Vu-Dếch, anh là ai?

03:06, 29/06/2011

Trong tương lai, nếu ai đó định làm một sự thống kê về các nghề nghiệp mưu sinh của dân ta trong đời sống muôn màu muôn vẻ ở hải ngoại, xin hãy đừng quên nghề kéo xe – một nghề mà không ít người Việt tại Ba Lan vẫn làm.

Trong tương lai, nếu ai đó định làm một sự thống kê về các nghề nghiệp mưu sinh của dân ta trong đời sống muôn màu muôn vẻ ở hải ngoại, xin hãy đừng quên nghề kéo xe - một nghề mà không ít người Việt tại Ba Lan vẫn làm.
  
Ở chợ Sân vận động Mười năm Warszawa, nơi có nhiều người Việt buôn bán, nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn, đường đi lối lại chật hẹp, ô tô không vào được. Mỗi khi cần chở hàng, người ta chỉ việc gọi: “Vu-dếch!”(Wózek*) ngay lập tức sẽ được đáp ứng. Cũng giống cách dùng nghề nghiệp gọi thay cho tên thật thường thấy ở quê nhà như “phó cối”, “xe ôm”, “tài xế”... người làm nghề kéo xe ở đây được gọi là vu-dếch theo cách phát âm của người Việt, hay thân mật hơn: “anh u-va-ga” (mỗi khi kéo xe thường hô lên “uwaga” – “chú ý”, để mọi người nhường đường).
 
Wozek trong một Trung tâm Thương mại ở Wolka Kosowska
Wozek trong một Trung tâm Thương mại ở Wolka Kosowska

Những ai chưa từng đặt chân đến các Trung tâm Thương mại ở Wolka Kosowska hoặc Sân vận động Mười năm Warszawa hẳn sẽ không hình dung được thế nào là vu-dếch. Vì rằng nghề kéo xe chỉ có dưới thời thực dân phong kiến, đã chấm dứt từ lâu rồi, làm gì còn khi nhân loại đã bước vào thế kỉ XXI, hơn nữa lại ở giữa thủ đô của một nước văn minh thuộc Cộng đồng châu Âu!
  
Nghề kéo xe ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đã từng được nhà văn Nguyễn Công Hoan mô tả trong truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa”. Theo Nguyễn Công Hoan, người làm nghề kéo xe tay dưới thời thực dân phong kiến thực chất là “ngựa người”, bởi cái công việc nặng nhọc này vốn chỉ dành cho ngựa. Cực chẳng đã, con người mới phải đem chút sức lực còm cõi của mình ra để kiếm ăn. Xin bạn đọc đừng hiểu lầm tôi có ý xúc phạm những người kéo xe. Nói như thế để chúng ta thấy được sự vất vả, cay cực của những người làm nghề này, phải thường xuyên nếm trải sức nặng của mỗi vòng bánh xe cả những lúc nắng thiêu đốt, lẫn những khi băng tuyết ngập đường, phải sử dụng cơ bắp và tiêu hao rất nhiều sinh lực. Trên chiếc xe kéo thời xưa là người. Trên cái vu-dếch ngày nay là hàng hóa. Trọng lượng của con người chỉ năm, sáu mươi cân hoặc nhiều lắm thì một tạ. Một xe vu-dếch chở quần bò cao ngất ngưởng nặng bao nhiêu nếu không phải là ba, bốn tạ?!... Công việc như thế chẳng béo bở gì mà mấy trăm người Việt ở Ba Lan vẫn cứ phải làm bởi một lí do rất đơn giản: ai cũng có thể kéo vu-dếch, miễn là có sức khỏe. Không cần phải qua huấn luyện hay đào tạo như những ngành nghề khác, cũng không cần phải học tiếng và chẳng cần phải có nhiều vốn liếng như những người bán hàng; chỉ với một số tiền nhỏ, rất nhỏ đủ mua một chiếc xe là có thể làm vu-dếch.
  
Nhưng không phải bất cứ người nào cũng kiếm sống được bằng nghề kéo xe. Công việc vất vả này ngoài yêu cầu tối thiểu về cơ bắp, còn phải trông chờ vào một vài điều khác. Ví dụ như quen biết. Muốn làm nghề kéo xe, ít ra cũng phải được chủ hàng biết mặt gọi tên. Chẳng có ai dám giao một lúc mấy chục kiện hàng trị giá vài ngàn USD cho một người mà mình không biết rõ. Những người kéo xe có thâm niên thường thủ sẵn trong điện thoại di động của mình số máy các chủ hàng, các khách quen và nhiều lúc cũng phải nhanh miệng chào mời không khác gì những người bán hàng ở chợ. Mà đúng là “bán hàng” thật sự - bán sức lực của mình. Trong các trung tâm thương mại, người kéo xe thường  ngồi cố định một nơi và chờ điện thoại của khách hàng. Những ai chân ướt chân ráo từ trong nước mới sang, chưa có mối liên hệ quen biết nào cả, ít có cơ may được gọi. Vậy nên vẫn có cảnh người làm không hết việc, người chờ “dài cổ” mà việc chẳng đến cho.
  
Nghề kéo xe không phải là nghề truyền thống như một số loại ngành nghề khác gắn với một làng quê nào đó đã nổi tiếng từ xưa ở Việt Nam. Tuy vậy, trên đất Warszawa này, người làm nghề kéo xe phần lớn lại là con dân của huyện Y. thuộc tỉnh N. Chỉ cần một người sang trước làm ăn được, những người anh em khác cùng làng, cùng xã sẽ sang theo. Cứ như thế, đến nay con số trai tráng của huyện có mặt tại Warszawa đã lên đến hàng trăm, chưa kể một số khác may mắn hơn có chỗ dựa vững vàng là người nhà sang đây từ trước, cư trú hợp pháp, không phải đi kéo xe mà được bán hàng, giữ kho hay làm quán... Ở nhiều miền quê, những người trong độ tuổi lao động nếu không phiêu bạt ở Hà Nội, Sài Gòn... thì xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mã Lai… Không Hàn Quốc, Mã Lai thì Ba Lan, Tiệp Khắc...! Anh bạn vu - dếch nói tưng tửng: “Huyện nhà em phát về đường xuất ngoại. Rồi đến lúc phải lập hội đồng hương huyện thôi, chứ đồng hương tỉnh thì không xuể!”
  
Dẫu là một nghề nhọc nhằn và hao tổn rất nhiều sức lực, nhưng nghề kéo xe vẫn đem lại nguồn thu nhập không chỉ đủ nuôi sống bản thân mà còn có thể “chi viện” cho “hậu phương” thân yêu. Chuyện vu-dếch làm nhà hai, ba tầng ở quê; đưa anh em ruột thịt, vợ con sang Tây đã không còn là chuyện lạ. Một chủ cửa hàng buôn bán áo quần tại Trung tâm Thương mại ASG, Wolka Kosowska đã nhận xét: “Buôn bán trong thời suy thoái khoan hãy nhìn người ta đi xe đẹp, ăn mặc sang trọng, ngồi trước màn hình computer oai phong lẫm liệt mà vội nghĩ họ ăn nên làm ra. Phủi đít đứng dậy sẽ có không ít anh phá sản, chẳng biết lấy cóc khô gì trả nợ cho chủ hàng. Như mấy ông vu-dếch mà lại hay, được đồng nào giắt lưng đồng ấy.” Điều này không phải không có lí. Nhưng có thực nghề vu-dếch đem lại một nguồn thu nhập lớn hay không? Theo lời của một người trong cuộc, nếu chỉ kéo xe không thôi, may ra  đủ sống. Nghĩa là vừa vặn tiền ăn, tiền nhà và có thể cả tiền “nuôi” giấy tờ - nuôi sự cư trú hợp pháp. Muốn có tích lũy, người kéo xe phải kiêm thêm các công việc khác như bốc dỡ hàng hóa từ công-ten-nơ, giao hàng thuê, dọn kho và nhiều việc không tên khác… theo yêu cầu của người mướn. Nghĩa là multi (đa nghề)! Ngoài sức khỏe còn phải biết chịu khó, chịu khổ, luôn luôn sẵn sàng với công việc bất kể ngày đêm, bất chấp thời tiết khí hậu. Việc nhiều, thu nhập cao hơn và sức lực tiêu tốn cũng nhiều hơn. Nhiều người xác định chỉ kéo xe dăm năm, có tí vốn là chuyển sang bán hàng hoặc tìm một công việc khác đỡ nặng nhọc.
  
Nơi đất khách tuy nhiều cay cực, nhưng những người kéo xe vẫn mong muốn có được việc làm thường xuyên. Họ rất lạc quan, vui vẻ. Được hỏi về đời sống sinh hoạt của cánh vu-dếch, một anh bạn đã trả lời: “Ăn đặc sản. Ngủ hotel!”- Anh cười vang rồi nói tiếp: “Dồi trường, tiết canh là đặc sản. Bia Zywiec, rượu Smirnov là hàng ngoại. Ba bốn người ở một phòng hotel có nhân viên dọn dẹp. Như thế đã phải là đời sống cao chưa?”
 
Không nỗi vất vả, cay cực nào có thể làm mất đi lòng yêu đời ở họ. Nếu thỉnh thoảng có “vung tay quá trán” một chút, chẳng sao. Âu cũng là sự bù đắp nguồn năng lượng bị mất đi vì công việc, để tái tạo sức lao động và để khuây khỏa nỗi nhớ nhà, nhớ quê, đặc biệt vào mỗi độ xuân về. Không phải ai cũng có thể trở về sum họp với gia đình trong dịp Tết cổ truyền dân tộc bởi rất nhiều trở ngại... Dăm cái tết tha hương đã trở thành chuyện nhỏ. Nỗi buồn xa xứ được thay bằng những câu chuyện tiếu lâm, như câu chuyện tôi được nghe kể sau đây: Có một người Việt bị Biên phòng Ba Lan bắt vì không có giấy phép cư trú. Anh được đưa vào gặp cán bộ Công an Việt Nam (sang phối hợp với phía bạn giải quyết vấn đề người nhập cư bất hợp pháp). Cán bộ công an hỏi: “Anh sang đây bằng cách nào?” Người bị bắt trả lời: “Dạ. Em đi bộ!” Cán bộ công an hỏi tiếp: “Anh đi bộ cách nào?” Người bị bắt trả lời: “Dạ. Em đi bộ!” Cán bộ công an hỏi tiếp: “Anh đi bộ
  
Quả là chuyện như đùa. Làm sao có thể tin nổi một người đi bộ từ Việt Nam sang đến Ba Lan, hàng chục ngàn cây số, chỉ mất có hai ngày! Nhưng tưởng đùa mà hóa thật. Bởi không có visa, phải đi bộ vượt rừng. Từ biên giới Ukraina hoặc Belarusia sang Ba Lan chỉ mất có một ngày đêm. Và nếu xuất phát từ Cộng hòa Séc, sẽ tốn ít thời gian hơn. Chặng đường trước đó từ Việt Nam sang Ucraina khoảng trên mười giờ bay. Hành trình xuất ngoại của không ít người Việt Nam là thế!
  
Mấy hôm nay thời tiết Warszawa rất lạnh. Ngoài trời mười lăm, mười sáu độ dưới không. Tuyết phủ dày càng làm cho mỗi vòng bánh xe lăn thêm nặng. Có hề chi! Những người kéo xe vẫn miệt mài với công việc của mình. Cầu chúc cho họ “chân cứng đá mềm” và được ở lại bình an trong khi còn chưa thể trở về quê cha đất tổ.
Warszawa, những ngày lạnh giá 2009
Đà Lạt, tháng 6 - 2011
 
* WÓZEK (tiếng Ba Lan): xe đẩy. Người Việt thường gọi người làm nghề kéo, đẩy loại xe này là vu-dếch
 
Bút ký Hoàng Trọng Hà