Vì nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc

02:04, 27/04/2011

Lần đầu tiên Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức kỷ niệm trên phạm vi toàn quốc. Đây là một sự kiện văn hóa, chính trị có ý nghĩa không chỉ đối với giới kiến trúc sư (KTS) mà với cả xã hội vì một nền kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam đã và đang phát triển trong thời kỳ xây dựng đất nước.

Lần đầu tiên Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức kỷ niệm trên phạm vi toàn quốc. Đây là một sự kiện văn hóa, chính trị có ý nghĩa không chỉ đối với giới kiến trúc sư (KTS) mà với cả xã hội vì một nền kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam đã và đang phát triển trong thời kỳ xây dựng đất nước. Nhân dịp này, Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn KTS Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng về những vấn đề liên quan.
 
Biệt thự trong rừng và những đườnng nét kiến trúc độc đáo ở Đà Lạt.  Ảnh Bình Nguyên
Biệt thự trong rừng và những đườnng nét kiến trúc độc đáo ở Đà Lạt.
Ảnh Bình Nguyên

Tháng 4 năm 1948, trong khi cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc còn đang diễn ra khốc liệt, nhưng để chuẩn bị lực lượng cho công cuộc kiến thiết đất nước sau ngày thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tập hợp số KTS đang làm việc phân tán tại nhiều nơi  để thành lập tổ chức đầu tiên của giới KTS Việt Nam. Ngày 27/4 tại Thản Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Yên (nay là xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), được sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, một nhóm KTS đã tiến hành Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam - tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay. Hội nghị đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư động viên, căn dặn, Người viết “Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi là hai vấn đề cũng cấp thiết như ăn với mặc. Vì vậy việc kiến trúc là việc rất hệ trọng. Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng với tình thần đời sống mới. Tôi mong hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền…”. Thư của Bác chứa đựng tư tưởng lớn, mang tính chiến lược, định hướng cho sự phát triển kiến trúc dân tộc, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của kiến trúc và giới KTS trong đời sống xã hội bởi “Việc kiến trúc là việc rất hệ trọng”. Kiến trúc là văn hóa đồng thời còn mang tính nhân văn, tính xã hội và tính thời đại. Kiến trúc gắn bó với cuộc sống và hạnh phúc của mỗi gia đình, đi cùng với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì thế, công việc kiến trúc là công việc của toàn dân, của xã hội mà KTS là chủ thể sáng tạo. Với việc tổ chức Ngày Kiến trúc Việt Nam  27/4 năm nay trên toàn quốc, giới KTS có dịp nhìn lại quá trình phát triển của kiến trúc Việt Nam,  để cùng nhau  tiếp tục đổi mới, hội nhập với kiến túc thế giới. 

PV: Ông có thể điểm qua quá trình phát triển của đội ngũ KTS - chủ thể sáng tạo kiến trúc trong sự phát triển của đất nước?

KTS NGUYỄN VĂN LẬP: Cùng với sự phát triển đất nước, đội ngũ KTS Việt Nam cũng đã trưởng thành kể cả số lượng và chất lượng. Từ 50 KTS đầu tiên được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đến nay lực lượng KTS cả nước đã lên tới 15 ngàn người. Từ Đoàn KTS Việt Nam được thành lập năm 1948 với 8 KTS nòng cốt, đến nay sau 63 năm hoạt động, Hội KTS Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp lớn mạnh với trên 4 ngàn hội viên. Tất cả các hội viên và KTS đã và đang miệt mài lao động, sáng tạo nên nhiều khu đô thị mới, nhiều công trình kiến trúc đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ đổi mới hội nhập. Cùng với việc hàng trăm KTS được tặng các giải thưởng kiến trúc quốc gia và quốc tế qua đó có thể tự hào rằng, chưa khi nào vị thế của kiến trúc cũng như vai trò của KTS và Hội KTS  trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được xã hội tôn vinh như ngày hôm nay. Bởi kiến trúc là một ngành nghệ thuật có sự gắn bó mật thiết với cuộc sống thực tại của con người như hình với bóng. Qua kiến trúc ta có thể nhận ra được những giá trị và chất lượng của cuộc sống. Cuộc sống đi lên thì kiến trúc có cơ hội phát triển. Có thể nói rằng, kiến trúc là nghệ thuật phản ánh trực diện và trung thành sự phát triển của một đất nước.

PV: Thưa ông, còn Hội KTS tỉnh và giới KTS được hình thành và trưởng thành ra sao trong sự phát triển kiến trúc của Lâm Đồng?

KTS NGUYỄN VĂN LẬP: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước,  năm 1975 trong đoàn cán bộ tăng cường từ miền Bắc vào Lâm Đồng chỉ có duy nhất một hội viên Hội KTS Việt Nam. Công việc lúc bấy giờ là tiếp quản Ty Kiến thiết, Ty Điền địa và cùng với một số công chức tại khu Tạo tác cũ nhanh chóng hình thành bộ máy quản lý – tiền thân của ngành Xây dựng Lâm Đồng ngày nay. Cho đến năm 1985, mới thành lập Chi hội KTS Lâm Đồng với 15 hội viên trong tổng số 26 KTS, sau này trở thành Hội KTS Lâm Đồng. Hiện tại Hội KTS Lâm Đồng đã có 46 hội viên trong tổng số 70 KTS đang hành nghề tại Lâm Đồng. Các KTS còn tham gia Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch, tạo thêm vai trò nghề nghiệp trong công tác tư vấn, phản biện xã hội về các vấn đề liên quan đến kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, từ nông thôn đến thành thị ở Lâm Đồng đâu đâu cũng có công trình xây dựng, nhiều khu nhà , đường phố mới được đưa vào sử dụng, nơi ăn chốn ở của một bộ phận dân cư được cải thiện, nhiều công trình được xây mới  góp phần làm đẹp cho không gian và cảnh quan các đô thị. Kiến trúc dù lớn hay nhỏ đã hình thành những trung tâm đô thị có sức cuốn hút với những tòa nhà công cộng được xây mới hay được sửa sang, tôn tạo làm phong phú quỹ kiến trúc và nâng cao chất lượng sống của cư dân. Những thành tựu này có sự đóng góp không nhỏ của bàn tay sáng tạo thông qua hoạt động nghề nghiệp của KTS Lâm Đồng.
 
Ảnh Bình Nguyên
Ảnh Bình Nguyên

PV: Như vậy sau 26 năm thành lập Hội KTS Lâm Đồng, thông qua các hoạt động của hội, vai trò của Hội và giới KTS đứng ở đâu trên bước đường đổi mới cũng như đô thị hóa tại Lâm Đồng, thưa ông?

KTS NGUYỄN VĂN LÂP: Đối với vai trò tổ chức, Hội KTS Lâm Đồng đã có những nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho KTS tham gia nhiều cuộc hội thảo chuyên đề về quy hoạch, kiến trúc; tham quan, nghiên cứu học tập tại các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài. Cụ thể cử KTS đi dự đại hội KTS quốc tế tại Trung Quốc và Italia... Tham gia các hội thảo như: Tư vấn về quy hoạch thành phố Đà Lạt và phát triển tri thức tỉnh Lâm Đồng, Kiến trúc Tây Nguyên, Đà Lạt thành phố vườn, thành phố đại học và là trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học… hay Tầm nhìn quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt hướng đến đô thị hiện đại có bản sắc. Bên cạnh đó trong nghiên cứu khoa học có những đề tài được Hội KTS Việt Nam hay tỉnh giao như: Kiến trúc nhà ở dân gian của đồng bào các dân tộc, Giữ gìn phát huy bản sắc trong hiện đại hóa và phát triển thành phố Đà Lạt, Nhìn nhận đánh giá xu hướng trong sáng tác kiến trúc tại Lâm Đồng trong thời kỳ đổi mới, Màu sắc kiến trúc đô thị Đà Lạt hoặc Xây dựng những tiêu chí đánh giá di sản kiến trúc Đà Lạt… Có thể nói từ ngày thành lập đến nay, bước chân của những KTS Lâm Đồng luôn song hành với sự đi lên trong quá tình phát triển nền kinh tế, xã hội của tỉnh.  Điểm lại 26 năm qua của Hội KTS Lâm Đồng, chúng ta hết sức vui mừng và trân trọng những thành quả bước đầu của nền kiến trúc tỉnh nhà mà trong đó có sự đóng góp trí tuệ sáng tạo của giới KTS. Cùng với việc được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các huyện, thành phố cũng như ngành chức năng đánh giá cao, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của lãnh đạo địa phương làm cho uy tín của hội ngày càng được nâng cao, được UBND tỉnh và Hội KTS Việt Nam tăng nhiều bằng khen, đặc biệt được Tỉnh ủy tặng bức trướng “20 năm Xây dựng - Đoàn kết - Trưởng thành”. Niềm hạnh phúc nhất của người KTS đối với nghề nghiệp của mình là làm sao để lại cho đời những tác phẩm, những công trình có giá trị. Vì vậy, trong thời gian tới, trên bước đường tạo dựng cơ sở vật chất cho cuộc sống của cộng đồng, giới KTS luôn cố gắng đạt tới những tác phẩm có chất lượng và giá trị về kiến trúc trong tiến trình đô thị hóa ngày nay. Với phương châm: Không ngừng đổi mới để thích ứng, chủ động hội nhập, kiên trì mục tiêu vì nền kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc. Với ý nghĩa đó, Ngày Kiến trúc Việt Nam thực sự là ngày hội của cộng đồng, của  các nhà quản lý kiến trúc, quy hoạch, các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng… những người đã và đang sát cánh cùng KTS để tạo nên ngày càng nhiều tác phẩm kiến túc đẹp, có chất lượng đáp ứng ngày càng cao của xã hội hiện đại.

PV: Xin chân thành cảm ơn!
 
HỒ XUÂN TRUNG Thực hiện