Bữa cơm chiều trong Dinh Độc lập

02:04, 27/04/2011

Ngày Đại thắng 30-4-1975 còn âm vang mãi đến hôm nay. Những bức ảnh lịch sử, những thước phim nóng hổi, những bài ca hào hùng, những trang ký sử chiến tranh còn vương mùi khói đạn.

Ngày Đại thắng 30-4-1975 còn âm vang mãi đến hôm nay. Những bức ảnh lịch sử, những thước phim nóng hổi, những bài ca hào hùng, những trang ký sử chiến tranh còn vương mùi khói đạn.

Đoàn tụ. Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Đoàn tụ. Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Nhà thơ Hữu Thỉnh – người lính trực tiếp cầm súng với tư cách là phóng viên mặt trận đã có mặt tại dinh Độc Lập và anh ghi lại “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập” thật độc đáo và cảm động trong giây phút thiêng liêng ấy. Góc độ của nhà thơ như một ống kính thu nhỏ đến từng chi tiết nhưng góc mở của tâm hồn thì nới rộng vô biên. Bài thơ viết thật giản dị có sự phát hiện tinh tế khi anh nhận ra “Hàng cây so đũa cùng ta đó”. Nhà thơ Hữu Thỉnh có cái tâm trạng thảng thốt “Trời còn đầy ắp hoa và pháo/Nhìn nhau chưa vội mở vung ra”. Giữa chói lọi sắc hoa chiến thắng với bữa cơm giã chiến nấu bằng bếp điện nhà thơ đã nhận ra “Rau muống xanh như hái tự ao nhà”. Chỉ một câu thơ ngắn đã lẫy ra được phía sâu thẳm của tâm hồn người lính thi sĩ.

Cái gạch nối giữa chiến trường và hậu phương được rút ngắn lại. Đó cũng là nét đặc trưng thuần Việt của anh lính cụ Hồ. Giữa bốn bề chiến trận chỉ mấy phác họa nhanh nhà thơ đã dựng dậy được thần thái không khí cuộc chiến thật ác liệt "Tăng vẫn dàn theo hình chiến đấu - Xích còn vương đỏ đất Phan Rang" và "Độc lập theo tăng vào cổng chính" - một tư thế đàng hoàng của người thắng trận.

Lại nữa, ống kính tâm hồn của nhà thơ chiến sĩ này đã thu được một cận cảnh rất giá trị thật hóm hỉnh bất ngờ "Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận/Chia thêm Tổng - thống - Ngụy - đầu hàng".

Bữa cơm chiều 30-4 tại Dinh Độc lập thật đặc biệt có đủ các thành phần từ anh lính bộ binh, thiết giáp đến phóng viên nhà báo và có cả kẻ bại trận là Tổng thống Ngụy. Bài thơ vừa có nét trầm tĩnh đằm sâu vừa đắm say bay bổng: "Có gắp chi đâu, mãi ngắm trời/Tự do xanh quá, mênh mông quá". Tự do xanh quá gợi lên cho ta cái khát khao sự sống tự do của vòm trời xanh, của sân cỏ mãi miết, của màu quân phục xanh. Nhà thơ Hữu Thỉnh không nén được niềm vui quá lớn, anh đã reo lên: Tự do xanh quá là sức xanh trỗi dậy từ tâm hồn người lính trẻ. Chỉ tiếng reo thôi đã cắt nghĩa được vì vao chúng ta chiến thắng không cần phải lý giải nhiều lời, tất cả đều được ghi lại bằng cảm giác ấn tượng của tâm hồn. Đó chính là chất thơ lung linh lan tỏa từ hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống. Nếu không có cái thảng thốt ấy thì bài thơ giống như một ghi chép báo chí giảm hẳn sức truyền cảm thuyết phục. Khổ cuối cùng là khúc vĩ thanh đến cao trào tưởng như không dứt ra được thì đột nhiên tứ thơ lắng lại bằng câu kết khép lại thật tâm trạng: "BÁt canh ngày hẹn cũng mênh mông" - chan chứa thêm niềm đắm say nhân hậu trong ngày vui chiến thắng...
 
Nguyễn Ngọc Phú


Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập

Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện
Rau muống xanh như hái tự ao nhà
Trời còn đầy ắp hoa và pháo
Nhìn nhau chưa vội mở vung ra.
Màu xanh – sân cỏ xanh mải miết
Quây quần đồng đội đến vui chung
Hàng cây so đũa cùng ta đó
Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng.
Khách thường: thương mấy anh nhà báo
Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày
Sáng chiếm núi Bông, chiều Cửa Thuận
Vượt đèo Phước Tượng buổi chiều mây.
Tăng vẫn dàn theo hình chiến đấu
Xích còn vương đỏ đất Phan Rang
Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận
Chia thêm tổng - thống - ngụy - đầu - hàng.
Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
Có gắp chi đâu, mải ngắm trời
Tự do xanh quá, mênh mông quá
vượt mấy ngàn bom mới tới nơi.
bỏ lại đằng sau bao trận đánh
Kịp vào thành phố sáng tên Người
Độc lập theo tăng vào cổng chính
Cờ treo trên đỉnh nước non ơi!
Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm
Ta reo trời đất cũng reo cùng
Ta no cười nói, say đôi mắt
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông.

1975
 
Hữu Thỉnh