Sự giản dị và chân thật là quan trọng nhất của người sáng tác

03:05, 18/05/2011

Tình cờ tôi có được buổi trò chuyện với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong không gian thật ấm cúng và lãng mạn tại quán cà phê Đà Lạt Night. Sau bao nhiêu năm không gặp lại, nhưng tôi vẫn nhận ra ở Nhà thơ sự giản dị và khiêm nhường thật đáng quý. Đặc biệt thơ tình của Phan Thị Thanh Nhàn theo năm tháng chuyển từ nhẹ nhàng, tươi tắn sang giàu trải nghiệm, trăn trở nhưng độ lượng…

Tình cờ tôi có được buổi trò chuyện với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong không gian thật ấm cúng và lãng mạn tại quán cà phê Đà Lạt Night. Sau bao nhiêu năm không gặp lại, nhưng tôi vẫn nhận ra ở Nhà thơ sự giản dị và khiêm nhường thật đáng quý. Đặc biệt thơ tình của Phan Thị Thanh Nhàn theo năm tháng chuyển từ nhẹ nhàng, tươi tắn sang giàu trải nghiệm, trăn trở nhưng độ lượng…

Nhà thơ tâm sự: Với tôi, thơ thường là để giãi bày cảm xúc, chút tình cảm của mình vào đó, thơ thường rất trong trẻo, nhẹ nhàng…còn văn xuôi mới thực sự là niềm đam mê, mới là từng trải và đòi hỏi sự công phu.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Bạn đọc qua nhiều thế hệ đều biết đến nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nổi tiếng với bài thơ “Hương thầm” đoạt giải nhì báo Văn Nghệ năm 1970. Nhất là từ khi được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc và ca khúc đã trở thành nhạc phẩm đi cùng năm tháng, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người nghe. Bà cho biết, thực ra cảm xúc để có được “Hương thầm” là một câu chuyện có thật của gia đình nhà thơ.

Những năm 1969, ngày ấy có rất nhiều thanh niên Hà Nội lên đường đi bộ đội, chứng kiến nhiều cảnh người thân, các cô gái Hà Nội tạm biệt người yêu đi ra trận thấy bùi ngùi xúc động lắm. Trong đó có người em trai của nhà thơ, anh cũng có cô bạn gái hàng xóm tiễn chân khi đi bộ đội, hai người ngồi tạm biệt dưới gốc cây bưởi sau hiên nhà, thế rồi người em trai của nhà thơ đã hy sinh và không bao giờ trở lại nữa, hiện vẫn chưa tìm được mộ. “Hương thầm” chính là một câu chuyện về người em trai, kể từ đó, bài thơ đã trở thành kỷ niệm của gia đình suốt nhiều năm qua, hình ảnh cây bưởi cũng gần như trở thành biểu tượng không thể thiếu trong gia đình của nhà thơ từ khi người em trai hy sinh.

Bạn đọc còn biết đến bài thơ “Đám cưới” sáng tác 1971 và cũng nhanh chóng để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc “ …Các cụ ông say thuốc. Các cụ bà say trầu.Còn con trai, con gái chỉ nhìn mà say nhau…!”, cũng là một câu chuyện có thật khi nhà thơ đi dự đám cưới một người cháu bên chồng. Hầu hết các tác phẩm của PTTN đều thể hiện sự giản dị và chân thật, đúng như phong cách của nhà thơ vậy. Nhà thơ Tế Hanh đã tinh tế khi nói với nhà thơ PTTN: “….Hãy cố giữ cái giản dị ấy, bởi giản dị chính là bậc thầy của mọi nghệ thuật!”. Đọc thơ PTTN, bạn đọc nhận ra sự diễn đạt tình cảm thật tài tình của nhà thơ.

Cả cuộc đời sáng tác, tuy chỉ có khoảng 8 bài thơ được phổ nhạc nhưng với nhà thơ PTTN đó đã là một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Có thể kể đến sau “Hương thầm” là: Làm anh, Đàn ông, Vũng Tàu điểm hẹn, Huế Yêu, Mùa Xuân được các nhạc sĩ Thuận Yến, Đoàn Bổng, Vũ Hoàng phổ nhạc. Nhà thơ đã được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

 

Với Đà Lạt, Nhà thơ PTTN coi đây là một mảnh đất mà nhà thơ rất yêu quý, yêu cảnh vật và con người nơi đây. Đi nhiều, nhưng chỉ duy nhất có hai vùng đất khiến nhà thơ phải bật khóc, đó chính là Đà Lạt và Vũng Tàu. Sau bài thơ “ Đà Lạt thoáng qua” sáng tác sau ngày giải phóng, mới đây nhất, tham gia trại sáng tác tại Đà Lạt, Phan Thị Thanh Nhàn đã có bài thơ “Đà Lạt anh” thật nhẹ nhàng dễ thương và được bạn đọc khá yêu thích. Mới đây nhất bà đã cho ra đời tập “Sự cực đoan đáng yêu” bày tỏ một cách nhìn nhận mới về văn chương. Hiện nay, có nhiều người viết, chê bai, phê phán cái xấu của người này, người kia, nhưng với PTTN lại bày tỏ cách nhìn nhận tích cực trong cái tiêu cực. Thấy sự đáng yêu của các bạn văn chương, dù ai cũng có nhược điểm này khác. Bà quan niệm, ai trên đời cũng có mặt xấu, mặt tốt, tuy nhiên trong cái xấu vẫn nhận ra sự đáng yêu, vì thế có thể bỏ qua cái xấu để hướng đến cái tốt đẹp hơn.

Tôi còn được biết, nhà thơ là người rất yêu trẻ con, sinh ra trong một gia đình đông anh em, nhưng bố mẹ lại mê đọc sách, mê văn chương, nhiều cuốn sách đã cũ nát nhưng anh chị em vẫn chuyền tay nhau đọc. PTTN có năng khiếu văn chương từ nhỏ, lớp hai đã được bạn bè gọi là nhà thơ. Lớn lên, lấy chồng, sinh con, nhưng không may chồng mất sớm, con gái gần 40 tuổi vẫn chưa có gia đình, nên lúc nào nhà thơ cũng thèm tiếng tiếng trẻ con trong nhà. Chả thế mà tập truyện thiếu nhi “bỏ trốn” của bà đã được giải A của Nhà xuất bản Kim Đồng năm 1995, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã biên kịch và dựng thành phim. Phim đó lại được giải bạc về phim nhựa của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ngoài ra, “Đứa bé mất cha”, “Sống đi ngày ấy”, “Tuổi trăng rằm”, “Ánh sáng của anh”, “ Hoa mặt trời”….đã cho thấy sự đam mê văn xuôi của PTTN đến nhường nào.

Với trên 40 năm sáng tác và hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, báo chí, Nhà thơ đã đúc kết kinh nghiệm: “ ….sự giản dị và chân thật là vốn quý nhất, quan trọng nhất của người sáng tác. Nhất là sự từng trải và năng khiếu của người viết!”. Có lẽ điều đó đã đúng và đúng  hơn với sự trải nghiệm của một nhà thơ giàu kinh nghiệm và chứa chan tình nhân ái.

 

Nguyệt Thu