Nhạc Trịnh và tôi

04:04, 20/04/2011

Tôi là một trong hàng triệu người đã tìm thấy trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn sự sẻ chia cả khi đau buồn, bi quan, chán nản cũng như khi hân hoan hạnh phúc…

Tượng đá Trịnh Công Sơn tại khu du lịch Đồi Mộng Mơ Đà Lạt
Tượng đá Trịnh Công Sơn tại khu du lịch Đồi mộng mơ Đà Lạt
Tôi là một trong hàng triệu người đã tìm thấy trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn sự sẻ chia cả khi đau buồn, bi quan, chán nản cũng như khi hân hoan hạnh phúc…


Vào nửa thập niên cuối thể kỷ 20, sau nhiều buồn đau, mất mát, kể cả sự tan vỡ của mối tình đầu, tôi đã có thời gian dài như chạy trốn khỏi vùng quê miền Trung đầy nắng cháy, đi tìm sự bình yên, rồi đắm chìm trong nỗi buồn trầm mặc trên cao nguyên cực Nam Trung bộ - cao nguyên Lang-bian. Nơi đây, nhạc sĩ họ Trịnh đã có một mối tình đẹp, cùng những bức thư tình vừa được biết đến gắn với phố núi Bảo Lộc mờ sương.

Trong những tháng ngày ở Di Linh, Đà Lạt, Bảo Lộc… nhạc Trịnh đã cứu rỗi tâm hồn tôi trong bao đêm dài thao thức. Giữa bao la núi đồi bạt ngàn cây cà phê mờ sương dưới ánh trăng suông, ôm cây đàn ghi ta cũ nát trong lòng, tôi đã thầm thì nhạc Trịnh để lãng quên những âu lo phiền muộn mà mỗi ngày qua tôi đã vấp phải trên đường đời xuôi ngược mưu sinh, dạy học, viết báo. Một kẻ không nhà, không gia đình, không nghề nghiệp ổn định là tôi thấy nhạc Trịnh che chở, nuôi hi vọng và giảm bớt thù hận khi “tình yêu như trái phá con tim mù lòa” (Tình sầu). Trịnh Công Sơn đã an ủi: “Đừng tuyệt vọng! Em ơi đừng tuyệt vọng… rồi em sẽ bình minh” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Và cũng nhờ nhạc Trịnh, trong một đêm cao nguyên, trên một ngọn đồi trong khuôn viên một ngôi trường của thị trấn Di Linh (Lâm Đồng) nơi tôi dạy học, em – cô giáo đẹp nhất vùng đã lặng lẽ đến bên tôi nói rất nhỏ: “Anh cùng những bài tình ca Trịnh Công Sơn đã làm em không thể nào ngủ được”. Và đêm đó, sau khi một mình “bước chân về gác nhỏ”, thì hình như “đời tôi có ai vừa qua” (Đêm thấy ta là thác đổ). Đó chính là em, dù sau đó, em cũng là một trong “từng người tình bỏ ta đi, như những dòng sông nhỏ – Ôi những dòng sông nhỏ – Lời hẹn thề là những cơn mê (Tình xa), nhưng sự rung động nhẹ nhàng đó cũng đã làm cho đời tôi có một khoảng nhỏ để mà thương, mà nhớ, để an ủi, để yêu cuộc đời thêm.

Hơn hai chục năm trước, khi nhạc Trịnh mới được phổ biến, trong một đêm nhạc Trịnh được tổ chức tại hội trường Trường Đại học Sư phạm Huế, tôi và thằng bạn thân học cùng Trường Tổng hợp đi bộ xuống Trường Sư phạm rất sớm mà vẫn không có chỗ ngồi sinh viên của 4 trường đại học lúc đó tại Huế: Y, Tổng Hợp, Nông nghiệp 2, Sư phạm và Trường Cao đẳng Nghệ thuật chen nhau đứng im phăng phắc nghe nhạc Trịnh như nuốt từng lời.

Đầu năm 1991, dù hiếm hoi, chúng tôi cố tìm mua cho bằng được tập nhạc “Em còn nhớ hay em đã quên” với 53 bản tình khúc của Trịnh Công Sơn. Hồi đó, cuộc sống ở ký túc xá nhà trường còn rất khó khăn, thiếu thốn nhưng nhiều lần cuối tuần, nhóm bạn 4 đứa chúng tôi – hai đứa con gái sư phạm, hai đứa tổng hợp lại chở nhau bằng xe đạp lên đồi Thiên An, lăng Tự Đức… hoặc về cửa biển Thuận An cắm trại rồi chìm đắm trong nhạc Trịnh. Và chính nhờ nhạc Trịnh đã góp phần giúp chúng tôi vượt qua nhiều nỗi buồn đau để học tập tốt, và quan trọng, nhạc Trịnh đã làm cho chúng tôi sống đẹp hơn. Chúng tôi biết buồn nhưng không bi quan, chán nản vì nhạc Trịnh đã cho chúng ta thấy nét đẹp trong nỗi buồn đương nhiên của kiếp người, buồn nhưng không bi quan, không thù hận.

Đến bây giờ nhạc Trịnh vẫn luôn vỗ về tâm hồn tôi, luôn bên tôi như một chỗ dựa của cuộc sống riêng. Với những gì “của – riêng – nhạc – Trịnh Công Sơn”, sự tồn tại vĩnh cửu của dòng nhạc này là đương nhiên.

Ngọc Lễ (EXIMBANK)