Đó là ông Nguyễn Tùng Châu, bạn cà-phê của tôi, dây mơ rễ má qua bạn bè chúng tôi trở thành đôi bạn vong niên, tôi kém ông hơn nửa thế kỷ.
- Làm gì phải hỏi ai, đóng tàu thì cứ hỏi tao đây này!
Thì ra ông là một trong 75 sinh viên khoa Cơ khí Đóng tàu thủy đầu tiên của Việt Nam (Niên khóa 1961 - 1965). Trước đó Trường Đại học Giao thông Vận tải chưa có khoa này. Thầy hiệu trưởng là Nguyễn Nhật Quang, hiệu phó kiêm Bí thư Đảng ủy là Bùi Thu, trưởng khoa Cơ khí Tàu thủy là thầy Nguyễn Trí. Mới đầu những môn cơ bản học chung, sang phần chuyên môn thì tách thành hai ngành, vỏ tàu và máy tàu. Ông Nguyễn Tùng Châu theo học ngành chế tạo máy tàu.
Kỹ sư Châu cho biết: Đóng tàu thủy là một ngành cơ khí đặc biệt, có luật đóng tàu quốc tế. Từ thiết kế đến chế tạo thành một con tàu phải tuân thủ chặt chẽ theo luật đóng tàu và luật hàng hải. Không tuân thủ theo luật thì tàu đóng ra không được nghiệm thu của Đăng kiểm Quốc tế. Nghĩa là tàu sẽ không được ghé vào các cảng biển quốc tế để bốc dỡ hàng, tiếp nhiên liệu hoặc mua nhu yếu phẩm. Không có quyền lợi cũng như sự bảo trợ của quốc tế, nhất là khi gặp sự cố cần được cứu hộ… Lúc ấy Việt Nam phải nhờ Cục Đăng kiểm Liên Xô đứng ra kiểm định (được sự ủy quyền của Đăng kiểm Quốc tế). Đóng một con tàu đâu phải chuyện đơn giản, cần sự tham gia của rất nhiều ngành chuyên môn. Vỏ tàu, máy tàu là hai ngành chính, còn có máy phụ, điện, vô tuyến, cần cẩu, máy neo, rồi nghề hàn, nghề tiện, nghề phay, nghề nguội, nghề sơn… Vật liệu chế tạo phải qua thử thách trên đất liền hàng chục năm mới được ứng dụng vào tàu thủy để đảm bảo an toàn. Đó là luật quốc tế.
Trời ạ, tôi lè lưỡi, ai ngờ làm một cái tàu thủy lại rắc rối, khắt khe đến vậy. “Thế trước đó bác làm nghề gì?” - Tôi hỏi ông. Một thoáng trầm ngâm nghĩ ngợi, cặp mắt nheo lại xa xăm, Nguyễn Tùng Châu nói tiếp, chậm rãi như ôn lại đời mình.
- Tôi sinh ngày 14/2/1931 tại làng Lộc Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cách mạng tháng Tám bùng nổ thì khai tăng tuổi đi bộ đội đánh Pháp, ở Quân Giới Liên Khu V. Tôi chuyên sửa chữa súng, đạn, chế tạo bom mìn, lựu đạn, sau này thì sản xuất Bazoka, SKZ, DKZ… theo thiết kế của Cục Quân Giới Việt Bắc gửi vào. 1954 tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, vừa công tác vừa học tập, rồi vào Trường Đại học Gi
ao thông như đã nói với anh.
Tốt nghiệp Đại học Giao thông năm 1965, Nguyễn Tùng Châu về nhận công tác tại Phòng Tiêu chuẩn Ty Đăng Kiểm ở số 12 phố Điện Biên Phủ - Hải Phòng. Một hôm Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng yêu cầu đăng kiểm giám định nghiệm thu một con tàu để cho xuất xưởng. Ty Đăng Kiểm cử bốn cán bộ kỹ thuật xuống làm thủ tục nghiệm thu. Châu chịu trách nhiệm nghiệm thu máy tàu. Sau khi lập biên bản để bắt đầu nghiệm thu, anh phát hiện máy tàu chạy không êm, không giòn, nhưng kết luận trục trặc ở xi-lanh nào thì không dám quyết. Bởi nếu tháo máy ra mà không đúng như đã “phán” thì đăng kiểm phải chịu phạt. Anh trình với bác Lê Nhu, trưởng phòng, mời bác xuống. Nghe máy chạy, bác Nhu khẳng định xi-lanh số 4 hỏng. Lập tức máy được tháo ra và quả đúng như thế. Bác Nhu được các đồng nghiệp mệnh danh là con hùm xám trong kiểm định máy tàu. Bác xuất thân là thợ máy tàu biển, từng thực tập và sống ở Nhật nhiều năm.
Cũng vào năm 1965, nhóm kỹ sư Châu nhận trách nhiệm kiểm tra một tàu Ý vào cảng Hải Phòng. Sau khi kiểm tra tất cả các hạng mục và lập biên bản cần thiết theo luật hàng hải. Thuyền trưởng người Ý tiếp đoàn cán bộ đăng kiểm tại phòng khách của tàu. Trong phòng khách trưng bày rất nhiều tranh ảnh, hàng hóa mỹ nghệ, có cả thuốc lá và rượu. Chỉ cần một người trong đoàn nhìn lâu vào một vật gì đó, thuốc lá hay rượu bia chẳng hạn, lập tức thứ hàng đó được lấy xuống và mang đến biếu ngay cho đoàn. Nhưng lúc bấy giờ cấm ngặt, không được nhận bất cứ vật gì, dù nhỏ, do các tàu nước ngoài tặng. Trưa hôm ấy thuyền trưởng mời cơm, thực ra là ăn mì ống Ý xào thịt băm. Những sợi mì (spagheti) dài lòng thòng lại không quen sử dụng cùi dĩa - phóc sết nên đoàn ta lúng túng. Khổ nỗi người Ý rất lịch sự chờ khách dùng trước. Cuối cùng thì trưởng đoàn Đăng Kiểm Việt Nam dùng dao ăn cắt nhỏ ra từng đoạn rồi dùng thìa xúc. Trái lại, người Ý sau khi thấy Việt Nam dùng thìa, họ dùng nĩa cắm vào từng sợi mì rồi quấn tròn lại trên cái nĩa đưa vào mồm, rất gọn. Đoàn ta hơi xấu hổ, nhưng lúc ấy chưa từng tiếp xúc với ẩm thực châu Âu, có thể thông cảm được.
Tiếp xúc với ông Nguyễn Tùng Châu, tôi thấy bao giờ ông cũng thận trọng, chắc chắn trong từng việc nhỏ. Có lẽ vì vào đời ông đã tiếp xúc với bom mìn, súng đạn. Ông hứa giúp ai việc gì là làm ngay, đến nơi đến chốn, được ông mời đến quán cà-phê mà mình chậm vài phút là rất sợ. Ông yêu cơ khí chính xác là phải, chệch một tí, không được.
- Có lần, - Nguyễn Tùng Châu kể - tôi không chấp nhận tình trạng máy tàu, bệ tàu gia công chế tạo sai (với luật) chút ít. Nhà máy dọa: “Nếu anh không nghiệm thu mà máy bay Mỹ đánh phá chìm tàu anh chịu trách nhiệm”. Tôi cự lại: “Mỹ không báo trước lúc nào nó đánh phá con tàu, nhưng nếu tàu không đạt yêu cầu mà nghiệm thu cho xuất bến, ra đại dương nó chìm ai chịu trách nhiệm?”. Và tôi giữ ý kiến đó, mặc dù đấy là quyết định khó khăn, có thể dẫn đến thu bằng cấp và phải nghỉ việc.
- Bác có trực tiếp tham gia đóng con tàu nào không? - Tôi hỏi.
- Có chứ. Năm 1965, khóa đóng tàu đầu tiên của chúng tôi được thực tập và tham gia đóng con tàu 1.000 tấn đầu tiên của Việt Nam tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Hải Phòng. Trước đó ta chỉ đóng những tàu công suất và trọng tải nhỏ, chạy đường sông hoặc ven biển. Tôi nhớ con tàu đó mới đóng xong phần vỏ chưa kịp lắp máy thì máy bay Mỹ oanh tạc nhà máy nên phải lai dắt sang Trung Quốc gửi. Sau đó tôi đi học nước ngoài và số phận con tàu ấy ra sao tôi cũng không được rõ.
Tháng 4 năm 1967, ông Châu sang Cộng hòa Dân chủ Đức học tập và nghiên cứu theo chế độ thực tập sinh khoa học. Ông học ngành Cơ khí chính xác và Quang học ứng dụng. Với vốn tiếng Pháp, tiếng Hoa nay lại thêm tiếng Đức, ông tìm đến các thư viện tham khảo được nhiều tài liệu quý. Qua trao đổi Giáo sư Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Đức Hellmuht Dummler có cảm tình đặc biệt nên nhận ông là con nuôi. Trong cương vị trưởng đoàn thực tập sinh khoa học tại Đức, Nguyễn Tùng Châu luôn giúp đỡ anh em đồng nghiệp hết lòng, ai cũng quý mến, kính trọng một người chính trực mà rộng lượng, nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, thông minh, khiêm tốn và ham học.
Sau 1975, đất nước thống nhất, Nguyễn Tùng Châu về Đà Lạt - Lâm Đồng công tác, chuyển cả gia đình 1 vợ 2 con từ Hà Nội vào. Thế là từ biển lên núi. Già rồi, làm Giám đốc Sở Công nghiệp ông tạo mọi điều kiện cho cán bộ dưới quyền được học tập. Sợ quên tiếng Đức, ông dịch cuốn tiểu thuyết “Máu của người khác”, đem đến Tạp chí Lang Bian của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, dài quá bị Ban Biên tập từ chối in, họ khuyên ông viết truyện ngắn. Một thời gian sau ông vào Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng và trở thành cây bút văn xuôi chủ chốt của Hội.
Người xưa nói: “Bần gia sinh quý tử”. Từ một học sinh nghèo hay chữ của miền quê Sơn Tịnh - Quảng Ngãi ông ra đi làm cách mạng, kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ở trong rừng, được Đảng, Nhà nước cho ăn học đến nơi đến chốn. Người kỹ sư đóng tàu thủy khóa I của Trường Đại học Giao thông Vận tải lại trở thành nhà văn khi về già. Suốt đời đam mê cống hiến và không ngừng học hỏi. Giờ đây nhiều người trong số 75 sinh viên khóa đóng tàu thủy đầu tiên của Việt Nam ngày đó đã qua đời. Nhưng Nguyễn Tùng Châu vẫn nhắc đến họ, đến các thầy. Trong tuyển tập truyện ngắn “Sóng vẫn vỗ bờ” của ông do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2009, ta thấy lại bóng dáng kỹ sư Nguyễn Tùng Châu cùng các đồng nghiệp thuở ngành đóng tàu thủy Việt Nam đang còn là trứng nước.