Làng Vũ Đại ngày nay

09:06, 14/06/2011

(LĐ onlien) - Chúng tôi muốn về thăm làng Vũ Đại không chỉ để tìm hiểu nguyên mẫu các nhân vật trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao như: Chí Phèo, Lão Hạc, Đời thừa…; mà còn muốn tận mắt chứng kiến công nghệ kho cá truyền thống lâu đời bỗng trở nên nổi tiếng của làng Đại Hoàng…

(LĐ online) - Chúng tôi muốn về thăm làng Vũ Đại không chỉ để tìm hiểu nguyên mẫu các nhân vật trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao như: Chí Phèo, Lão Hạc, Đời thừa…; mà còn muốn tận mắt chứng kiến công nghệ kho cá truyền thống lâu đời bỗng trở nên nổi tiếng của làng Đại Hoàng…

Kỳ I: Từ làng Vũ Đại xưa… đến nhà Bá Kiến nay…

Con đường từ trung tâm thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam về làng Vũ Đại mất khoảng 30 cây số. Chúng tôi đã ghé thăm “Nhà tưởng niệm Nam Cao”, viếng mộ nhà văn – liệt sĩ Trần Hữu Tri; thăm gia đình em trai nhà văn – ông Trần Hữu Đạt… trước khi đến nhà Bá Kiến cách chừng 1 cây số.
 
Nhà Bá Kiến
Ngôi nhà Bá Kiến

Làng Vũ Đại trong các tác phẩm của Nam Cao là làng Đại Hoàng (trước thuộc Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; nay là xóm 11, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Theo sử sách, sở dĩ làng có tên Đại Hoàng, bởi đây là nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nhặt được một bé gái, nhận làm con nuôi và đặt tên là Đại Hoàng. Sau dân làng lấy tên Quận chúa Đại Hoàng đặt cho làng để nhớ ơn. Làng Đại Hoàng cũng như nhiều địa phương khác ở các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định (Hà Nam Ninh cũ) theo đạo Thiên Chúa. Trên đường đi, chúng tôi thấy có đến 3-4 nhà thờ đang được xây dựng với quy mô rộng lớn.

Là vùng đất nghèo, nhưng có lẽ do ảnh hưởng về đức tin, nên người dân khá gắn bó với quê hương, đồng ruộng… Có những ngôi nhà được xây dựng từ thời cụ kỵ, mái nan, gạch trần…, nay con cái, cháu chắt vẫn sinh sống chẳng mảy may suy chuyển. Nhiều khu vườn vẫn giữ được cái ao từ thuở xưa, chỉ khác nay xây được bờ gạch xung quanh thật vuông vức. Hình ảnh ruộng lúa, bãi ngô, bờ tre, gốc chuối, hàng cau… thân thương của làng quê Việt Nam hiện diện thật đậm nét… Có lẽ vì thế con người nơi đây vẫn giữ được vẻ hồn hậu, dân dã từ lời nói tới nếp ăn ở…

“Vườn hiện thực Nam Cao” là công trình tri ân nhà văn nằm ngay bên đường ở xóm 9, xã Đại Hoàng. “Nhà tưởng niệm Nam Cao” được khánh thành vào năm 2004, nằm trong khuôn viên “Vườn hiện thực Nam Cao”, có 2 cái ao rất rộng ở mặt trước và bên trái được xây bờ và lối đi xuống ao kiên cố. Trong nhà tưởng niệm có bàn thờ nhà văn Nam Cao; tủ trưng bày các tác phẩm của ông và một góc trưng bày các kỷ vật của nhà văn lúc sinh thời, gồm: giường, tủ bằng gỗ lim… Trong khuôn viên “Vườn hiện thực Nam Cao” có phần mộ nhà văn – liệt sĩ Trần Hữu Tri, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ở quê, nhà văn Nam Cao còn một người em kém 7 tuổi, nay đã ngoài 90, đang sống cùng con cháu trên mảnh đất của tổ tiên là ông Trần Hữu Đạt. Ông Đạt từng công tác trong ngành phát thanh và nghỉ hưu năm 1976.
 
Góc kỷ vật của Nam Cao
Góc kỷ vật của nhà văn Nam Cao


Nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo được lấy từ nguyên mẫu có thật là Nghị Bính, tức Trần Duy Bính, xuất thân từ một nông dân nghèo. Do khôn ngoan lọc lõi, Nghị Bính giàu lên, mua quan chức cho mình: từ phó lý, lên lý trưởng, sau làm chánh Tổng Cao Đà. Do “làm được việc” và cũng khéo giao thiệp với quan trên, nên sau đó, Nghị Bính được làm đến chánh huyện hào (đứng hàng trên 10 chánh tổng trong huyện), từng là nghị viện Bắc kỳ, được triệu về kinh đô Huế dự lễ tế Nam Giao…

Nghị Bính có 5 vợ và 12 con (3 trai, 9 gái). Các bà vợ đều được sắm sửa cơ ngơi riêng có vườn cây, ao cá… Con trai cả của Nghị Bính là Binh Tảo (nguyên mẫu trong truyện của Nam Cao) tính thật thà, chậm chạp. Con trai khác là Cửu Hoè (nhân vật Lý Cường), làm lý trưởng. Vì nắm quyền sinh, quyền sát trong tay, nên Nghị Bính muốn lấy vườn tược, đoạt nhà, chiếm ruộng của ai là lấy cho bằng được. Ai đã đọc tác phẩm Lão Hạc cũng thấy lão Hạc đã khốn khổ đến chết khi Bá Kiến âm mưu chiếm vườn nhà lão.

Nhà văn Nam Cao lúc ấy cũng sinh sống tại làng Đại Hoàng. Khi đưa nguyên mẫu Nghị Bính vào nhân vật Bá Kiến, nhà văn đã bị rất nhiều rắc rối, như doạ lấy ruộng, doạ bỏ tù, bị các quan làng gây sự, ảnh hưởng đến thân phụ ông… Có người khuyên ông nên đưa gia đình đi lánh nạn… Mãi đến khi tri huyện mới về nhậm chức, lý dịch trong làng Đại Hoàng mang quà đến mừng, tri huyện nói: “Tôi có người bạn học là Trần Hữu Tri, các vị về cho tôi gửi lời hỏi thăm” thì mọi chuyện mới được êm xuôi từ đó…

Nhà Nghị Bính chính là nguyên mẫu của “Ngôi nhà Bá Kiến”. Nhà có 3 gian, có 16 cột gỗ lim, chân kê đá tảng xanh được đẽo gọt công phu, mái lợp ngói nan, hai đầu bờ dốc có đấu vuông giật cấp; xà cái được trạm trổ hoa văn vảy rồng; cửa ghép bức bàn; ngoài hiên có hàng dại bằng gỗ lim để che mưa, che nắng. Nhà có chiều dài 9,6m, rộng 6,8m, sân gạch dài 9,6m, rất rộng, nhưng nay chỉ còn 2m. Toàn bộ hệ thống cổng, tường bao, tường hoa, cây cảnh, bể non bộ, bể nước ăn… nay không còn nữa. Đây chỉ làm nơi thờ cúng của gia đình Nghị Bính. Còn Nghị Bính ở với bà Ba trong ngôi nhà 5 gian phía tây, bên cạnh. Ngôi nhà Bá Kiến đã qua 7 đời chủ. Thực ra, Nghị Bính đã lừa người chủ thứ ba (được thừa kế nhà từ ông – cha, do chơi bời, nghiện ngập, cờ bạc… thường vay tiền của Nghị Bính) ký vào văn tự bán nhà.

Thời chống Pháp, gia đình Nghị Bính đi tản cư, lâu lâu mới có người về thăm nhà cửa, ruộng vườn, ao chuôm. Đến năm 1963, ông Trần Duy Tảo (con trai Nghị Bính) bán cho ông Trần Hữu Hậu giá 4.500 đồng (khoảng 10 cây vàng thời đó). Ông Tảo cũng bán cổng bằng gỗ lim và nhiều vật dụng khác trong nhà. Khi ông Hậu mất, ông Trần Hữu Hoà (cháu ruột ông Hậu) được sở hữu ngôi nhà này. Tháng 11 năm 2007, Ngành Văn hoá – Thông tin tỉnh Hà Nam đã mua lại “ngôi nhà Bá Kiến” với giá 700 triệu đồng từ vợ ông Trần Hữu Hoà và giao cho Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Lý Nhân quản lý.

Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền về tay nhân dân, bộ máy phong kiến sụp đổ, Nghị Bính đi tản cư lên Nhân Giả (Nhân Khang, Lý Nhân bây giờ). Nhưng khi ốm nặng, được con cháu đưa về quê, chết cuối năm 1948. Khác hẳn với Nghị Bính, con, cháu, dâu, rể lại có nhiều người theo cách mạng, đi bộ đội… Cháu đích tôn của ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện nghỉ hưu đang sống tại làng Đại Hoàng.

“Ngôi nhà Bá Kiến” so với nhà của nhiều gia đình ở làng Đại Hoàng ngày nay chẳng thể bằng, nhưng nó là chứng tích cuối cùng của thế lực phong kiến từng làm mưa làm gió ở làng Đại Hoàng ngày xưa. “Ngôi nhà Bá Kiến” bây giờ còn nguyên hiện trạng là 3 gian nhà gỗ. Tuy đã bị thời gian và thời tiết làm cho cảnh quan xuống cấp và tồi tàn. Nhưng, với cốt nhà làm hoàn toàn bằng gỗ lim, nên trải qua bao năm tháng chất gỗ chỉ xuống màu mà không hề bị mối mọt. Từ khi được Phòng Văn hoá tiếp nhận, ngôi nhà đóng cửa thường xuyên và chỉ được mở khi có khách yêu cầu. Bên trong chưa được phục chế nên không có đồ đạc gì. Vườn trước, vườn sau đều trồng chuối ngự. Vườn chuối Đại Hoàng trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao là nơi phởi phát tình cảm của Chí Phèo và Thị Nở - những kẻ khốn khổ chợt tìm thấy nhau và mong muốn có một cuộc sống mới mà không được. Và trong không gian của làng Vũ Đại ngày nay, vẫn hiện diện một chiếc lò gạch khiến người ta liên tưởng đến cảnh xuất hiện của Chí Phèo và cũng là nơi Thị Nở nghĩ đến khi chợt lo lắng về cái bụng đang lùm lùm lên của mình…

(Còn nữa)

Kỳ sau: Làng Vũ Đại ngày nay: … Từ niêu cá kho truyền thống… đến công nghệ kho cá xuất khẩu…

Lê Hoa