Nhiều lần tôi tự nhủ: "Phải viết cho thiếu nhi..." Mãi mà vẫn chưa được.Cái khó nhất là tâm hồn phải thật trong .Vâng, trong sáng hồn nhiên là tính chủ đạo thể nhập trong thơ thiếu nhi. Vì thế mà ít người viết. Thơ dành cho thiếu nhi trở nên hiếm hơn cũng là vì lẽ đó
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Tuy nhiên, đến bài “Bắn chim”: “Anh cho ná / em bắn chim / Dạo quanh vườn/ em ẩn núp/ Kìa chim chích / mắt tròn xoe / Chim lượn lờ/ Chim khiêu khích/ em đuổi bắn/ em bắn rơi/ Này rụng rồi/ hai chiếc lá...” Tác giả đã khôn khéo đặt vào câu kết "Hai chiếc lá rụng" thay vì một chú chim bị bắn rơi !. Dù vậy, tôi cho rằng điều hay nhất của chúng ta là hướng các em yêu các loài vật, yêu thiên nhiên và không nên giết hại những sinh vật bé nhỏ, đáng yêu này.
Sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên, nhà thơ nghe tiếng chiêng như tiếng chim hót: “Tiếng em thì bé con con/ Như chim hót ở bên vườn sớm mai” (Gia đình nhà chiêng). Hai câu thơ hay ! Hay, bởi cách nhìn tốt đẹp trong hệ tộc nhà chiêng. Cho đến chuyện cái chữ từ lâu nhọc nhằn cất giữ, đã được lý giải: Vội vàng chữ mất/ chậm rãi chữ còn/ Học hành chăm ngoan/ chữ không trốn chạy (Chuyện cái chữ). Đó là cách lý giải hồn nhiên nhất mà bài thơ có được. Từ chỗ này tôi nghĩ viết cho Thiếu Nhi phải có cái lý, cái tài mới mong được các em đón nhận. Vì có ý sắp đặt đấy, mà tự nhiên như không.
Chúng ta thử đọc bài thơ “Cháy rừng”: “Cánh rừng đã cháy mất rồi/ Cả con chim cháy hết lời líu lo/ Tiếng gà cũng rụi thành tro/ Sớm mai vắng lặng, chỉ lờ mờ sương/ Cánh rừng cháy, vạt đất nung / Nghe như có lửa trong lòng đang thiêu!”. Chưa nói đến cái hay, cả sáu câu thơ là lời cảnh báo, một thông điệp mà ngay từ nhỏ các em cũng nên biết. Tôi hoan nghênh bài thơ đã xuất hiện đúng lúc.Thơ nói với các em về một viễn cảnh sẽ mất đi vĩnh viễn cái thế giới đẹp đẽ, nếu ngay bây giờ các em không chung tay gìn giữ.
Tôi tin ở sức mạnh của thơ, “Đêm đom đóm” từng con chữ sáng bừng lên trong đêm tối trời. Và lời nhắc nhở cũng cần thiết và đáng yêu không kém !
* “Đêm đom đóm” - thơ thiếu nhi của Lê Văn Hiếu - NXB Văn Hóa Sài Gòn 2008.