Thơ viết về trẻ em của R. Tagore

03:05, 25/05/2011

R.Tagore* không chỉ nổi tiếng với các tập thơ như “Gitanjali” (“Thơ Dâng”), “The Gardener” (“Người làm vườn”)… mà còn được biết đến với tư cách một nhà thơ viết về trẻ em qua tập “Trăng non”.

 
R.Tagore* không chỉ nổi tiếng với các tập thơ như “Gitanjali” (“Thơ Dâng”), “The Gardener” (“Người làm vườn”)… mà còn được biết đến với tư cách một nhà thơ viết về trẻ em qua tập “Trăng non”. Tập thơ này ban đầu được viết bằng tiếng Bengali có tựa đề “Susi” (“Trẻ thơ” ) xuất bản năm 1909. Đến năm 1915, R.Tagore đã dịch tập thơ sang tiếng Anh và đặt tên là “The Crescent Moon”- “Trăng non”. Cũng cần nói thêm rằng, trước khi tập thơ ra đời, nhà thơ đã phải gánh chịu nhiều mất mát, khổ đau: Năm 1904 người con gái thứ hai của nhà thơ qua đời, đến năm 1907 người con trai đầu lòng cũng lìa bỏ cõi thế mà đi. Trong một bài thơ, ông đã viết:

“Đã đến lúc con đi, mẹ ơi, con đi đây.
Trong bóng tối nhợt nhạt của bình minh cô đơn, mẹ sẽ vươn đôi tay tìm bé của mẹ trên giường, con sẽ nói, “Bé không ở đó!” - mẹ ơi, con đi đây.
Con sẽ thành những luồng gió mát mơn trớn mẹ; con sẽ là sóng nước lăn tăn khi mẹ tắm, con sẽ hôn mẹ mãi không thôi…” (“Kết thúc” )

Có thể nói tình yêu thương của người cha đối với các con cùng nỗi buồn đau vô hạn đã trở thành một động lực thôi thúc R.Tagore viết nên những vần thơ xúc động trong tập “Trăng non”, để rồi từ đó nhân loại có thêm một nhà thơ kiệt xuất viết về trẻ em.

Trong thơ của R.Tagore, thế giới trẻ em hiện lên hết sức phong phú và kì diệu. Những phẩm chất trong sáng, hồn nhiên, ngộ nghĩnh, giàu tưởng tượng… của trẻ đã được ông khắc họa một cách sinh động trong nhiều bài thơ. Chẳng hạn:

-“Mẹ ơi, bé con của mẹ thật ngốc! Em bé thật trẻ con.
Em không biết sự khác nhau giữa đèn đường và những vì sao.
Khi chúng con chơi đồ ăn bằng sỏi, em nghĩ chúng thực là thức ăn, và nhét chúng vào miệng.

Bé con của mẹ muốn bắt lấy vầng trăng. Em thật buồn cười; em gọi Ganesh là Gaanush.” .(“Lớn hơn” )
- “Em bé ơi, em sung sướng biết bao
Khi em ngồi suốt cả buổi mai trong đất bụi
Chơi với một cành cây gãy.” (“Đồ chơi” )
- “Nếu con chỉ là con chó con chứ không phải con của mẹ, mẹ yêu, liệu mẹ có nói “Không” với con khi con gắng ăn từ đĩa thức ăn của mẹ?
Mẹ có đuổi con đi và nói với con, “Đi đi, chó con hư đốn?”(“Sự thông cảm”)
-“Nếu mọi người biết được cung điện của nhà vua ở đâu, nó sẽ biến mất khỏi không trung
Những bức tường bằng bạc trắng và mái ngói lấp lánh vàng
Hoàng hậu sống trong cung điện có bảy cái sân, bà đeo đồ trang sức trị giá bằng của cải bảy vương quốc.
Nhưng con sẽ nói thầm vào tai mẹ, cung điện của nhà vua ở đâu.
Nó ở góc ban công nhà mình nơi đặt chậu cây tulsi.
Công chúa đang ngủ trên bờ biển xa của bảy biển không thể đến
Không có ai trên thế giới có thể tìm ra nàng ngoài con”.(“Xứ thần tiên”)
  
Miêu tả những nét đáng yêu trong tâm hồn trẻ thơ, dường như R.Tagore muốn khẳng định trẻ em chính là cội nguồn của cái thiện và cái đẹp. Điều này đối lập với những tham vọng thấp hèn, những bon chen ti tiện đầy rẫy trong thế giới của người lớn, của những bậc làm cha làm mẹ. Bài thơ “Trên bờ biển” đã phần nào hé mở quan niệm của ông. Từ các hình ảnh trái ngược: Bọn trẻ hồn nhiên “cười reo nhảy múa” – “giông tố gầm lên trên bầu trời không có một lối đi / thuyền bè đắm trên nước không dấu vết / cái chết ở ngoài kia”, “các em nhặt những viên đá cuội, rồi lại ném đi” – “những người đi tìm ngọc thì lặn xuống mò ngọc trai / những người lái buôn giong thuyền của họ…”  nhà thơ ca ngợi sự hồn nhiên, vô tư của trẻ nhỏ. Qua đó ông còn muốn nhắc nhở người lớn cần phải sống tốt hơn.
  
Bao trùm trong cả tập thơ là tình yêu thương của R.Tagore đối với trẻ. Tình yêu đó được biểu hiện một cách tập trung bằng tình mẫu tử. Trong cuộc sống, tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất của con người. M.Gorki đã từng viết: “Không có người mẹ thì không có nhà thơ lẫn anh hùng”. Hình ảnh “mẹ” và “con” luôn xuất hiện trong các bài thơ: “Đất của người đi đày”, “Bờ bên kia”, “Cảm tình”, “Hoa Chăm pa”, “Kết thúc”, “Lớn hơn”, “Mây và sóng”, “Mười hai giờ”, “Ngày mưa”, “Người hùng”, “Người thủy thủ”, “Sự thông cảm”, “Tác giả”, “Thương nhân”, “Trường hoa”, “Xứ thần tiên”, “Buổi sơ khai”, “Thế giới của bé”, “Bao giờ và vì sao”… Là người làm cha nhưng bằng sự nhạy cảm của một thiên tài, R.Tagore đã thấu hiểu một cách sâu sắc tình mẫu tử. Nhà thơ hiểu rằng đứa con chính là niềm hạnh phúc, là nguồn vui, lẽ sống của người mẹ. Trong bài thơ “Người phán xử”, R.Tagore không chỉ miêu tả tình yêu vô bờ của mẹ đối với con mà còn bộc lộ một quan niệm, một thái độ ứng xử đối với trẻ em: “chỉ ai thương thì người đó mới có quyền trừng phạt”:

“Tôi yêu nó không phải vì nó ngoan nó giỏi
mà vì nó là đứa con nhỏ của tôi,

Khi tôi trừng phạt nó
thì nó lại càng trở nên một phần của bản thân tôi.
Và khi tôi làm cho nó khóc
thì lòng tôi cũng khóc cùng với nó…”
  
Theo R.Tagore, sự biện chứng trong tình yêu của mẹ đối với con là ở chỗ khi người mẹ làm cho con vui, làm cho con hạnh phúc cũng là khi người mẹ đã đem niềm vui, niềm hạnh phúc đến cho mình:

“Khi mẹ hôn con để làm con cười, con yêu quý của mẹ ơi
Mẹ hiểu chắc chắn niềm vui nào
tự trời cao chảy xuống ánh bình minh
và nỗi khoái lạc nào
làn gió nhẹ mùa hè đã mang đến cho thân thể mẹ
Khi mẹ hôn con để làm con cười, con của mẹ ơi”( “Bao giờ và vì sao” )
  
Người mẹ không chỉ đóng vai trò người phán xử công minh mà trước hết là chỗ dựa vững chắc, đồng thời cũng là người thầy, người bạn của con mình. Nhiều bài thơ của R.Tagore được cấu trúc bằng hình thức lời trẻ thơ nói với mẹ. Điều này chứng tỏ trong tình cảm tự nhiên của trẻ, người mẹ luôn luôn là chỗ dựa tin cậy để trẻ thơ có thể đối thoại, có thể thổ lộ hết mọi chuyện của mình:

- “Mẹ ơi, ánh sáng đã chuyển thành màu xám trên bầu trời, con không biết đang là mấy giờ”
- “Mẹ ơi, nếu mẹ không phiền lòng, con sẽ trở thành người đưa đò khi con lớn lên”
- “Tưởng tượng, mẹ ơi, rằng mẹ đang ở nhà còn con đang chu du ở tận một miền đất lạ”   
- “Mẹ ơi, những người sống trên mây đang gọi con” v.v…
  
Viết về tình mẫu tử, “Mây và sóng” là một trong những bài hay nhất của tập thơ. Với bút pháp độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và huyền ảo, R.Tagore đã diễn tả một cách sâu sắc tình cảm của đứa con đối với người mẹ. Toàn bài thơ là lời kể của em bé với 2 phần tương đối giống nhau. Mỗi phần được kết cấu theo trình tự: Lời mời gọi - lời từ chối - sáng tạo trò chơi của bé.  Phần đầu bài thơ, em bé kể chuyện mình được “những người sống trên mây” rủ đi chơi. Dù lời mời hấp dẫn, dù rất muốn đi nhưng em đã từ chối vì: "Mẹ tôi đang đợi ở nhà / Làm sao tôi có thể bỏ mẹ tôi mà đi được?”. Rồi em đã nghĩ ra một trò chơi mà em cho là thích hơn:

“Con sẽ là mây và mẹ sẽ là trăng.
Con sẽ lấy hai tay trùm lên người mẹ,
Và mái nhà sẽ là bầu trời xanh thẳm”.
  
Phần thứ hai là lời mời gọi, rủ rê của “những người sống trong sóng nước” . Lời mời rất hấp dẫn và dù rất muốn đi, nhưng em bé đã từ chối bởi: “Buổi chiều, mẹ tôi luôn luôn muốn tôi ở nhà với mẹ / Làm sao tôi có thể bỏ mẹ tôi mà đi được?" Em lại nghĩ ra một trò chơi mới:
                        
“Con sẽ là sóng, mẹ sẽ là một bờ biển lạ lùng.
Con sẽ lăn, lăn, lăn mãi và vỗ vào gối mẹ, cười vang.
 Và không một ai trên cõi đời này biết nơi đâu mẹ con ta đang ở .”
  
Bằng tư duy nghệ thuật của một thiên tài, R.Tagore đã xây dựng nên hình tượng “mây” và “sóng” đầy sức biểu cảm để diễn tả một chủ đề không mới trong văn học - chủ đề tình mẹ con. Qua bài thơ, R.Tagore còn muốn khẳng định rằng sức mạnh của tình mẫu tử có thể giúp con người vượt qua được mọi thử thách, mọi cám dỗ trong cuộc đời.
 
Như thế, những bài thơ trong tập “Trăng non” của R.Tagore không chỉ là lời ngợi ca thế giới tâm hồn thánh thiện của trẻ em mà còn là những bài học về tình yêu thương, về thái độ ứng xử dành cho người lớn.

*R. Tagore (1861- 1941): Nhà thơ vĩ đại của đất nước Ấn Độ, Giải Nobel Văn học năm 1913. Di sản của R.Tagore rất đồ sộ với 52 tập thơ, 42 vở kịch,12 tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, hơn 2000 ca khúc( trong đó có quốc ca Ấn Độ), 63 tập tiểu luận và gần 3.000 bức tranh.
Buổi sơ khai

Bé hỏi mẹ :
"Mẹ ơi, con từ đâu đến vậy.
Mẹ đã nhặt được con ở tận nơi nào ?"
Mẹ ôm chặt bé vào lòng, và trả lời
nửa cười, nửa khóc :
"Con ơi con, con đã được giấu kín trong lòng mẹ
như chính những thèm khát, ước mơ của nó,
Con ở trong con búp bê của những món đồ chơi tuổi nhỏ của mẹ,
Và mỗi buổi sáng khi mẹ lấy đất sét nặn ra
hình ảnh Chúa Đời của mẹ
thì mẹ đã nặn đi nặn lại con rồi.
Con đã ở trên ban thờ nơi thờ vị thổ thần
Và khi thờ thần đó, đồng thời mẹ cũng thờ con.
Con đã sống trong tất cả niềm hy vọng, thương yêu trong đời mẹ,
và trong cuộc đời của mẹ nữa kia.
Con đã được nuôi dưỡng từ đời này qua đời khác
trong lòng của vị thần linh bất tử đã ngự trị ở nhà ta.
Khi trong thời con gái, trái tim mẹ nở xoè như một đoá hoa
Con đã lượn quanh nó như một mùi hương phảng phất.
Vẻ tươi mát nhẹ nhàng của con
nở trên chân tay non trẻ của mẹ
như một ánh hồng
trên trời cao
trước buổi bình minh.
Con là đứa con cưng của Thượng đế
là anh em sinh đôi với ánh bình minh,
Con đã theo dòng nước trôi xuống cuộc đời trần tục này
và cuối cùng con đã được đặt vào lòng mẹ.
Khi mẹ ngây nhìn khuôn mặt của con
mẹ như bị ngập trong bao điều bí ẩn;
Và con, vốn là của chung của tất cả mọi người
đã trở thành của riêng của mẹ.
Sợ mất con đi, mẹ đã siết chặt con trên ngực mẹ,
không biết điều kì diệu nào
đã chiếm lĩnh cái kho vàng trên cõi thế
và đặt vào đôi tay mảnh khảnh của mẹ đây ?"

Rabindranath Tagore
 
Đào Xuân Quý dịch

 

Hoàng Trọng Hà