Bắt đầu từ cuối tháng 4.2011, hoạt động của Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Lâm Đồng đã được chuyển sang một giai đoạn mới – giai đoạn sau đại hội lần thứ nhất. Ngay sau khi “nhậm chức” Chi hội trưởng, TS Lê Hồng Phong – giảng viên chính Đại học Đà Lạt – đã phát biểu: “Hầu hết hội viên Chi hội chúng tôi là những người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian sống tại Đà Lạt). Và do vậy, tôi cho rằng Tây Nguyên chính là mảnh đất màu mỡ về văn hóa dân gian để anh chị em hội viên chúng tôi tiếp tục gắn bó trong việc nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá…”.
PV: So với các chi hội khác trong Hội VHNT Lâm Đồng thì Chi hội VNDG là chi hội có số lượng hội viên ít nhất thì phải. Tuy nhiên, nhìn vào tiềm lực thì đây là một chi hội mạnh của Hội VHNT Lâm Đồng và của cả Hội VNDG Việt Nam. TS có cho là như thế?
TS Lê Hồng Phong: Ở phạm vi quốc gia – Hội VNDG Việt Nam – thì tôi không dám chắc. Còn trong phạm vi Lâm Đồng, tôi có thể nói thế này: Trong 15 hội viên hiện có của Chi hội VNDG Lâm Đồng thì 100% người có bằng từ cử nhân trở lên; trong đó gồm một PGS-TS, một TS, 7 ThS và 6 hội viên còn lại là cử nhân. Tôi cho rằng, thế mạnh lớn nhất của Chi hội VNDG Lâm Đồng chúng tôi chính là hàm lượng chất xám khá cao; sản phẩm của hội viên chủ yếu là các đề tài khoa học về văn hóa dân gian, các bài báo khoa học, các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội từ cấp trường đến cấp bộ, cấp nhà nước, các sách sưu tầm-nghiên cứu chung và riêng… Một trong những thế mạnh của Chi hội VNDG Lâm Đồng nữa là, hầu hết các hội viên là những người làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội hiện đang giảng dạy tại Đại học, là những người nắm giữ một số cương vị chủ chốt ở các cơ quan văn hóa hoặc quản lý văn hóa của tỉnh…
Ngay từ khi mới thành lập (10.2009, lâm thời), đội ngũ những nhà nghiên cứu của Chi hội VNDG Lâm Đồng đã định hình nên nhiều hướng nghiên cứu và hình thành các nhóm nghiên cứu khá rõ. Hướng nghiên cứu liên văn hóa (văn học – văn hóa học), với định hướng và tư vấn của PGS-TS Phan Thị Hồng, gồm một số hội viên là cán bộ giảng dạy tại Khoa Ngữ văn và văn hóa học thuộc Đại học Đà Lạt. Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu so sánh, với định hướng và tư vấn của TS Lê Hồng Phong, sự “vào cuộc” với quyết tâm cao của các hội viên có trình độ thạc sĩ như Lưu Thị Hồng Việt, Lê Thị Quỳnh Hảo, Nguyễn Thị Quỳnh Như… nhóm đã công bố 10 bài trên tạp chí khoa học chuyên ngành, trong đó có những bài về truyện cổ Tây Nguyên hoặc so sánh với sử thi Tây Nguyên. Và, nhóm thứ ba, mặc dầu xuất phát điểm của các thành viên Ngọc Lý Hiển (CN, “nhóm trưởng”), Mai Minh Nhật (ThS), Lê Thị Nhuấn (ThS)… có sự khác nhau nhưng trong quá trình làm việc đã tỏ rõ thế mạnh của sự liên kết giữa các thành viên theo hướng nghiên cứu dân tộc học – nhân học và cả âm nhạc dân tộc học. Nhìn chung, trong các hướng nghiên cứu và nhóm nghiên cứu đó thì hướng nào cũng có những ưu điểm và những thành tựu nghiên cứu đáng ghi nhận.
PV: Một câu hỏi có vẻ hơi… công thức nhưng vẫn nêu ra đây: Xin TS điểm qua một vài công trình mà các tác giả hội viên Chi hội đã hoặc đang thực hiện?
TS Lê Hồng Phong: Quả thật là chúng tôi không thể thống kê một cách đầy đủ các công trình khoa học hoặc các bài báo khoa học mà hội viên Chi hội đã thực hiện trong nhiều năm qua. Tôi chỉ xin nhấn mạnh điều này: Trong các thành tựu đã đạt được, theo đánh giá của Hội cấp trên, vấn đề đáng quan tâm là các tác giả đều hướng công việc nghiên cứu của mình đến địa phương tỉnh Lâm Đồng, đến Tây Nguyên và rộng hơn là cả khu vực. Với riêng đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học còn khá trẻ tuổi của Chi hội chúng tôi, chỉ cần lướt qua các đề tài nghiên cứu của họ trong thời gian gần đây cũng đủ để thấy rõ việc họ đã dành tâm huyết của mình cho mảnh đất mà họ đang sống như thế nào. Đó là những công trình “Sự chuyển biến trong hôn nhân và gia đình của người Churu ở tỉnh Lâm Đồng” (của ThS Mai Minh Nhật, sinh năm 1983), “Tổng điều tra về lễ hội của các dân tộc Mạ, Kơho, Churu” (ThS Lê Thị Nhuấn, sinh năm 1981), “Nghiên cứu truyện cổ Raglai” (ThS Ngô Thành Vinh, sinh 1974), “Đặc điểm nữ nhân vật sử thi Tây Nguyên” (ThS Võ Thị Thùy Dung, sinh 1979), “Văn hóa mẫu hệ Mnông” (ThS Lê Thị Thanh Đạm, 1975)…
Lớp trẻ là vậy. Còn nếu như phải kể ra đây “thành tích” của những người thuộc lớp “gạo cội” thì người trước tiên cần được nhắc đến là PGS-TS Phan Thị Hồng, Trưởng khoa Ngữ văn và văn hóa học (Đại học Đà Lạt). PGS-TS Phan Thị Hồng đã có một bề dày nghiên cứu đáng nể trong nhiều năm qua: “Giông nghèo tám vợ - Tre Vắt ghen ghét Giông” (trường ca dân tộc Banar, 1996), “Hệ thống nhân vật trong mối quan hệ với các đề tài – cốt truyện của sử thi anh hùng Tây Nguyên” (đề tài cấp bộ, 2004 – 2006), “Những câu chuyện bên bờ sông Dakbla” (truyện dài dân gian Banar, 1999), Nhóm sử thi dân tộc Bana –Kon Tum (Nxb Văn học, 2006)…
PV: Nhìn vào các công trình, hội viên của Chi hội có vẻ như khá gắn bó với mảnh đất Nam Tây Nguyên và Tây Nguyên. Nhưng thú thật, điều mà chúng tôi băn khoăn là hầu hết các công trình nói trên chủ yếu là những nghiên cứu riêng lẻ, chưa mang tính tập thể cao. Như vậy, với sự ra đời và đi vào hoạt động của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp nhưng mang tính đặc thù cao là Chi hội VNDG, chắc chắn trong tương lai không xa, Chi hội sẽ có những công trình tập thể, thưa TS?
TS Lê Hồng Phong: Tôi xin khẳng định lại lần nữa: Tây Nguyên là mảnh đất màu mỡ để chúng tôi tiếp tục khai phá, nghiên cứu! Và như vậy, toàn thể anh chị em hội viên chúng tôi rất gắn bó với mảnh đất Nam Tây Nguyên – nơi chúng tôi đang sống và làm việc, và với cả Tây Nguyên. Điều tôi vừa nói là có cơ sở. Chỉ xin lấy một ví dụ cụ thể: Trong hơn mười năm qua, một số hội viên hiện nay của Chi hội chúng tôi là Nguyễn Vũ Hoàng, Đinh Bá Quang, Lê Hồng Phong, Ngọc Lý Hiển… đã bỏ khá nhiều công sức cho việc thực hiện một số đề tài liên quan đến văn hóa vật thể và phi vật thể của các tộc người thiểu số Lâm Đồng, trong đó không thể không nhắc đến “Địa chí Lâm Đồng”(Nxb VHDT).
Còn về “định hướng”? Có quá nhiều điều để nói! Bởi có lẽ là do “tham vọng khoa học” của chúng tôi quá lớn chăng? Cũng có thể, nhưng quan trọng hơn cả là vì mảnh đất Nam Tây Nguyên và Tây Nguyên này còn quá “màu mỡ” cần đến các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và những hội viên chúng tôi với tư cách là những người làm nghiên cứu phải “chạm tay vào” để góp phần lưu giữ cho con cháu muôn đời sau. Tất nhiên, đó là một cách nói. Còn công việc cụ thể, tôi xin tiết lộ: Ngay trong năm 2011 này, chúng tôi sẽ hoàn thành và xuất bản một công trình khoa học chung của cả tập thể theo hướng nghiên cứu so sánh với sự đầu tư của Hội VHNT lâm Đồng. Năm sau – 2012, chúng tôi tiếp tục đăng ký với Hội VNDG Việt Nam một công trình chung theo hướng nghiên cứu liên ngành. Và, năm cuối của nhiệm kỳ - 2013, một tuyển tập công trình của các hội viên sẽ được thực hiện nhân kỷ niệm 120 năm Đà Lạt và 55 năm Đại học Đà Lạt hình thành và phát triển.
PV: Xin chân thành cảm ơn TS Lê Hồng Phong! Xin chúc những dự định của Chi hội VNDG Lâm Đồng sớm thành hiện thực!