Phiêu cùng cõi thơ của Phạm Văn Hạng

02:04, 27/04/2011

Nhắc đến nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, sách báo trong Nam ngoài Bắc và cả ở nước ngoài đã viết khá nhiều về ông. "Sản phẩm chiến tranh", một "bức họa" độc nhất vô nhị, bằng các chất liệu dây kẽm gai, vỏ, đầu đạn, một ít cơ thể của con người bị tử nạn vì bom đạn... đã làm rung động cả miền Nam trước năm 1975, tên tuổi Phạm Văn Hạng xuất hiện như một con người “kỳ dị”, “phản chiến”!

Nhắc đến nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, sách báo trong Nam ngoài Bắc và cả ở nước ngoài đã viết khá nhiều về ông. "Sản phẩm chiến tranh", một "bức họa" độc nhất vô nhị, bằng các chất liệu dây kẽm gai, vỏ, đầu đạn, một ít cơ thể của con người bị tử nạn vì bom đạn... đã làm rung động cả miền Nam trước năm 1975, tên tuổi Phạm Văn Hạng xuất hiện như một con người “kỳ dị”, “phản chiến”!

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng.
Sau ngày hòa bình, thống nhất nước nhà, Phạm Văn Hạng là một nhà điêu khắc tài ba, các công trình nghệ thuật của ông có mặt nhiều nơi trên đất nước, để lại một dấu ấn khó quên trong lòng những người yêu nghệ thuật điêu khắc. Hàng loạt các công trình tượng đài của ông đã đóng đinh tên tuổi của ông vào trang vàng của làng điêu khắc. Tượng đài Mẹ Dũng sĩ tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam được khắc họa từ vỏ đạn đồng làm nên hình ảnh mẹ Quảng Nam - Đà Nẵng anh hùng, được dựng lên ở cửa ngõ thành phố Đà Nẵng quê hương ông là một ví dụ, hay như tượng đài Nhà đày Lao Bảo, mang tính huyền sử của một dân tộc bị đọa đày trong xiềng xích ngoại bang, lấy hình tượng từ một ý thơ của Tố Hữu đã làm mọi người xúc động. Các công trình tượng đài, điêu khắc của ông còn nhiều nhiều lắm. Chỉ cần nhắc thêm hai vườn tượng của ông tại thành phố Đà Nẵng và Đà Lạt đủ để thấy cả cuộc đời ông đã gắn liền với... đồng, đất, đá của nghệ thuật điêu khắc biết dường nào. Chung quanh Phạm Văn Hạng cũng có rất nhiều giai thoại. Ông tự nhận mình là... "con quỷ", những người gắn bó, gần gũi, yêu mến ông thì gọi trìu mến là "Con quỷ thánh thiện... biết điêu khắc".

Lan man nhiều như thế để thấy... tham vọng biết và hiểu về ông thật là không dễ, nhất là trong lĩnh vực Thơ ca mà Phạm Văn Hạng đã tự nhận mình chỉ mới "Tập tễnh làm thơ", cho dù ông "tập tễnh" từ những năm 70 của thế kỷ trước!
"Gia tài" thơ của Phạm Văn Hạng cho đến lúc này là tập Ý Thơ do nhà XB Lao Động in vào năm 1992 theo dạng bỏ túi gồm 20 đoản khúc. Tháng giêng 2007, NXB Hội Nhà văn ấn hành tập Thơ Phạm Văn Hạng gồm 29 bài thơ viết và chuyển ngữ 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Hoa với những nhận xét cảm nhận của các nhà văn, học giả như Trần Phong Giao, Khổng Đức, Trinh Đường, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Trọng Văn, vv... thơ Phạm Văn Hạng đã được thể hiện bằng chất liệu và kỹ thuật gò nổi trên đồng, kích thước 50x65cm, nặng khoảng trên dưới 250 cân, với sự trợ lý kỹ thuật của người học trò Nguyễn Thanh Phong, mất gần mười năm mới hoàn thành để "kỷ niệm 65 năm học làm người" của Phạm Văn Hạng.

Ngồi nói chuyện với Phạm Văn Hạng tối ngày 19/3/2011 là những nhà văn, nhà thơ tham dự trại sáng tác Hội Nhà văn VIỆT NAM tại Đà Lạt, gồm có Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Vũ Tiềm, Lò Cao Nhum, Bùi Kim Anh, Nguyễn Thị Ngọc hà, Nguyễn Thị Mai, Trần Hoàng Vy, Huỳnh Thị Thu Trang, Nguyễn Hiệp và Nguyễn Tấn On nhà thơ của Đà Lạt, Khaly Chàm của Tây Ninh, sau khi... sơ giao vài ly rượu, Phạm Văn Hạng nói: "Kể từ bây giờ không ai được gọi tôi bằng anh, chú, bác gì cả! Chỉ gọi bằng... Hạng thôi nhé?", ranh giới thứ tự tuổi tác đã được xóa bỏ, không khí chan  hòa đầm ấm của tình nghệ sĩ, có ai đó đề nghị Phạm Văn Hạng đọc thơ. Ông cười hiền và nói chờ... cảm hứng. Vậy là... khách đọc trước, đến phiên ông, ông chỉ đọc thơ của bạn bè, tuyệt nhiên không đọc thơ mình. Hỏi, ông chỉ nhắc lại câu nói cũ: "Tôi chỉ là người tập tễnh làm thơ...".
"Tập tễnh" hiểu như thế nào thì anh Nguyễn Trọng Văn đã phân tích khá kỹ trong tập thơ của Phạm Văn Hạng rồi, không nhắc nữa, song tôi cứ ám ảnh mãi câu trả lời phỏng vấn của Hạng, khi ông trả lời phỏng vấn của một nhà báo là "Người làm thơ sao mà dễ quá! Tôi bạc tóc mới có 1 tác phẩm thơ." Ẩn tình sâu xa lắm bởi hai chữ "tập tễnh" của Hạng, tôi đành để quyền suy xét cho mọi người vậy khi mà đất nước ta có quá nhiều "nhà thơ" và thơ được in ra nhiều hơn nấm mọc sau mưa!

Tôi lại sa vào câu nói nữa của Phạm Văn Hạng "Người làm thơ có thể... nghèo, bởi chỉ cần một mảnh... báo vụn, người làm thơ cũng có thể chép lên đó bài thơ mình làm, còn làm điêu khắc không thể... nghèo, vì phải mua vật liệu rất nhiều tiền. Nghèo là hèn, là nhục!?." Tôi được biết một giai thoại, Hạng làm điêu khắc là để trả... "hận tình", còn Hạng làm thơ là để trả... cái gì? Khi trong thơ Hạng đầy những trăn trở và day dứt không nguôi? May mắn và cơ duyên làm sao khi chỉ có riêng mình tôi được Phạm Văn Hạng ký tặng tập thơ Phạm Văn Hạng và một tập bản thảo viết tay (photo) ngoài bìa đề "Tập tễnh làm thơ, 1990 - 2010 và chữ ký của tác giả" (Hạng nói riêng với tôi là không còn... đủ để tặng cho mọi người" thôi thì cũng là "Chữ duyên còn một... tập này làm tin" vậy.

Thơ Hạng là triết lý nhân sinh hay là của Thiền nhân nhập định, khi mà những hình khối của tượng chưa đủ sức chuyên chở hết tâm tình của Hạng? Này nhé: "Những tấm gương/luôn vỡ/Sự/phản chiếu/không/mòn", hay như "Những con rối/được sống/Nhờ bàn tay/ nghĩ suy/Những con rối chỉ huy/ Chỉ còn đầy/nước mắt" (trang11, 15 Thơ PVH). Cái chất nghệ sĩ trong con người khi cầm bay, cầm đục, làm ra một bức tượng quí giá với giá trị nhân văn và cái chất hạo khí của thơ có bổ sung cho nhau khi mà: "Những bức tượng/trong vườn òa ra khóc/ Khi nhân văn/bị sỉ nhục giam cầm/Đá/Gỗ/Sắt/Đồng/Không thể lặng câm" (trang 63 thơ PVH).

Thiên hạ ngày xưa và cả ngày nay, cất công "ngậm ngãi tìm trầm", cái hương liệu quý giá, được ví với phẩm chất con người. Phạm Văn Hạng viết "Trầm/không khoe/sắc thắm/ Hương/ bay vờn khói mây/Ngát mùi/Xa tục lụy/Lâng/lâng/hồn vô ưu" (trang 91). Cái cốt cách "trầm"ấy có mấy ai "ngộ" được, nếu không là người đắm chìm trong suy tưởng. Hiểu từng mảnh vụn của đá bụi do mình đục ra?

Cái giọt nước nhỏ bé trong ta và thế giới này, ít ai nhìn thấy được "Giọt/nước trong/Đọng/bụi trần/hư ảo" (bản thảo). Con mắt tinh đời, siêu nhìn đã thấy rất rõ những "bụi trần" thì quả là tài! Ca tụng Hạng cũng giống như làm cái việc "khen phò mã tốt áo", nhưng thấu hiểu cảm xúc của ông thì chỉ có ông mới "Cảm xúc/ đã tan bay/phấn son cùng hương liệu/đắp đầy hình vô tri/nặn người không thành tượng/ vẽ mãi người ra ma/ cầm ca ma thành thánh/phủ dụ/quỷ hơn người" (bản thảo trang 9). những lời hay ý đẹp, những ý tưởng nhân sinh của người hiền minh thường cô đọng. Ngắn nhưng súc tích hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa. Thơ Hạng không biết có phải như thế không, mà có từng câu, từng chữ đụng chạm vào trái tim của mỗi người "Gạn từng tỉ năm/ ánh sáng/ chưa/thẩm thấu/một/giọt/tình" (trang 13 bản thảo).

Thơ không câu nệ cái vỏ hình thức, chẳng cần vần điệu, nhưng ngẫm mà xem, cái thổn thức, cái đau đáu của trái tim người nghệ sĩ đã vượt qua ngưỡng cửa "xưa nay hiếm" nó thân phận, nó chà xát những lơ mơ ý tưởng. Câu chữ không là tượng đồng, bia đá mà cứ nặng trĩu, song lại như những hạt bụi, khi người làm điêu khắc gọt dũa những công trình. Những hạt bụi làm ta xốn xang và cay mắt đến bất ngờ.
Tôi nghĩ: Nhà thơ Trinh Đường khi nhận xét về thơ Phạm Văn Hạng đã có những câu thật chí lý: "Có cảm giác PVH vừa tìm ra được một cách biểu âm mới, một chìa bí mật để đọc một lối chữ tượng hình mới. Thơ PVH hầu hết là những nguyên lý rút ra từ đời sống, nhiều tư tưởng như được phát quang từ những nơi tiềm ẩn của chính chúng ta" (trang126, thơ PVH). Nhà lý luận phê bình Khổng Đức Đinh Tấn Dung, dẫn lời nói của Edgar Poe để kết luận về thơ PVH "Không cần phải tạo ra những câu thơ hay đẹp mà phải là những câu thơ đầy ý thức. Một tác phẩm xuất sắc chỉ nên căn cứ vào mức độ ý thức của nó".
Với tôi ư, phiêu linh trong những miên man, có khi còn hạn chế của mình, cái chất "quỷ" của Phạm Văn Hạng dường như có cả chất "quái nhân", "kỳ nhân" và cả "hiền nhân", tôi cố gắng làm hạt bụi kết dính vào cái cõi thơ ma quỷ - thần Phật của ông mà chiêm nghiệm, may mà ngộ chút ít để "Có thương đau/ mới thẩm thấu cuộc đời/ Có suy tưởng/mới/ra/hư/thực" vậy...
 
Trần Hoàng Vy