Một lần đến Wieliczka - Di sản văn hóa thế giới

02:06, 01/06/2011

Wieliczka, nơi tôi đến và cả những con đường Ba Lan tôi đang đi, một ngày nào đó, rồi cũng sẽ rời khỏi giấc mơ của tôi?

Con đường từ cố đô Krakow đến mỏ muối Wieliczka* chạy giữa những ngọn đồi thoai thoải. Nắng tháng tám dịu dàng, tỏa sáng những vòm cây, những mảnh vườn xinh xắn, những ngôi nhà. Hai bên đường, những cây phong, thùy dương, lipa … vẫn còn xanh sắc lá. Không bao lâu nữa, chúng sẽ chuyển sang màu vàng – màu đặc trưng của mùa thu châu Âu. Nhìn những thiếu nữ Ba Lan hồn nhiên, vô tư tản bộ trên hè phố, bất giác tôi lại nhớ đến những câu thơ của X.Exenin: 

“Với mái tóc rộm vàng như kiều mạch                                                                            
Mãi mãi rồi em rời khỏi giấc mơ”.
 
Wieliczka, nơi tôi đến và cả những con đường Ba Lan tôi đang đi, một ngày nào đó, rồi cũng sẽ rời khỏi giấc mơ của tôi?  
  
Mười người chúng tôi chưa một ai từng đặt chân tới Wieliczka, dù có đến sáu thành viên trong chuyến đi này đã sống ở Ba Lan không dưới mười năm và cũng đã đến Krakow không ít lần, mà thị trấn Wieliczka – nơi có mỏ muối - chỉ cách chừng 20 cây số! Quả như ông bà ta nói: “Gần nhà xa ngõ”. May có những người bà con từ Đức, từ Mỹ sang thăm Ba Lan, chúng tôi mới tổ chức được chuyến đi này. Riêng tôi, mười lăm năm trước đã có dịp đến Krakow thăm một người bạn. Bạn tôi, chủ nhiệm khoa Sử của một trường đại học, đang thực tập ở đây. Thấy tôi đến, anh rất vui và muốn đưa tôi đi thăm thú vài nơi vì Krakow là một địa danh rất nổi tiếng. Anh rủ tôi đi tham quan mỏ muối. Tuy đã ở đây khá lâu nhưng anh cũng chưa biết cái mỏ này nó tròn méo ra sao. Bấy giờ đang là giữa tháng Một. Ngoài trời âm 12 độ C, tuyết rơi lả tả, tôi bỗng thấy ngài ngại. Nghĩ ngợi chán chê, chúng tôi quyết định không đi đến mỏ, mà đi đến quán rượu gần nhà!  
  
Lần này, đã được nghe giới thiệu mỏ muối Wieliczka - một bảo tàng dưới mặt đất, nhưng trong ý nghĩ của tôi thì mỏ nào mà chẳng thế. Và mỏ muối chắc phải là một nơi “hầm hố” hơn. Vậy mà khi đến nơi, cảnh tượng lại hoàn toàn trái ngược. Trước mắt chúng tôi là một tòa nhà giản dị trông giống như nhà ga xe lửa nằm trên một ngọn đồi thấp với rất nhiều cây xanh và hoa. Có rất nhiều du khách đang xếp hàng để vào cửa. Ai cũng phải mua vé với giá tiền khoảng gần 20USD. Nếu chụp hình, quay video phải mua thêm vé dán vào máy. Theo một con số thống kê, hàng năm mỏ muối đón khoảng 800 ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới. Cô cháu gái của tôi tốt nghiệp đại học ở Warszawa, nói tiếng Ba Lan như người bản xứ, nhận trách nhiệm xếp hàng mua vé cho cả mười người. Khách tham quan sẽ được chia thành từng nhóm, mỗi nhóm gồm những người nói cùng thứ tiếng như: Anh, Pháp, Đức… Nhóm khách nói thứ tiếng nào sẽ có người hướng dẫn bằng thứ tiếng ấy đi theo để thuyết minh. Nhóm chúng tôi chọn tiếng Ba Lan. Có cô cháu đi cùng, chúng tôi có thêm một người phiên dịch rất am hiểu lịch sử, văn hóa ở đây. 
 
Nhà thờ lớn trong hầm mỏ.
Nhà thờ lớn trong hầm mỏ.
  
Thang máy đưa chúng tôi xuống thành phố ngầm dưới mặt đất. Tôi không tránh khỏi một chút hồi hộp vì mình đang đi vào “lãnh địa của Diêm Vương”. Cách đây hàng triệu năm, nơi này vốn là biển. Rồi một ngày trái đất bỗng rùng mình. Biển đột nhiên biến mất. Nước biển rút đi, để muối kẹt lại thành đá trong lòng đất, trở thành một món quà quý giá mà Thượng Đế ban tặng cho con người. Magnum Sal (Đại Muối – tên gọi khác của mỏ) đã được khai thác từ thế kỷ XIII với đường đi lối lại trong lòng đất giống như một mê lộ khổng lồ có tổng chiều dài khoảng 320 km, chia làm 9 tầng ở những độ sâu từ 64m tới 327m. Nhiệt độ trong hầm mỏ chỉ khoảng 14 độ C. Với người châu Âu, nhiệt độ này thật mát mẻ và dễ chịu. Còn tôi, một gã “da vàng, mũi tẹt”, “thấp thước nhẹ cân” phải dùng tới chiếc áo gió mỏng vẫn luôn mang theo bên mình.  
  
Chúng tôi bắt đầu một chuyến bộ hành dài 3,5 km với hơn hai giờ đồng hồ trên con đường mà Johann Wolfgang von Goethe, Dmitri Ivanovich Mendeleev, Giáo hoàng John Paul II, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và nhiều nhân vật lừng danh khác đã đi. Đường hầm tuy hơi hẹp lại đông người, nhưng ai nấy đều đi đứng nhẹ nhàng và trật tự. Hành trình tham quan sẽ đưa tất cả mọi người lần lượt đến với nhà nguyện, nhà hát, nhà thờ, nhà điều dưỡng, quán bar, gian hàng lưu niệm … trong lòng đất. Người Việt Nam có câu: “Sinh nghề tử nghiệp”. Hơn ai hết, những người thợ mỏ Ba Lan là những con người mang tinh thần ấy. Không hài lòng với sự tạm bợ, họ đã tạo nên một không gian sinh hoạt thật hợp lý, thuận tiện và bền vững cho mình ngay cả trong điều kiện rất khó khăn dưới mặt đất. Để làm được điều này, các kỹ sư và công nhân mỏ đã phải giải quyết một bài toán sinh tử: hệ thống chống đỡ đảm bảo an toàn cho các tầng hầm ở các độ sâu khác nhau. Tôi và nhiều người khác, chắc cũng như tôi, không hiểu bằng cách nào họ đã giải được bài toán ấy, nên chỉ còn biết ngưỡng mộ mà thôi! Đâu chỉ có vậy. Những bức tượng, những bức tranh được chạm khắc rất công phu trên các vỉa muối, có thể xem là những kỳ tích về nghệ thuật, hoàn toàn không do những nghệ sĩ chuyên nghiệp mà do chính bàn tay của những người thợ mỏ - những con người ngày đêm cần cù lao động đem những hạt muối từ lòng đất sâu đến cho đời - đã tạo ra.
  
Mọi người đi chậm rãi và cố gắng hít sâu vào phổi của mình không khí trong hầm mỏ như lời khuyên của người hướng dẫn, bởi như thế sẽ rất tốt cho sức khỏe. Dường như trong không khí có vị mặn của muối, mà cũng có thể là vị mồ hôi của những người thợ mỏ? Các dụng cụ khai thác muối rất thô sơ tại phòng trưng bày ở đây đã nói lên một cách thầm lặng những nỗi vất vả, cay cực trong công việc của người thợ mỏ với chúng tôi. Nghề thợ mỏ còn là một nghề khá nguy hiểm. Người Ba Lan lại rất mộ đạo. Vậy nên người ta đã làm nhà nguyện để cầu sự bình yên, sự chở che của Chúa. Trên đường đi, có lúc nhóm chúng tôi phải dừng lại chờ trong ít phút, bởi nhóm du khách đi trước chưa nghe xong lời thuyết minh của người hướng dẫn. Đến hồ nước mặn, tôi nghe nói nước trong hồ này có độ mặn gấp bảy lần nước biển và nếu chẳng may ai đó có sẩy chân rơi xuống, dù không biết bơi cũng không thể chìm được. Nước hồ trong vắt, phẳng lặng. Ven hồ có vô số những đồng tiền xu lấp lánh đã nằm im phía dưới tự bao giờ chẳng rõ. Nhà hát hôm nay không có buổi hòa nhạc, song những giai điệu của Chopin vẫn vang lên dìu dặt trong ánh đèn lung linh huyền ảo gieo vào lòng du khách những cảm xúc tuyệt vời.  
  
Theo cầu thang gỗ xuống sâu hơn sẽ đến nhà thờ lớn. Gọi là nhà thờ lớn quả không ngoa! Nơi đây có thể tổ chức hành lễ cho hơn 1.000 con người và nơi đây cũng đã từng diễn ra lễ cưới của nhiều đôi trai gái. Trong những bức phù điêu, tượng các thánh, những sự tích kinh thánh được chạm khắc lên tường; bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng” phỏng theo nguyên tác của Leonard de Vinci phải mất đến 70 năm để hoàn thành - bằng thời gian của một đời người. Con số này đã nói lên rất nhiều về lòng mộ đạo cũng như sự kiên trì của những người thợ mỏ. Chúng tôi dừng lại rất lâu trước tượng công chúa Kinga. Công chúa đã qua đời vào năm 1292. Năm 1999 Đức Giáo hoàng John Paul II đã phong Thánh cho bà. Cuộc đời của bà gắn với huyền thoại nên thơ về mỏ muối Wieliczka.
  
Chuyện kể rằng Béla Đệ tứ, vị vua vĩ đại của Hungary - người đã lãnh đạo nhân dân Hung chiến đấu chống lại quân Mông Cổ tàn bạo trong thế kỷ XIII - có một người con gái tuyệt đẹp tên là Kinga. Vừa mới chào đời, Kinga đã biết nói. Theo lời sấm truyền, thông qua Kinga, Chúa Trời sẽ khai sáng và giúp đỡ một dân tộc láng giềng của Hungary. Khi nàng tròn 15 tuổi, vì tình giao hảo giữa Hung và Ba Lan,  Kinga đã được gả cho Boleslaw, Hoàng thân xứ Krakow. Trước khi nàng theo chồng về Ba Lan, vua Béla Đệ tứ hỏi con gái muốn lấy gì để làm của hồi môn. Công chúa trả lời rằng cô muốn một món quà cho mọi người dân Ba Lan nhưng chưa biết là cái gì. Cha của Kinga rất cưng chiều con gái nên hứa sẽ đồng ý khi nào cô nghĩ ra được món quà này. Những năm sau đó, Hungary và Ba Lan bị quân Mông Cổ chiếm đóng. Vợ chồng Kinga - Boleslaw cũng phải phiêu bạt nhiều nơi. Chiến tranh kết thúc, Kinga về thăm cha và có dịp đến thăm một mỏ muối ở vùng Erdély. Nhìn những tảng muối trắng, lập tức cô nghĩ đến người dân Ba Lan của mình - những người chỉ được dùng loại muối phơi khô từ nước biển. Nhớ lại lời hứa năm xưa của vua cha, Kinga xin cha cho mình mỏ muối này như của hồi môn, để có thể chở thẳng muối từ đây về Ba Lan. Vua cha đồng ý. Nàng công chúa bèn thả chiếc nhẫn cưới xuống hầm mỏ để khẳng định quyền sở hữu của mình đối với mỏ muối. Trở về Ba Lan cùng tốp thợ mỏ người Hung được vua cha cử đi theo, Kinga đã mở mỏ muối ở vùng ngoại ô Krakow. Năm 1251, khi tảng muối đầu tiên được đưa lên từ mỏ Wieliczka, một điều kỳ diệu đã xảy ra: những người thợ mỏ đã tìm thấy chiếc nhẫn của nàng công chúa!   
  
Câu chuyện chiếc nhẫn được tìm thấy có thể chỉ là huyền thoại. Nhưng trong trái tim của mỗi người Ba Lan, công chúa Kinga mãi mãi là biểu tượng tuyệt đẹp cho tấm lòng thơm thảo của một nàng dâu ngoại quốc đối với quê chồng, là vị thánh che chở cho những người thợ mỏ.
 
***
 
Chiếc thang máy đưa chúng tôi trở lại mặt đất. Rời Wieliczka trong chiều thu ấm áp, trên tay tôi là tảng muối nhỏ bé màu trắng mà tôi đã mua tại gian hàng lưu niệm để làm kỷ vật cho chuyến đi. Nhìn tảng muối tinh khiết, trong tôi lại hiện lên hình ảnh những người thợ mỏ Ba Lan ngày trước – những người “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”. Họ không hề giống với những con người nghèo khổ, bị vắt kiệt sức lực trong công việc của mình như tôi vẫn hình dung khi chưa biết nơi này. Họ thực sự là những nghệ sĩ tài hoa với tâm hồn tự do, đầy hứng khởi. Có như thế mới tạo nên được một thế giới kỳ diệu trong lòng đất Wieliczka. Thế giới kỳ diệu ấy đã nói với nhân loại rất nhiều về tình yêu cái đẹp, tài năng và đức tính cần cù, lao động sáng tạo của con người Ba Lan. Tôi bỗng hiểu vì sao đất nước ấy đã sản sinh ra những nghệ sĩ thiên tài như A.Mickiewisz, F.Chopin, Czeslaw Milosz, W.Symborzka… 
 
Warszawa tháng 8 – 2008
Đà Lạt tháng 5 - 2011
Bút ký: Hoàng Trọng Hà