngặt đã xuất hiện và phát triển đại trà ở vườn hộ nông dân.” Tiếp nối nhận xét đó, “Tiến sỹ hoa” Dương Tấn Nhựt nói một cách chân thành: “Với nông dân Đà Lạt, ngay cả các nhà khoa học như chúng tôi cũng học được ở họ nhiều điều, đó là sự chuyên tâm đổi mới tư duy, tiếp cận nhanh với khoa học và công nghệ hiện đại. Điều này thì nông dân ít nơi sánh bằng…”

Sống ở đất này đã hai mươi năm. Mỗi ngày bước chân ra phố là tôi lại gặp hình ảnh những người nông dân có lối sống và văn hóa ứng xử thị dân. Là người suốt đời gắn bó máu thịt với đất đai, họ cũng mang những đức tính ngàn đời của nông dân Việt. Nhưng ở họ có điều gì thật khác. Bài viết dài dòng mà chưa nói được nhiều, tôn vinh họ, xin được gọi tên những người làm vườn Đà Lạt một cách giản dị: Những nhà nông ở phố.
Ký sự UÔNG THÁI BIỂU