Trịnh-nhạc và cà phê

10:04, 04/04/2011

(LĐ online) - Mặc dù tay run, nói khó nhưng ông Phan Văn Hội nhận lời tâm tình với tôi để vơi đi nỗi nhớ quay quắt về Đà Lạt, những hoài niệm về văn hóa cà phê xưa. Sau bao năm khép kín, ông vượt trở ngại bệnh tật của người già tuổi 77 cùng tôi nối mạch xúc cảm một thời với Trịnh-nhạc-cà phê.

(LĐ online) - Mặc dù tay run, nói khó nhưng ông Phan Văn Hội nhận lời tâm tình với tôi để vơi đi nỗi nhớ quay quắt về Đà Lạt, những hoài niệm về văn hóa cà phê xưa. Sau bao năm khép kín, ông vượt trở ngại bệnh tật của người già tuổi 77 cùng tôi nối mạch xúc cảm một thời với Trịnh-nhạc-cà phê.

NS Phan Văn Hội với guitar Hawaii tại cà phê Bâng Khuâng. Ảnh Minh Đạo
NS Phan Văn Hội với guitar Hawaii tại cà phê Bâng Khuâng. Ảnh Minh Đạo
Ông Hội người cùng gốc Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế với Trịnh Công Sơn. Ông ở làng Vân Cù còn Trịnh Công Sơn ở làng Minh Hương. Họ cùng là những Phật tử, ánh sáng của Phật pháp luôn “giác ngộ” trong sáng tác âm nhạc. Họ là người Huế nhưng lại đều sinh ra trên đất Tây Nguyên. Trịnh Công Sơn sinh ra ở xã Lạc Giao (nay là phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc)- cái xã mà Phan Văn Hội làm nơi cư ngụ hơn 40 năm nay. Còn Phan Văn Hội lại sinh ra ở xóm Cầu Quẹo, nay là đường Phan Đình Phùng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Năm 1967, thanh niên Hội đến Đắc Lắc làm việc còn năm 1961, Trịnh Công Sơn đi dạy học ở Lâm Đồng. Âu đó là những duyên ngộ như một sự sắp đặt của thế gian.

23 tuổi, Phan Văn Hội tốt nghiệp kỹ sư ngành công chánh lên Buôn Ma Thuột lập nghiệp. Năm 1967, nhà có khoảnh đất trống, có bụi trúc đẹp, bạn bè đề nghị vợ chồng ông mở quán cà phê. Thế là cà phê có tên “Bâng Khuâng” ra đời từ đó, chung thủy cho đến hôm nay. Hồi đó, quán mái tranh, ghế là những khúc gỗ cưa ra, diện tích cũng như bây chừ. Đó là một không gian thôn quê, là nơi chốn tựa hồn trong thế giới âm nhạc của giới văn nghệ sỹ xa gần.

Thứ nước uống cà phê là cầu nối của sự giao thiệp, cái “ngon” quan trọng hơn là ở chỗ không gian đưa giọt đắng vào môi. “Bâng Khuâng” trở thành chốn lui tới thường ngày của những điệu hồn tri âm. Chủ quán là nhạc sỹ vừa sáng tác vừa chơi đàn Accordion (phong cầm) và guitar Hawaii (hạ uy cầm) có tiếng. Nhạc sỹ Phan Văn Hội còn là nhà tổ chức cừ khôi các show diễn ca nhạc cho bạn bè ở vùng đất bazan. Cùng với nhạc sỹ họ Trịnh, giới văn nghệ sỹ của Buôn Ma Thuột và Sài Gòn lúc đó như nhạc sỹ Miên Đức Thắng, các ca sỹ Lê Uyên Phương, Lệ Thu, Duy Khánh, Tú Trinh…đến với “Bâng Khuâng”. Không gian đó luôn ấm áp, ân tình bởi khách và chủ được thưởng thức những tình ca đặc sắc của Trịnh và tiếng đàn “hạ uy di” dìu dặt của nhạc sỹ Phan Văn Hội. Ông Hội nhớ lại, hồi đó ai cũng thích nhạc Trịnh. Vì vậy, “Bâng Khuâng” là điểm níu chân của những người yêu nhạc Trịnh. Bên ly cà phê, khách được ca sỹ Tuấn Ngọc, Khánh Ly mang đến những nỗi buồn diệu vợi của kiếp người. Từ “Bâng Khuâng” ẩm khách đi xa, xa mãi trong thế giới nội tâm của chính họ. Dịp ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (1991), nhà tổ chức ở thị xã phải lần tới ông Hội để mượn băng gốc nhạc Trịnh.

Cũng là duyên, ông Hộ cũng chơi thân với ông Tùng-chủ quán cà phê “Tùng” nổi tiếng ở Đà Lạt từ hơn nửa thế kỷ nay. Cà phê “Tùng” cũng là chỗ lui tới của Trịnh Công Sơn và ca sỹ Khánh Ly. Họ chọn ngồi tại chiếc bàn nhỏ khuất lấp ở chân góc cầu thang tầng trệt. Chủ và những người khách đến trước luôn trân trọng giành vị trí đó cho Trịnh Công Sơn. Nhạc sỹ họ Trịnh và Khánh Ly uống cà phê rồi gửi đồ đạc lại quán đi hát phục vụ các phòng trà ở Thương xá Tuylip, Mộng Đẹp…Thời gian đó ông Hộ quay về Đà Lạt và lại làm khán giả của nhạc sỹ họ Trịnh.

Không gian của quán cà phê Tùng
Chiếc bàn nhỏ khuất lấp ở chân góc cầu thang cà phê Tùng- Đà Lạt mà nhạc sỹ họ Trịnh thường ngồi. Ảnh MPK
Bức tranh sơn dầu treo
Bức tranh sơn dầu treo ở quán cà phê Tùng nay đã ngả màu. MPK chụp lại.
Điều mà Trịnh Công Sơn thường chọn “Bâng Khuâng” (Đắc Lắc) và “Tùng” (Đà Lạt) làm nơi trú ngụ lòng mình trong ly cà phê là ở cách chủ quán xử sự với nhạc. Hồi đó, hai quán này đều phục vụ âm nhạc cho khách theo từng chủ đề, từng nhạc sỹ hay ca sỹ, theo giờ hoặc theo ngày. Nhạc ở hai quán này là nhạc tuyển chọn, chất lượng âm thanh luôn ắp đầy không gian. Dĩ nhiên nhạc của Trịnh là dòng chủ đạo đưa đến cho khách thưởng thức. Đến giờ “Bâng Khuâng” và “Tùng” vẫn còn những bức tranh sơn dầu nhuộm màu thời gian, vẫn “gu” cà phê pha phin chân chất như thuở trước. Nhưng có một điều mà cả hai người con gái thay bố mình làm chủ quán hiện nay là cô Phan Thị Đan (cà phê “Bâng Khuâng”) và Nguyễn Thị Nga (cà phê “Tùng”) cùng hoài niệm tiếc nuối về cái ngày xưa ấy thanh lắm, chẳng có xô bồ.

Không gian phía trong quán cà phê Tùng. Ảnh: MPK
Không gian phía trong quán cà phê Tùng. Ảnh: MPK
“Bâng Khuâng” bây giờ luôn có một chậu hoa sen với duy nhất một hoa, rất tao nhã và thanh khiết. Bức tranh chép lại với bút tích và chữ ký của Trịnh Công Sơn được trang trọng treo bên cạnh giò phong lan rừng: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dỡ dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi” (Trịnh Công Sơn). Hèn chi “Bâng Khuâng” và “Tùng” là “cõi đi về”, in mãi “dấu chân địa đàng” của nhạc sỹ tài hoa họ Trịnh. Ở đó, hơn 40 năm, 50 năm đầy đủ những bản tình ca đặc sắc của Trịnh Công Sơn được trân quý lưu giữ và giành cho mọi người thưởng thức.     
                               
Minh Đạo