Tiền tiêu hải đảo quê tôi! Xa thật xa mà luôn trong tâm tưởng không chỉ người Quảng Nam, Đà Nẵng, miền Trung gồng gánh Hoàng Sa tên gọi… nên từng hồi từng khắc, khắc ghi… hiện lên giữa biển Đông đã tụ hội trong tâm thức những người lương thiện.
Đoàn chúng tôi chỉ ít người trên đường ra đảo Ngọc thử vận nghiên cứu bóng dáng Huyền Trân, lúc trở về kinh đô bà bị gió xô nên vào đây trú ẩn… Động lòng phận gái thuyền quyên vì sự mở mang bờ cõi, Ngô Thì Nhậm đã tán dương bằng vần thơ Đường luật vế cuối còn ghi “Oán hận ưng tùy triều thủy trướng, Giang thôn tích lịch tố hàn canh”, ông đồ Vũ Đình Liên phỏng dịch “Oán hờn theo sóng trào dâng mãi, Xóm bến mưa dầm đêm loạn canh”. Đảo Ngọc Cù lao Hàn còn có tên gọi đảo Huyền Trân do Vua Quang Trung ban tặng. Lẽ ra chúng tôi đến chiều thứ bảy ngày 18/6/2011 nhưng vân vũ kéo đen trời, biển cuồn cuộn sóng, phải chờ đến sáng chủ nhật 19/6 khi thuận trời Nam, gió Nam mai bạt cả gió nồm phương Bắc, chiếc tàu lướt từ bờ biển Nam Ô Xuân Thiều ra Hòn Chỗ. Thuyền trưởng và trưởng đoàn liên hồi hướng về dãy núi Hải Vân, qua bãi Sứng, bãi Lài, Đá Bạc, Bà Đa, Rạng Cạn, Đá Bỗ, mũi Nhồi, hòn Giơi… Mỗi tên gọi gắn liền với hình tượng cùng sự kiện. Bỗng dưng con tàu nhảy cao, lắc lư bởi dưới dòng nước đại dương có những cơn xoáy ốc, nên đã có câu: Đi bộ thì khiếp Hải Vân/ Đi thủy thì sợ sóng thần Hang Giơi.
Cù lao Hàn cách hang Giơi khoảng 500m, biển xanh bao quanh, có độ cao trên 250m, có tháp Hải Đăng cả ngàn cấp bước, trụ cột ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế. Cửa ra vào của các đội quân xa và lạ những thời dương oai đã tan tác… Thử đặt ra thời đại văn minh giao lưu kỹ thuật toàn cầu đang hướng về tôn trọng danh chính ngôn thuận, danh dự không chỉ ở một lời nói, một con người mà cả dân tộc… Há lẽ nào ai đó phản bội lòng tin đẩy dòng giống Việt thâm sâu nghĩa tình, ước vọng an lành hữu hảo vào những kỷ niệm Bạch Đằng Sát Thát.
Trên đảo có đủ loại hoa trái cùng san hô đang mùa nở rộ. Những bạn trẻ gái trai, những người lao động đang xây cầu cảng, đang dựng bãi tắm tiên. Họ đến từ Lăng Cô, Thừa Lưu, Mỹ Lợi hòa với những chàng trai cô gái bách khoa, âm nhạc, kiến trúc Đà Nẵng… không hẹn mà gặp giữa Cù lao Hàn lộng gió, trữ tình cùng nghĩa cử của những người áo xanh biên phòng trấn giữ giao lưu tâm sự… Những con hàu, con ốc, những con vú nàng hình cổ Hy Lạp ngàn năm giống chiếc nón đội đầu che mưa nắng… Họ lặn, họ khẽ, họ nướng, họ săn, họ ăn trên đảo thanh bình, vọng về đất liền tưởng đến đảo xa nơi thấm đẫm máu xương bao đời vun đắp gìn giữ để con cháu hôm nay và mai sau tận hưởng không gian đất trời biển đảo.
Vốn dĩ dân tộc Việt khiêm cung biết dựa núi cao rừng rậm, biết phóng tầm mắt ra biển cả, ước mơ luôn được ươm mầm ngay từ khi chưa chào đời còn trong bào thai của mẹ về bản năng tự vệ qua những lời ru, qua ước vọng thầm lặng, từ đó đã kết thành dòng, thành suối, thành núi, thành nước, thành đất, thành đồi, thành đảo gần đảo xa hội tụ chính trong châu thân của người Việt. Và từ trên Cù lao Hàn đảo Ngọc đang phảng phất hồn phách ngàn năm những gương anh hùng hào kiệt biến thành sinh linh tổ tiên hội tụ trên môi miệng của từng người tóc xanh tóc trắng.