(LĐ online) - Cồng chiêng gắn rất chặt với đời sống đồng bào Tây Nguyên, nó đi cùng từ khi con người mới sinh ra cho đến khi chết đi, thậm chí cả sau khi chết hàng chục năm.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại từ ngày 25-11-2005. Như đã nói, cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Tây Nguyên. Nó có mặt trong mọi nghi lễ của cộng đồng cũng như của từng gia đình, từ lễ hội liên quan đến cá nhân, buôn làng cho đến những lễ hội trong một mùa trồng tỉa của cư dân nông nghiệp. Với người dân Tây Nguyên, cồng chiêng không đơn thuần chỉ là một loại nhạc cụ mà còn là một linh khí, là phương tiện giúp con người giao tiếp với thần linh, đồng thời cũng là phương tiện chuyển tải thông tin nhanh nhất giữa các buôn làng. Trước đây, đồng bào chỉ đánh cồng chiêng khi có việc. Nghe tiếng chiêng, những người trong làng, trong vùng hiểu rằng ở phía có tiếng chiêng đang có việc gì để đến chia buồn hoặc chung vui.
Nghi thức cúng chiêng và biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc bản địa ở Nam Tây Nguyên. Ảnh Thanh Đạm |
Cư dân bản địa Gia Lai sử dụng cồng chiêng nhưng bản thân họ không đúc được cồng chiêng. Những bộ cồng chiêng hiện nay người Tây Nguyên sử dụng xét về nguồn gốc có chiêng Yoăn là chiêng do người Kinh đúc; chiêng Lào (được mua từ Lào) là loại cồng chiêng quý, hiếm nhất; chiêng Kur là cồng chiêng có xuất xứ từ Campuchia. Những bộ cồng chiêng sau khi mua về, tùy theo từng dân tộc, từng nhóm địa phương, các nghệ nhân chỉnh chiêng sẽ chỉnh lại thang âm theo yêu cầu biên chế của từng bộ chiêng. Mỗi bộ cồng chiêng thường có 2 phần: phần tiết tấu được thể hiện bằng những chiếc cồng (có núm); phần giai điệu được thể hiện bằng những chiếc chiêng (không có núm). Ngoài ra, biên chế đủ để thể hiện âm nhạc cồng chiêng còn có lục lạc, chũm chọe, phổ biến có thêm cả trống.
Người Tây Nguyên biên chế các loại cồng chiêng thành những bộ có tên gọi riêng để phục vụ cho những công việc, những lễ hội cụ thể. Thông thường, một bộ chiêng chỉ được sử dụng trong những nghi lễ có cùng tính chất: Chiêng tơnăh, kơđơ mỗi bộ có từ 8 – 9 chiếc (thường 3 cồng, 5 chiêng) được biên chế với 1 trống có đường kính mặt trên dưới 1 mét, chỉ dùng trong những lễ hội vui; Chiêng aráp mỗi bộ có từ 12-13 chiếc trở lên.
Trong vùng người Bahnar hoặc Jrai ở phía tây Trường Sơn, đồng bào có thể dùng bộ cồng chiêng này trong mọi lễ hội (vui hoặc buồn) nhưng người ta phân biệt được tính chất và loại hình các lễ hội bằng những bài chiêng khác nhau.
Nhưng ở vùng Cheo Reo Phú Bổn, đồng bào thường chỉ dùng chiêng aráp trong những nghi lễ liên quan đến tang ma (khi có người chết hay trong lễ bỏ mả). Bộ chiêng Mơtrum (trum) Kơbâo gồm 3 cồng có núm biên chế cùng 1 hoặc 2 trống vỗ, chỉ dùng trong những lễ hội có trâu làm vật hiến sinh. Nhiều gia đình, dòng họ giàu có người Jrai còn có những bộ chiêng riêng để sử dụng trong tất cả những nghi lễ của gia đình, dòng họ.
Nói thế để thấy, không phải lúc nào và ở đâu cũng có thể mang chiêng ra chơi cả, việc tổ chức các lễ hội riêng lại càng ít thấy. Chiêng là môn nghệ thuật tập thể, có tính cộng đồng, cần phải đông người. Để có một cuộc chơi chiêng cần hội đủ 3 thành phần là người chỉnh sửa âm thanh (lên dây chiêng), người chơi chiêng và người xoang.