Túy Tâm và cái bóng

03:04, 20/04/2011

Quả thật, chúng ta thấy một người thơ còn nhiều vướng mắc. Nhưng không, đấy là trong thơ, còn ở ngoài đời thật Túy Tâm tỉnh táo lắm. Cả cái bút danh Túy Tâm nữa, chỉ là một đắm say về nghĩa tinh thần thôi. Tập thơ đầu tay “Đêm trở dạ” mà tác giả nhắc ở đây là cả một quá trình trăn trở để làm nên “Trầm tích rừng”. Và nhận ra mình đang bước giữa “sắc không” cuộc đời, là một nhận thức có tầm mở rộng biên độ thơ trong  bài tứ tuyệt sau đây:

(Đọc “Trầm tích rừng”, thơ Túy Tâm – NXB Hội Nhà văn 2010)

Túy Tâm tên thật là Huỳnh Thanh Tâm, Nhà thơ đất Quảng Nam, hiện sinh sống và viết ở Đức Trọng.
Trước khi bước vào thơ anh, xin người đọc hãy xem bức vẽ chân dung nhà thơ này:                  

Một đời dính líu đa đoan
Ngày ngu ngơ ngó đêm tàn canh trông
Câu thơ trở dạ ấm bồng
Tỉnh say bước giữa sắc không cuộc đời
(Chân dung)

Quả thật, chúng ta thấy một người thơ còn nhiều vướng mắc. Nhưng không, đấy là trong thơ, còn ở ngoài đời thật Túy Tâm tỉnh táo lắm. Cả cái bút danh Túy Tâm nữa, chỉ là một đắm say về nghĩa tinh thần thôi. Tập thơ đầu tay “Đêm trở dạ” mà tác giả nhắc ở đây là cả một quá trình trăn trở để làm nên “Trầm tích rừng”. Và nhận ra mình đang bước giữa “sắc không” cuộc đời, là một nhận thức có tầm mở rộng biên độ thơ trong  bài tứ tuyệt sau đây:

Bấy lâu ẩn cư núi
Ta nhiễm tính tình rừng
Hồn trong veo thác suối
Tánh thẳng vút tùng thông
(Ở núi)

Đúng là Túy Tâm đã học người xưa làm bạn với tùng cúc… Nên tác giả có lúc xao lãng với thế sự, xao lãng với cuộc sống thật. Và dẫu có lúc tự hào hơi thái quá, nhưng là đúng với bản chất dồn nén, theo Phân tâm học của Freud là để thăng hoa những cảm xúc trong thơ:

Ta như chim ẩn trú rừng
Rút lòng hót giữa từng từng trời mây
Dang đôi cánh mộng hồ đầy
Vắt câu lục bát sang dây nguyệt cầm
(Không đề)

Bài thơ, tứ thơ thật đẹp đã làm nên phong cách thơ Túy Tâm. Dịu dàng mà mạnh mẽ. Truyền thống và tài hoa. Có thể nói trong một góc rừng nào đó, Túy Tâm là con chim ẩn trú và hót được những tâm khúc của đời mình cũng là điều đáng quý lắm rồi…

Và khúc ca ấy, có khi là một khúc ca trữ tình về một lễ hội Tây nguyên:

Tháng ba ngô lúa vàng nương
Em lên rẫy hái cỏ hương men cần
Lịm môi từng giọt trong ngần
Chưa say lễ hội bần thần… say em
(Say)

Đó là một Túy Tâm đa tình, đa tài với độ chín vừa đến. Còn đây, với dằn vặt nội tâm, chúng ta nhận ra một Túy Tâm đa đoan với cái bóng của mình. Tôi đã đọc nhiều bài thơ nói về cái bóng, và Cái Bóng của Túy Tâm là một bài thơ hay, nhất là khổ thơ sau đây:

Cái bóng lại tròn quay
Khi mặt trời đứng bóng
Như con số không
Nằm chực dưới hài
(Cái bóng)

Vâng, cái bóng có nhiều dạng thức, đây là dạng thức tự quy, mở ra nhiều liên tưởng thú vị. Với trục thẳng đứng cái bóng cho ta con số không, tức không - không - có - có trong kinh Phật. Điều đó cho thấy một Túy Tâm có ảnh hưởng của thiền môn. Còn ảnh hưởng thế nào lại là vấn đề khác. Nhưng tựu trung cái bóng vẫn là đề tài thi vị hóa cuộc sống:

Bóng tôi, bóng phố liêu xiêu
Nghe ngày rót giọt buồn thiu xuống ngày
(Chiều Liên Nghĩa)

Và cái bóng ấy luôn ray rứt về một mối tình thời học trò trẻ dại:

Em chơi chi độc huyền cầm
Rắc đầy đêm điệu phức âm buốt lòng
(Độc huyền)

Nói với em, nhưng thật ra là nói với mình; nói với cái bóng trú ẩn trong tâm thức một hồn thơ. Để rồi:

Ta dìu ta
Ngã vào vô ngã
Như thuở lọt lòng
Tánh thiên thần ta cười lên khoái trá
Nghe bàn tay nhập định vô cùng
(Vô ngã)

Một cảm thức về Vô ngã có độ thâm thúy của đời người. Xuất thần thơ tự do của anh rất đạt. Nhưng thế mạnh của Túy Tâm lại ở lục bát, một thể thơ dịu dàng, nâng niu tâm hồn anh bay bổng như anh đã từng nhận diện:

Tổ quốc là bầu vú mẹ
Con uống thơm lành từng giọt ca dao
(Tổ quốc là bầu vú mẹ)
Cho nên qua Ngõ rơm vàng anh viết:
Chân vừa chạm mảnh đất quê
Là tôi biết thực mình về chốn xưa…

Vâng, đất quê hay chốn xưa là mảnh đất hiền minh, nơi sản sinh ra thể thơ lục bát đã nuôi dưỡng tâm hồn anh cũng như bao người xa quê khác, đã làm nên tâm hồn Việt bao la, có thể chảy trong vũ trụ một thứ ngôn ngữ tinh túy nhất: Ngôn ngữ thơ!

Tóm lại, tuy thơ Túy Tâm vẫn còn nhiều sáo mòn chưa tránh khỏi, làm hạn chế những tứ thơ phóng khoáng, bứt phá và hiện đại hơn. Nhưng thơ là người, con người anh vốn thế, dịu lành và chân thực thẳng thắn, nên có nhiều lúc “cây độc huyền” chỉ hát một mình. Và nếu lắng nghe, người đọc sẽ thấy thơ Túy Tâm chứa đựng nhiều tâm cảm của một người muốn vượt ra khỏi những ức chế đời thường, sống một cuộc đời thơ nhẹ nhõm và sâu lắng hơn…
NGUYỄN THÁNH NGÃ