Tạo hóa sinh ra muôn loài vốn đã hoàn thiện để tồn tại trong giới hạn của nó. Duy chỉ có con người mới biết làm ra trang phục bổ sung cho những nhu cầu nảy sinh trong xã hội: bảo vệ sức khỏe, tôn vinh con người, phân biệt giới tính, địa vị xã hội…
Việt Nam ta có tất cả 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống của riêng mình đã tạo nên bản hòa sắc đa dạng, phong phú trong dàn hợp xướng văn hóa Việt Nam. Với người Chăm, một dân tộc có truyền thống, tập tục và bản sắc văn hóa độc đáo, không chỉ là chủ nhân của những ngọn tháp Chăm huyền bí, ám ảnh, họ còn sáng tạo nên những trang phục có màu sắc rực rỡ, với một rừng các họa tiết mang đậm dấu ấn riêng.
Vũ nữ Chăm. Ảnh: Thanh Đạm |
Dân tộc Chăm sống theo chế độ mẫu hệ, do đó theo phong tục, con gái Chăm ngoài việc học hành và làm những công việc xã hội còn bắt buộc phải ở bên cạnh người mẹ để học dệt theo cung cách cổ truyền do tổ tiên để lại. Nhờ vào đấy mà nghề dệt thổ cẩm không bị mai một. Ngày nay, thổ cẩm Chăm vẫn được dệt bằng phương pháp thủ công, bên cạnh đó là việc tìm tòi, nghiên cứu, cách điệu các hoa văn truyền thống của người nghệ sĩ Chăm. Thay vì như trước đây, chỉ có khoảng 36 loại hoa văn thì nay đã có trên 50 loại hoa văn khác nhau. Sản phẩm Chăm, trước kia, chỉ có váy và khăn choàng thì giờ đây có thêm túi xách, ba lô, khăn bàn, khăn trải giường, ví các loại… đã góp phần đưa sắc màu rực rỡ của thổ cẩm Chăm đến với người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn, bởi tính hiện dụng cao pha trộn với vẻ đẹp truyền thống. Ngoài ra, chất liệu vải đầy ấn tượng này đã được các nhà thời trang chú ý và đưa vào bộ sưu tập của mình. Từ đó, sắc màu thổ cẩm Chăm được khuếch trương trên các sân khấu thời trang tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và sau nữa là Singapore, Tokyo, Berlin…
Thoạt nhìn, thổ cẩm Chăm rất giống sản phẩm của nhiều dân tộc khác, đặc biệt là một số loại thổ cẩm ở miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên như về màu sắc, họa tiết trang trí, chất liệu vải… Song nếu quan sát kỹ, ta sẽ nhận ra sự khác biệt và vẻ độc đáo của loại hình sản phẩm mang tính nghệ thuật cao này: cách bài trí cảnh, sự phối màu… Thổ cẩm Chăm sợi thường thô, to điều này nói lên sự mạnh mẽ của người Chăm mà cũng thật mềm mại. Thổ cẩm Chăm có độ dày, hoa văn rực rỡ và thiên về các màu sắc tương phản nhưng sự phối màu lại rất hài hòa, tinh tế. Hoa văn mang những nét đặc trưng riêng về bố cục, màu sắc, lối trang trí, tạo nên sự phong phú đa dạng nhưng vẫn thể hiện một sự thống nhất cao về tính hình học và cách điệu hóa. Các hoa văn này phản ánh thế giới quan của người Chăm về vũ trụ và thiên nhiên. Đó là những hoa văn về hiện tượng tự nhiên, mặt trời, cỏ cây, hoa lá, núi non, sông nước, các loại động vật và những biểu tượng khác…
Không giống như phụ nữ Chăm, rất ưa chuộng việc sáng tạo và khoác lên mình những tấm thổ cẩm đẹp sặc sỡ, đàn ông Chăm thuần túy trung thành với sắc trắng trong trang phục quần áo dài của mình. Hàng trăm năm đã trôi qua, nhưng những người đàn ông Chăm vẫn tôn trọng sắc trắng, và luôn sử dụng chúng trong các cuộc hội hè, các buổi lễ linh thiêng dưới chân tháp cổ…
Thổ cẩm Chăm-một chất liệu mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm, trải qua bao biến cố của lịch sử vẫn mang trong mình những nét đặc trưng riêng, khu biệt với những sản phẩm của các dân tộc khác, họa tiết trang trí độc đáo, hoa văn mộc mạc, đơn giản, không cầu kỳ, màu sắc rực rỡ, tươi sáng đầy ấn tượng mà đặc biệt vẫn là lối dệt thủ công truyền thống đã và đang ngày càng được yêu thích trên thế giới.