Sóng Tây Hồ

02:04, 06/04/2011

Ông Bính xa Hà Nội vào Đà Lạt lập nghiệp từ năm một chín ba tám, khi mới mười tám tuổi, vậy mà về quê có mỗi một lần, trước năm một chín năm tư. Những năm chiến tranh, hai miền chia cắt đã đành, sau “bảy lăm”, đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà ông vẫn nấn ná chưa chịu về, mặc dù giếng nước, sân đình Quảng Bá làng quê cùng những kỷ niệm tuổi thơ vẫn đeo bám khôn nguôi. Sau mọi nỗi đắn đo, ông quyết định về dối già một lần vào tuổi tám mươi. Điều bất ngờ là cháu chắt lại đứng ra tổ chức thượng thọ cho ông ngay tại quê nhà. Một ngày vui bồng bột của lớp trẻ hậu duệ đượm nỗi bùi ngùi kín đáo của tuổi già thế rồi cũng qua, giờ đây ông đang ngồi lặng lẽ bên bà cụ già kém ông một tuổi ngắm mặt nước Tây Hồ dập dềnh xao động.

Ông Bính xa Hà Nội vào Đà Lạt lập nghiệp từ năm một chín ba tám, khi mới mười tám tuổi, vậy mà về quê có mỗi một lần, trước năm một chín năm tư. Những năm chiến tranh, hai miền chia cắt đã đành, sau “bảy lăm”, đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà ông vẫn nấn ná chưa chịu về, mặc dù giếng nước, sân đình Quảng Bá làng quê cùng những kỷ niệm tuổi thơ vẫn đeo bám khôn nguôi. Sau mọi nỗi đắn đo, ông quyết định về dối già một lần vào tuổi tám mươi. Điều bất ngờ là cháu chắt lại đứng ra tổ chức thượng thọ cho ông ngay tại quê nhà. Một ngày vui bồng bột của lớp trẻ hậu duệ đượm nỗi bùi ngùi kín đáo của tuổi già thế rồi cũng qua, giờ đây ông đang ngồi lặng lẽ bên bà cụ già kém ông một tuổi ngắm mặt nước Tây Hồ dập dềnh xao động.

Thật khách quan mà nói thì giữa họ chưa có cuộc tình nào, nghĩa là ông không phản bội bà, song ông đã chạy trốn một tình yêu chớm nở mà những người trong cuộc không thể quên. Ông đột ngột ra đi để rồi mắc nợ suốt đời. Bà hận, ông biết, và vì thế bối rối là không thể tránh khỏi.

Ngày ấy…

Ông Bính như được sống lại từ đầu. Sáng sáng khoác chiếc áo the, đi xăng-đan cao su trắng đế crếp mác Con Hổ, đội mũ cát trắng đi làm. Quảng Bá ngay bờ Hồ Tây nhưng lúc đó thuộc địa phận Hà Đông, vẫn là dân ngoại thành ven đô, nửa quê nửa tỉnh, vì thế tuy là công nhân xếp chữ của toà báo La Voulté, nghĩa là công chức sở Tây rồi mà vẫn chưa dám vứt bỏ cái áo the để mặc complé trắng, đi giày mõm nhái, đầu bồng đít vịt như thanh niên Hà Nội. Trai làng hầu hết đi cày thuê cuốc mướn cho những làng thuần nông, lắm đất nhiều ruộng như Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế. Nếu không có nghề phụ trong tay như làm bún làm bánh thì chỉ còn nước ra Hà Nội nhập bọn với xe tay ba gác, thậm chí trộm cắp đĩ điếm. Ruộng ít, phía bắc là sông Hồng, mùa nước lên cũng cho được ít cá bột, củi rều nhưng lại ngoạm vào bờ những vạt đất lớn. Quảng Bá còn may chứ Nhật Tân mấy lần phải di dời đình làng vào trong vì nạn lở đất. Dân đồng bãi, mỗi khi nước rút phù sa láng đều xoá sạch bờ ranh, mốc tiêu. Lý trưởng hai làng khua ba-toong đốc thúc trai tráng làng mình ra cắm mốc trước, lấn được chút nào hay chút ấy. Chuyện đất cát vỡ đầu xẻ tai là thường. Ai chẳng biết lý trưởng hai làng Nhật Tân, Quảng Bá giành nhau chức chánh tổng để chiếm lợi thế khi chia đất. Kẹp giữa một bên là sông Hồng, một bên là Hồ Tây, khổ thế đấy. Lý trưởng cũng chỉ hách dịch xằng trong làng chứ ra đường gặp thằng Tây sợ run cầy sấy, không nép bờ đê thì “a-lê-xơ-đa”, nó đá đít cho một cái. Bắc Kỳ là xứ bảo hộ nó mới thế, Nam Kỳ thuộc địa dễ thở hơn. Cứ trông cái nhà anh cai lục lộ cà-mèng ở Nam ra mà thèm, qua bốt Yên Phụ gặp thằng Chà-Và (lính da đen Ấn Độ) miệng thì “bông-giua-me-xừ”, tay chìa ra bắt. Vậy nên khi sắp chữ cột tin giờ chót đăng tải tuyển người di dân vào Đà Lạt lập ấp do Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu chiêu mộ thì ông ghi tên ngay.

Tuổi trẻ hướng ngoại, với nam nhi thì sự nghiệp lại có phần lấn át riêng tư. Ông thường nghe các cụ nói: “Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai đã từng”. Máu “giang hồ bẩm sinh” được kích thích bằng những bài báo viết về Đà Lạt, một vùng đất hoang sơ đầy bí ẩn. Vô tình ông đọc được “Lâm Viên hành trình nhật ký” của Nam tước Trần Đình Duyệt đăng trong Nam Phong tạp chí, ghi chép những điều mắt thấy tai nghe của ngài trong dịp phụng chỉ đến tỉnh Lâm Viên mới thành lập để quan sát, đồng thời trù liệu việc xây cất hành cung. Bài báo có đoạn khiến ông lưu tâm: “Từ Eo Gió trở lên, xe chạy nhanh được quãng đường chừng 50 km. Đường lúc này bằng phẳng, có chỗ như miền Trung Châu. Ven đường có độ năm, ba cái sách (xóm có rào) của người Thượng. Nhà lụp xụp, thô sơ. Đất trồng lúa mỗi nơi chỉ được độ một, hai khoảnh nhỏ, còn lại là đất trống mênh mông, nhìn ra thấy hoang vu cả nghìn dặm tới tận cùng tầm mắt. Nếu di dân lập ấp, khai khẩn canh tác thì có thể có được hai ba trăm thôn”.

Đã thế ấn tượng về mảnh đất “Đà Lạt trăng mờ” của thi sĩ họ Hàn gieo vào lòng ông: “Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt”, hay “Hơi mát đê mê chạy khắp người” của Quách Tấn càng thôi thúc cái chí “tang bồng hồ thỉ” ở nơi ông. Trưa hè giữa Hà Nội húp nước rau muống luộc mồ hôi vã ra như tắm, chảy trên sống mũi, nhỏ cả vào bát canh, lại nghe nói ở Đà Lạt lúc nào cũng có thể mặc áo len thì sướng nhất trần đời.

Gần hai phần ba thế kỷ đã trôi qua, ông ngắm lại bà xem còn sót nét nào của ngày xưa cũ. Bà nhìn mặt nước bần thần:

 - Ông vào đó có gặp con trăn có sừng không?

Ông Bính phì cười. Ngày đó báo chí nói về Đà Lạt khá nhiều. Ông nhớ có lần cắt bài báo in ảnh con trăn có sừng tặng bà. Vào Đà Lạt mới vỡ lẽ:

- Lấy đâu ra trăn có sừng. Mấy ông nhà báo toàn đưa tin giật gân. Chẳng qua nó nuốt con nai, nhưng lại nuốt từ phía sau, nuốt gần hết thì vướng sừng, gặp người vội rê đi, mang cả cặp sừng nai.

Cảnh ấy vào Đà Lạt ông gặp nhiều. Chiều chiều ở thung lũng trước nhà ông hươu nai từng đàn kéo xuống suối uống nước dẫn dệu như đàn bò. Nhất là khi trời sắp tắt nắng, ráng đỏ hoàng hôn nhuốm lớp lông mịn phát sáng, viền lấy con vật.

 - Chúng không sợ người à? - Bà hỏi.

- Mới đầu thì không. Chúng nghĩ con người cũng như chúng thôi. Nhiều con bị hổ săn đuổi còn xộc cả vào nhà cầu cứu.

- Lúc ấy các ông làm thế nào?

- Thì mang mâm đồng, nồi đồng, chậu thau ra gõ ầm lên cho hổ hoảng sợ bỏ chạy.

Chỗ ông mới đến định cư chỉ có ba ngôi nhà gỗ lợp gianh ở ba góc thung lũng sình lầy nằm giữa Mả Thánh và đường Nguyễn Công Trứ bây giờ, nay gọi là ấp Hà Đông. Theo thế núi ở đây, dòng suối ở giữa lại chảy từ đông sang tây. “Nghịch thuỷ cưu bần”, chịu đổ mồ hôi ra chắc trời cũng không để đói. Dân đồng bãi như ông mừng quá, đất mênh mông thả sức mà cuốc. Nhưng trăn ở đây sao lắm thế. Đêm trăng nó trườn lên, lừ lừ di động, lúc đen sì trong bóng tối, lúc lấp lánh dưới ánh trăng, luồn qua những bụi lau sậy đung đưa.

Mấy chục năm trôi qua, ông cứ nhớ mãi cái ngày xa Hà Nội, mang theo hai nghìn củ giống lay-ơn nhập bọn với hơn ba mươi trung niên các làng Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Xuân Tảo, Vạn Phúc gồng gánh cuốc xẻng, nồi niêu soong chảo lục tục lên tàu ở ga Hàng Cỏ.

- Sao em không ra tiễn anh hôm ấy? - Ông buột miệng gọi “em” giọng bồi hồi.

Như bị cấm khẩu, bà định nói mà không sao mở miệng nổi. Mặt bừng đỏ rồi tái đi, môi mím chặt, mắt vẫn đăm đăm nhìn xuống. Sóng nước hắt những vòng sáng lung linh nơi cổ bà. Đây là cơ hội cuối cùng để nói hoặc là mang xuống mồ. Mặt bà đỏ gay trong ánh hoàng hôn. Mối hận tuổi thơ cuối cùng cũng phải trút lên đầu người tình hờ hững.

- Anh bảo em không ra ga à? Anh còn nhớ tối hôm trước khi đi anh nói anh đã chuẩn bị đầy đủ hai nghìn củ lay-ơn mà quên không đánh củ riềng làm gia vị ăn thịt thú rừng. Anh vẫn thích món giả cầy mà.

Bà nhớ từng chi tiết khiến ông gục đầu như một tội đồ. Bà nhìn xoáy vào ông, ông không dám ngẩng lên, gáy nóng dần, ran ran từng chân tóc.

 - … Em tách khỏi đám đông, - Bà tiếp - tay cầm gốc riềng còn nguyên lá đứng dưới chân cột điện đơn độc giữa sân ga Hàng Cỏ để anh dễ nhận ra. Chỉ cần anh ngước lên là bắt gặp ánh mắt em chờ đợi. Nhưng anh đã quên em lúc đó, anh mải nói gì với những người đưa tiễn, không một lần phóng ánh mắt tìm kiếm. Anh còn nhớ hôm ấy là ngày bao nhiêu không? Ngày 29 tháng 5 năm 1938!

Bà dằn từng con số, mắt sáng lên, đến lúc cứng rắn nhất thì lại bật khóc, nâng vạt áo chấm chấm hai đầu con mắt. Bà đã giận ông suốt hai phần ba thế kỷ. Nếu còn trẻ, ông sẽ ôm lấy bà mà vỗ về làm lành. Ông sẽ lại nghêu ngao bài vè ngày xưa vẫn trêu chọc bà mỗi khi gặp bà quẩy đôi xảo nhỏ đi nhặt phân bón thúc cho đào: “Mình ơi có đi Bờ Hồ/ Cùng nhau chén kem kẹo dừa/ Xin mình là đừng từ chối/ Túi anh có mười đồng xanh”. Nhưng ông chỉ đặt tay lên bờ vai già nua của bà. Bà khẽ gạt ra, vùng vằng:

 - Nạn đói “bốn lăm” anh có gửi về hai tấn gạo cứu tế cho dân làng. Riêng gia đình em không nhận. Chỉ làm điều bất chính mới có hai tấn gạo trong khi cả nước hai triệu người chết đói!

Trời ơi, oan cho ông quá. Trước cảnh rừng núi hoang vu, nhiều người cùng đi đã đào tẩu, phần vì thấy tương lai mờ mịt, phần vì nhớ vợ con ở nhà. Ông trụ lại cuốc đất lật cỏ, với hai nghìn củ lay-ơn đem theo, không đầy ba tháng sau đã có hai nghìn bông hoa. Người Pháp ở Đà Lạt đang khát hoa, đắt mấy cũng mua, mỗi bông lay-ơn hai hào, mà gạo hai đồng hai một tạ thử hỏi làm gì ông không gửi được hai tấn gạo về quê cơ chứ. Cũng vì trồng hoa, vua Bảo Đại còn tặng “Bảo Quốc Huân Chương” cho ông, thường xuyên cho xe đón gia đình ông lên Dinh chơi vào dịp lễ tết. Chụp ảnh chung với đốc lý, có; với quản đạo, có. Và sau này nữa với cả tổng thống họ Ngô, nhưng nhà ông vẫn có hầm bí mật che giấu Việt Minh, Việt cộng. Ông có làm gì bất chính đâu. Bắt bùn lầy sỏi đá thành hoa thì thời nào chẳng được quý trọng. Thượng tướng Trần Văn Trà đấy, đưa cả nhà đến thăm ông. Được ông tặng cho cành phong lan xanh me-ri-ta, cô con gái cảm động đến nỗi không cầm mà nâng bằng cả hai bàn tay đưa ra xe. Năm một chín năm chín, thân phụ ông qua đời, kỹ sư Lê Văn Định, Giám đốc Nha Canh nông tỉnh Hà Đông đã nói: “Ông Bá đã để lại cho các gia đình tiểu nông một gương sáng trong cần lao. Hai bàn tay trắng đã dựng nên cơ nghiệp, biến nắm đất sỏi nay thành một nơi rau hoa tươi đẹp, ai đi qua cũng tự hỏi đến người xưa”.

 Sau những thở than kể lể là phút lặng kéo dài, dài đến phát sợ. Mặt hồ vẫn xao động, lấp lánh ánh đèn. Kia là đường Cổ Ngư, nay gọi là đường Thanh Niên dẫn đến chùa Quán Sứ. Trước mặt là Thuỵ Khuê, bến xe điện cuối cùng nay không còn nữa, hình như vẫn văng vẳng tiếng leng keng. Gió hắt lên từ mặt hồ mát rượi mang theo tiếng chuông chùa Trấn Quốc ngân nga.

 - Hà Nội đẹp quá Lan ơi! - Lần đầu tiên sau bao năm, ông thốt gọi tên bà giọng vẫn rất Hà Đông.

 - Đẹp sao lại bỏ đi?

Câu hỏi cứa vào lòng ông. Lòng người ai cũng có chỗ yếu mềm, nhiều khi được che giấu bằng những lý lẽ nguỵ biện để tự an ủi. May mà vẫn phải đầu tắt mặt tối, vật lộn mưu sinh. Nhưng đó là ngày thường, còn ngày giỗ, năm hết tết đến, khi không thể không nghĩ về cội nguồn thì nỗi buồn tủi của kẻ tha hương biết cất giấu vào đâu. Kẻ ra đi bao giờ cũng nhớ nhiều hơn là người ở lại. Vì đi là mất, là chết với quá khứ thân thương của mình, cái quá khứ làm nên tâm hồn mình. Hình như nỗi ám ảnh về sự phụ bạc quá khứ khiến người ta chạnh lòng mỗi khi nghĩ đến và sợ phải gặp lại. Tình yêu cũng vậy chăng?

 - Tôi cứ tưởng bà đã quên tôi rồi…

Trong thâm tâm ông mong như thế để lòng được thanh thản.

 - Không bao giờ…

 - Nếu vậy… giời cho còn được khoẻ mạnh, sang năm…

 - Không cần đâu ông… - Bà đổi cách xưng hô.

Bà hít mạnh một cái, hình như nghẹt thở giây lát, bờ vai rung lên từng chập, đổ một hơi thở dài cùng hai hàng nước mắt tuôn trào.

 Ông Bính nhớ mãi câu hỏi của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu trước khi lên đường: “Vì sao cháu đi?”. “Dạ… bẩm quan lớn, cháu thích đi xa”. Thì ra đó là câu trả lời định mệnh. Tổng đốc ái ngại nhìn ông, cái ái ngại của người già từng trải nhìn thấu được phần đời còn lại của kẻ khác. Khi ấp mới của người Hà Đông được thành lập trên đất Đà Lạt, dân định đặt tên là ấp Hoàng Trọng Phu để ghi nhớ công lao di dân lập ấp của ông, coi như là Thành hoàng vậy. Nhưng ông cám ơn và từ chối: “Thôi, cứ lấy tên là ấp Hà Đông để mà mai sau con cháu nhớ về cội nguồn”.

Ôi, cái tên ấp tên làng ở xa nghe sao mà thiêng liêng quá!

Hồ đây, vẫn hồ xưa. Người đây, vẫn người cũ. Ông chưa thể chết được, sẽ lại về lặng ngồi trong cái gian bếp nơi ông cất tiếng chào đời giữa một đêm mưa phùn gió bấc, để nghe tiếng chuông chùa Trấn Quốc, hồn thiêng Thăng Long ngàn năm thương nhớ.

Truyện ngắn: CHU BÁ NAM