Như tia nắng sau cơn bão

02:06, 22/06/2011

Nhân chuyến công tác ở một huyện thuộc vùng hạ lưu sông, tôi ghé thăm chủ doanh nghiệp nuôi ba ba, tặng ông tờ báo có bài viết ca ngợi doanh nhân năng động, làm giàu cho mình và tích cực góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Nhân chuyến công tác ở một huyện thuộc vùng hạ lưu sông, tôi ghé thăm chủ doanh nghiệp nuôi ba ba, tặng ông tờ báo có bài viết ca ngợi doanh nhân năng động, làm giàu cho mình và tích cực góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Ông chủ doanh nghiệp đang đi tư vấn kỹ thuật ở tỉnh bạn, một tuần nữa mới về. Hai đứa con ông lúc đầu tưởng tôi đến mua hàng, niềm nở đón tiếp. Khi biết chuyện của tôi, họ đổi khác.

Cô em chừng 29-30 tuổi, lạnh lùng: “Để ông cháu mài báo ra mà ăn, mà làm từ thiện”… Anh con cả thì ngược lại, cẩn thận pha nước chè, cử chỉ rất lịch thiệp: “Cảm ơn bác. Làng em và xung quanh nhiều gương tốt lắm. Bác muốn viết nữa thì gặp họ. Với ông em, như thế là đủ. Cụ già rồi, lẩn thẩn quá. Nuôi ba ba thì cũng lặn lội sớm khuya. Có được ít lời lãi, báo chí đưa tin, nhiều người biết, đến đề nghị làm từ thiện. Họ muốn “véo” một, thì ông cụ đưa tới hai, ba… Chẳng mấy mà lại đói! Mong bác thông cảm”. Riêng con bé ôsin thì không nói gì. Nó cầm tờ báo chăm chú đọc…

Ra khỏi cổng, tôi nghe tiếng anh chủ nhà đay nghiến: "Con kia! Đưa ngay tờ báo vào bếp lửa. Cấm được chuyền cho ai!". Tại tôi mà con bé bị vạ! Nhưng rồi tôi cũng không thể ngờ được, sau đó cuộc sống của nó đã chuyển sang một hướng khác nhanh chóng đến thế…

Số là, hai ngày sau cái vụ gã nọ quát ôsin đốt tờ báo, có chiếc ô tô màu đen bóng nhoáng đỗ trước cổng doanh nghiệp. Một người đàn ông dáng điệu sang trọng tìm gặp ông “Vua ba ba”. Thì ra, ông ta muốn hợp tác để đưa đặc sản ra thị trường thế giới. Ông chủ chưa về, anh con trai cả “thấy hơi đồng thì mê”, săn đón khách, phục vụ quá xá. Khách không lãng phí thời gian, liền gửi chủ 5 triệu đồng gọi là “đặt chỗ”; lại hỏi tác giả bài báo có ở gần đây không, để đến cảm ơn, vì nhờ bài báo mà họ biết về ông “Vua ba ba”. Anh con trai nhanh nhảu: “Đấy là anh em trong họ. Người ngoài sao mà viết được chi tiết như thế (!) Phong bì cảm ơn, bác cứ để đây. Gia đình chuyển cho”. Nhưng anh lái xe ý nhị hỏi: “Nhà báo ấy tên là gì, ở đâu?”. Chủ không nhớ. Thế là khách không nhờ nữa. 

Bỗng con bé ôsin chạy tới, nói rất hào hứng: “Nhà báo Văn Nam, ở số nhà 45, phố Chợ…”. Rồi nó tất tả chạy vào mở hòm tư trang mang tờ báo ra. Lập tức, chủ của nó giật tờ báo, trợn mắt quát: “Con này giỏi, tao đã bảo mày đem đun bếp cơ mà”. Rồi hắn túm tóc nó, kéo xềnh xệch về phía cửa bếp: “Vào lấy đồ của mày, cút xéo ngay!”. Con bé nằn nỉ xin được ở lại. Nó cố gắng bày tỏ việc hôm trước nó cất giữ tờ báo là để sau đưa cho ông chủ doanh nghiệp… Nhưng càng nằn nỉ thì lại càng làm cho tình cảnh lao nhanh đến chỗ không còn đường cứu vớt.

Ông khách hiểu ra cơ sự. Đợi con bé vừa khóc vừa xách cái hòm gỗ xoan đựng tư trang ra, ông nhẹ nhàng chào gia chủ. Rồi vừa dắt nó đi, ông vừa ân cần hỏi nó: “Con có muốn đi học để sau này làm nhân viên tiếp thị ở chỗ chúng ta không?”. Con bé ngước nhìn ông. Mắt nó sáng lên lạ lùng, như tia nắng đầu tiên sau cơn bão.

PHẠM XƯỞNG