Trịnh Công Sơn không “đạo” nhạc

10:04, 15/04/2011

Việc một số trang mạng đặt nghi vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “đạo” một bản nhạc nước ngoài trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông khiến dư luận, đặc biệt những người yêu nhạc Trịnh, bất bình.

Việc một số trang mạng đặt nghi vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “đạo” một bản nhạc nước ngoài trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông khiến dư luận, đặc biệt những người yêu nhạc Trịnh, bất bình.

Những ngày qua, vài trang điện tử đưa thông tin một blogger đặt nghi vấn về việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác ca khúc Con mắt còn lại vào năm 1992 có giai điệu - đặc biệt phần đầu, giống như tác phẩm The syncopated clock do nhạc sĩ Leroy Anderson viết năm 1945. Tuy nhiên, blogger này thận trọng cho rằng có thể nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không hề biết đã sáng tác Con mắt còn lại có một số đoạn trùng lặp với The syncopated clock. Thông tin được blogger đăng tải với dẫn chứng bản phối The syncopated clock của nhóm Gontini năm 1983 với bản phối Con mắt còn lại do nhóm 5 Dòng Kẻ trình bày.
 
Trịnh Công Sơn và thi sĩ Bùi Giáng - Ảnh: tư liệu
Trịnh Công Sơn và thi sĩ Bùi Giáng - Ảnh: tư liệu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, The syncopated clock được hãng Decca Records ghi âm lần đầu năm 1950, làm nền cho chương trình truyền hình Late show suốt 25 năm nên được nhiều người Mỹ biết đến. Leroy Anderson viết The syncopated clock khi đang là trưởng nhóm Scandinavia thuộc Cục Tình báo Washington. Ý tưởng viết nhạc phẩm này đến với Anderson khi ông tham dự đêm nhạc tại Đại học Harvard. Ngày 28.5.1945, lần đầu tiên The syncopated clock được trình bày trước công chúng. Trong khi đó bài Con mắt còn lại do Trịnh Công Sơn sáng tác lấy cảm hứng từ câu thơ Còn hai con mắt khóc người một con trong bài Mắt buồn của thi sĩ Bùi Giáng.


Chẳng có gì giống

 

Đừng mất thời gian vào việc kiểm tra, đối chiếu các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rồi đặt nghi vấn “đạo” hay không “đạo” nhạc - Nhạc sĩ Đức Trí

Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng, Ủy viên BCH Hội Âm nhạc TP.HCM sau khi nghe hai nhạc phẩm trên đã khẳng định: “Con mắt còn lại chẳng có gì giống với The syncopated clock. Leroy Anderson viết The syncopated clock bằng điệu swing-fox thuộc gam trưởng, theo thể loại nhạc đồng quê Mỹ với cách hòa âm không phức tạp, chỉ sử dụng bậc 2, 4 và 5. 

Bài Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn cũng viết ở gam trưởng, điệu swing medium. Đây là điểm khá đặc biệt vì đa số các ca khúc Trịnh Công Sơn thường được viết ở gam thứ. Tuy nhiên về giai điệu thì hai ca khúc này không có điểm nào giống nhau”.

Ca sĩ Cẩm Vân nói: “Tôi đã nghe The syncopated clock và Con mắt còn lại. Về giai điệu chẳng thấy có gì giống nhau. Tôi bức xúc khi nghe nghi vấn Trịnh Công Sơn “đạo” nhạc, không phải vì tình cảm dành cho anh. Trong âm nhạc, giai điệu na ná nhau là chuyện bình thường. Trên thế giới quá nhiều ca khúc có giai điệu khá tương tự nhau nhưng như thế không có nghĩa là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Nghệ sĩ Khắc Triệu nói thêm: “Theo tôi, đặt vấn đề nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có “đạo” nhạc hay không là vô cùng nhảm nhí”.

Ca sĩ Đức Tuấn cũng lên tiếng: “Điều quan trọng là bài Con mắt còn lại có giai điệu và ca từ đậm chất nhạc Trịnh chứ không phải lai căng phong cách của ai khác nên chỉ ai “rảnh” lắm mới cố mà “soi” lại gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xem có bài nào sao chép hay không!”. Anh nói rằng, “nghi án” này chẳng hề làm giảm đi tình cảm và sự ngưỡng mộ của anh dành cho nhạc sĩ: “Tôi chẳng quan tâm đến chuyện nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “đạo” nhạc hay không bởi ông là cây đại thụ của nhạc Việt. Ông sáng tác hơn 600 ca khúc thì không việc gì phải đi copy giai điệu của người khác làm của mình cả”.

Đừng xúc phạm người đã khuất

Nhạc sĩ Đức Trí, vốn không định phát biểu gì, nhưng sau khi nghe cả 2 nhạc phẩm và nhất là khi “bị” nghe quá nhiều về “nghi vấn đạo nhạc” đã bày tỏ sự bất bình: “Bản thân người phát hiện ra chuyện “đạo” có kiến thức gì về âm nhạc hay chỉ đưa ra kết luận theo cảm tính? Âm nhạc vỏn vẹn 7 nốt thì khi sáng tác có những đoạn trùng lắp là đương nhiên. Quan trọng là tổng thể tác phẩm có giống nhau hay không thôi. Trên thế giới, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ từng tuyên bố sáng tác ca khúc dựa trên cảm hứng từ bài A, B, C, D nào đó là chuyện quá ư bình thường. Nghe tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “đạo” nhạc tôi thấy quá nhảm nhí. Một tài năng lớn như ông đâu cần phải nổi danh hay gây xì-căng-đan mà làm chuyện đó. Đừng mất thời gian vào việc kiểm tra, đối chiếu các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rồi đặt nghi vấn “đạo” hay không “đạo” nhạc”.

Đồng quan điểm này, nhạc sĩ Lê Quốc Thắng phát biểu: “Trịnh Công Sơn là tượng đài nhạc Việt. Chưa chắc gì 100 năm sau Việt Nam có một Trịnh Công Sơn thứ 2 nên đừng làm gì xúc phạm đến linh hồn người đã khuất”.

Theo ĐỖ TUẤN (THANH NIÊN)