Nhạc sĩ Hoàng Lân: Người của công chúng trẻ em

03:06, 08/06/2011

“Đi học về là đi học về/ Em vào nhà em chào cha mẹ/Cha em khen rằng con rất ngoan/Mẹ âu yếm hôn đôi má em” – câu hát như một bài học đầu đời về lễ nghĩa mà nhiều thế hệ trẻ em không ai không thuộc, nhưng để nhớ tên tác giả thì người nhớ, người quên. Đó là bài hát của Hoàng Lân - Hoàng Long.

“Đi học về là đi học về/ Em vào nhà em chào cha mẹ/Cha em khen rằng con rất ngoan/Mẹ âu yếm hôn đôi má em” – câu hát như một bài học đầu đời về lễ nghĩa mà nhiều thế hệ trẻ em không ai không thuộc, nhưng để nhớ tên tác giả thì người nhớ, người quên. Đó là bài hát của Hoàng Lân - Hoàng Long.
 
Nhạc sĩ Hoàng Lân - Người của công chúng trẻ em tại Nhà sáng tác Đà Lạt
Nhạc sĩ Hoàng Lân - Người của công chúng trẻ em tại Nhà sáng tác Đà Lạt

Tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Lân luôn gắn liền với người anh trai song sinh là nhạc sĩ Hoàng Long. Từ những ca khúc: Ngọn lửa nhiệt tình lao động, Nếu bạn muốn tìm tôi, Em đi thăm miền Nam, Cô giáo vùng cao (1959) ông sáng tác từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã được thế hệ thanh niên lúc bấy giờ nhiệt thành đón nhận. Đặc biệt bài hát Em đi thăm miền Nam đã gây được tiếng vang lớn và phổ biến rộng rãi trong nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Càng ngày ông càng bộc lộ rõ thiên hướng khả năng sáng tác cho trẻ thơ. Đã trải qua một tuổi thơ dữ dội, quan sát trẻ em chơi đùa, sự hồn nhiên của các em mang đến cho tác giả những xúc cảm lớn. Âm nhạc của Hoàng Lân trong sáng, giản dị, dễ phổ biến, ca từ ngắn gọn, dễ nhớ dễ thuộc. Đi học về (1961), Lái xe hơi (1961), Bác Hồ - Người cho em tất cả (1975), Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác (1978), Thật là hay (1982), Mùa hè ước mong (1982), Vì sao con mèo rửa mặt?, Bác đưa thư vui tính, Cùng múa hát dưới trăng, Đàn cá dưới chân nhà sàn (1983), Hát ở trại hè quốc tế (1983), Qùa mùng Tám tháng Ba… được các em thiếu nhi yêu thích, ngày hôm nay vẫn vang lên ở các trường mầm non và trong các liên hoan của các em.

Phần lớn sáng tác dành cho tuổi thơ, nhưng tuổi thơ của nhạc sỹ Hoàng Lân không mấy suôn sẻ. Ông lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt. Bố mất từ khi nhạc sĩ mới 10 tháng tuổi; mẹ dạy học, rồi đi bước nữa. Hai anh em ở với bà nội tại Sơn Tây (Hà Nội) cho đến khi khôn lớn. Có chung niềm đam mê với âm nhạc từ thuở nhỏ. Hoàng Long - Hoàng Lân tìm đến với âm nhạc bằng niềm say mê và tinh thần cần cù tự học. Âm nhạc đã nâng đỡ họ, tiếp thêm ý chí, nghị lực để họ vươn lên trong điều kiện khó khăn hiếm có. Có những bài hát Hoàng Lân viết, Hoàng Long tham gia và ngược lại. Cũng có những bài, một trong hai người hình thành chủ đề âm nhạc đầu tiên, rồi người kia tiếp tục phát triển cho hoàn chỉnh cả bài. Có một số bài, một người viết rồi người kia góp ý một vài nốt nhạc, ca từ, xong hai anh em nhạc sĩ vẫn ký tên chung. Sau này dần tách riêng thành từng tác giả. Từ những ca khúc thành công đầu tiên khi 2 anh em nhạc sĩ mới 17 tuổi đến những sáng tác mới nhất tại trại viết Đà Lạt đã nói lên một chặng đường lao động nghệ thuật bền bỉ và nghiêm túc của nhạc sỹ Hoàng Lân.

Song hành cùng những sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Lân còn được biết đến như một nhà sư phạm âm nhạc. Ông tham gia giảng dạy tại các Trường CĐ SP nhạc họa TW, CĐ nghệ thuật Hà Nội, viết sách giáo khoa, viết chương trình giảng dạy, thẩm định chương trình, tập huấn cho giáo viên dạy nhạc và đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, phổ cập âm nhạc trên toàn quốc. Ông là người xây dựng biên soạn cuốn sách âm nhạc đầu tiên trong nhà trường, làm cho âm nhạc trở thành một môn học chính thức góp phần cùng với các môn học khác giáo dục toàn diện thế hệ trẻ. Những ngày ở Đà Lạt, ông vẫn mang theo những bản thảo sách giáo khoa đang biên soạn để góp ý, chỉnh sửa phương pháp dạy nhạc trong nhà trường. Ông vẫn kịp cho ra đời bản hợp xướng dành cho thiếu nhi Đà Lạt: Em yêu Đà Lạt quê hương.

Cùng với những ca khúc, hợp xướng nhạc phim hoạt hình, nhạc múa rối nước cho trẻ em, nhạc sĩ Hoàng Lân còn có nhiều tác phẩm nhạc khí và ca khúc trữ tình dành cho người lớn như: Chiều Hội An, Đường 9 Khe Sanh vang danh cả nước… mới đây là viết về Đà Lạt mộng mơ: “Lãng đãng mây bay trên hồ Xuân Hương/Lặng đứng ngẩn ngơ bên rừng thông Đà Lạt/ Rừng núi ngàn cây trong chiều mờ hơi sương/ Bỗng tiếng lòng ta rung lên thành câu hát…” Đó là cảm xúc chân thành của ông khi đặt chân đến Đà Lạt. “Hạnh phúc lớn nhất là mỗi khi được nghe bài hát của mình vang lên từ công chúng” - ông tâm sự. Đến Hội An, niềm vui trào dâng khi được nghe Chiều Hội An và qua Internet ông được nhận những lời cảm ơn của một người dân Quảng Trị về bài hát “Đường 9 Khe Sanh vang danh cả nước”. Có những ca khúc, sáng tác rồi quên bẵng đi, đến khi nghe công chúng hát và nhắc đến tên mình như “Bài ca sư phạm Việt Bắc”, ông mới nhớ mình đã từng sáng tạo ra nó. Tại Đà Lạt, khi nghe họa sĩ Vi Quốc Hiệp hát “Nếu bạn muốn tìm tôi”, thuộc lòng cả bài, ông rất xúc động, bài hát tưởng chừng như đã qua mà vẫn sống trong lòng công chúng. Và một lần sang Đức ông đến thăm một trường học, được nghe các em thiếu nhi Đức hát trên nền nhạc bài Đi học về của mình, “Lúc đó mới biết bài hát của mình đã được dịch qua tếng Đức” - Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên. Nhưng niềm hạnh phúc lớn lao hơn cả là những bài hát của ông được thiếu nhi yêu mến đón nhận, và vang lên từ tiếng hát trong trẻo. Hơn 50 năm, cuộc đời hoạt động âm nhạc, dù làm rất nhiều công việc khác nhau, nhạc sĩ Hoàng Lân vẫn luôn chỉ nhận mình là người của công chúng trẻ em.
 
QUỲNH UYỂN