Cháy bỏng khát vọng vươn tới “VẠN LÝ TRƯỜNG SA”

03:07, 06/07/2011

Sử sách cho thấy đảo Lý Sơn có mối quan hệ mật thiết với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: Đảo Hoàng Sa ở phía Đông cù lao Ré (Lý Sơn), huyện Bình Sơn. Có đến hơn 130 hòn đảo nhỏ cách hoặc một ngày đường hoặc mấy trống canh…, tục gọi là “Vạn lý Trường Sa”.

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải do nhà điêu khắc Hà Trí Dũng dựng trên Lý Sơn
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải do nhà điêu khắc Hà Trí Dũng dựng trên Lý Sơn
Việt Nam có trên 1 triệu km vuông biển đảo; gấp 4 lần đất liền và chiếm 28% diện tích biển Đông. Trong đó 19 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, dân số chiếm gần 1/3 cả nước, đã góp mặt 14 tỉnh có biển đảo. Bờ biển miền Trung dài 1.867 km với nhiều hòn đảo, không chỉ giữ vị thế địa – chính trị quan trọng mà còn là vùng lãnh hải giàu tài nguyên, tiềm lực phát triển kinh tế rất lớn. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) đã đề ra “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” nhằm phấn đấu đưa nước nhà trở thành một quốc gia giàu mạnh về biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường… Gần đây, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục chỉ rõ: “Phát triển kinh tế ven biển, biển và hải đảo theo hướng Chiến lược biển đến năm 2020. Xây dựng hợp lý hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị ven biển… Phát triển mạnh kinh tế biển đảo, khai thác hải sản xa bờ gắn với tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giữ vững chủ quyền vùng biển quốc gia…”.
 
Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 qua, dư luận cả nước và quốc tế hết sức bất bình trước vụ tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 2 của Việt Nam ngay trên vùng biển chủ quyền nước ta. Ngày 29 - 5 – 2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phê phán: “Hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, trái với tinh thần và lời văn Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước”. Bất chấp đạo lý, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những động thái thiếu thiện chí trên biển Đông và biển Đông đang dậy sóng.

Những ngày đầu tháng 7 này, Hội thảo báo Đảng miền Trung – Tây Nguyên tổ chức tại TP Quảng Ngãi về chủ đề tuyên truyền phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia đã đặt ra nhiều vấn đề gay gắt đối với hành vi Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của nước nhà. Tại diễn đàn này, đồng chí Nguyễn Hòa Bình – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi bức xúc cho biết: 5 năm qua, Quảng Ngãi có 64/787 ngư dân bị Trung Quốc bắt. Hiện vẫn còn 21 tàu/130 ngư dân bị nước ngoài bắt chưa trở về với gia đình. Chỉ trong 6 tháng qua, Quảng Ngãi đã có 40 vụ tàu bị Trung Quốc và nước ngoài bắt giữ ngay trên vùng biển chủ quyền thuộc Việt Nam…

Chỉ có “thác, sông, hồ”, không một mét biên giới cũng như bờ biển nhưng người Lâm Đồng luôn hướng tới biển đảo bởi nhận thức sâu sắc về mối quan hệ tổng thể, hữu cơ giữa các vùng miền và trên hết là tình yêu đất nước. Những năm qua, Lâm Đồng liên tục cử những đoàn công tác đi thăm Trường Sa. “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” - Không chỉ góp phần xây dựng những cột phong điện trên quần đảo và phát động phong trào ủng hộ rau xanh, tặng áo len cho bộ đội Trường Sa mà hạt giống rau, hoa Đà Lạt cũng đã vượt ngàn khơi nảy mầm xanh, khoe hương sắc nơi biên hải. Người viết bài này và một số phóng viên của Báo Lâm Đồng vinh dự từng có mặt ở Trường Sa, có người lênh đênh cả tháng trời với các đảo.
 
Về Quảng Ngãi dịp này, chúng tôi hỏi nhau: Tại sao không ra Lý Sơn, một huyện đảo duy nhất của tỉnh? Thế rồi kết thúc hội thảo, anh em đã náo nức ra đảo… Lý do chung là vậy, riêng tôi thì từ ba thập niên trước từng say mê truyện ngắn kiệt xuất “Lý Sơn, mùa tỏi” của nhà văn Nguyễn Thành Long mô tả rất thú vị về đảo này. Mặt khác có anh bạn là nhà điêu khắc Hà Trí Dũng cùng quê Thái Bình, từng là đại biểu Quốc hội mấy khóa trước, đã bỏ mấy năm ra Lý Sơn khảo sát, nghiên cứu, phác thảo, tạc tượng rồi lo lắng với hành trình từ Hà Nội chở mấy chục tấn tác phẩm điêu khắc đá ra Lý Sơn, miệt mài dựng cụm tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Năm trước lên Đà Lạt, nhà điêu khắc tâm sự: Số mình duyên nợ với đề tài lịch sử, mà làm chuyện này nó thiêng lắm, phải dồn hết tâm sức và vắt đến cùng sự sáng tạo. Chính vì vậy, tượng Trần Hưng Đạo ở Côn Sơn (Hải Dương), Nguyễn Đức Cảnh ở Thái Bình và gần đây nữa là cụm tượng các vua Hùng ở Gia Lai đã khẳng định vị thế trân trọng trong tâm linh công chúng, với thời gian. Người quê lúa châu thổ sông Hồng còn vượt gần ngàn cây số ra biển dựng tượng huống chi mình đang chỉ cách Lý Sơn trên 30 km? Phải mục sở thị để biết Lý Sơn, sự tài hoa của nhà điêu khắc thể hiện qua cụm tượng đài toát lên khí phách chinh phục biển cả, bảo vệ chủ quyền dân tộc trên biển Đông!

Chiều trước trên đài quan sát toàn cảnh Khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất, đồng nghiệp Báo Quảng Ngãi chỉ chếch tay về hướng đông bắc và bảo tôi: Lý Sơn là vệt xanh đậm  mờ mờ kia đấy. Thời khắc này, ra biển khá thuận lợi!

Cả đêm thao thức, lục tục dậy từ sớm nhưng khoảng 6 giờ 30 phút chúng tôi mới rời khách sạn Mỹ Trà ra cảng Sa Kỳ. Tàu cao tốc rẽ sóng biển xanh ngắt gần 1 giờ 40 phút thì cập bến Lý Sơn. Khách đi tàu chừng 200 người, phần lớn là dân đảo ra thành phố mua sắm trở về, còn lại là người ra thăm họ hàng, buôn bán hoặc công chức nhân chuyến tàu ngày chủ nhật nên ra để kịp làm việc ngày thứ hai và số ít là du khách. Một thị trấn sầm uất hiện ra và nhộn nhịp kẻ đón, người đưa.

Mới gần trưa mà nắng như dội lửa, biên độ nhiệt chênh với đất liền gần 2 độ C. Mấy anh bạn ở Đài TT – TH và Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Lý Sơn là bạn Phạm Anh – phóng viên Báo Quảng Ngãi đã chuẩn bị mấy chiếc xe máy để đón đoàn song rất may là huyện cũng chờ đón đoàn đại biểu Văn phòng Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp ra thăm nên chúng tôi nhập cuộc, được lên xe máy lạnh đi tham quan luôn.

Ông Phạm Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Đảo cách đất liền 17 hải lý, rộng gần 9 km vuông, 21.000 cư dân sinh sống ở 3 xã (An Vĩnh, An Hải, An Bình), huyện lỵ đóng tại xã An Vĩnh.

Lịch sử vùng đảo có từ lâu. Từ giữa thế kỷ XV, Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán đem quân nhà Lê Trung Hưng vào diệt Mạc, lấy lại Thừa tuyên Quảng Nam và đã theo đường biển đổ quân lên đảo để diễn tập. Thời điểm, đảo có một ít người Chăm sinh sống. Từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, cư dân Việt ra lập nghiệp, lập An Hải phường và An Vĩnh phường. Năm 1808, tổng Lý Sơn thuộc huyện Bình Sơn. Đời vua Đồng Khánh, nằm trong tổng Bình Hà, thuộc huyện Bình Sơn rồi sau lại đặt tổng Lý Sơn. Thời kỳ Pháp thuộc, đảo mang tên Pháp là Paulo Canton. Năm 1931, tổng Lý Sơn đặt là đồn Lý Sơn trực thuộc tỉnh…  Qua nhiều cuộc bể dâu, ngày 1 – 1 – 1993, huyện Lý Sơn thành lập. Lý Sơn hình thành từ 5 ngọn núi: Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Sỏi, Hòn Vung và Hòn Tai..

Đến Lý Sơn, chúng tôi đã ghé thăm Nhà Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải. Tại đây, may mắn gặp Đặng Thị Hiền là hậu duệ của cụ Đặng Văn Xiểm là 1 trong 15 bậc tiền hiền trên đảo Lý Sơn. Học chuyên ngành du lịch, làm thuyết minh bảo tàng, Hiền rất tự hào, hãnh diện khi giới thiệu về lịch sử, truyền thống quê hương. Với âm sắc rành rọt mà không kém phần diễn cảm cuốn hút, Hiền cho biết: Lý Sơn từng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm như  nhà dân tộc học nổi tiếng Condominas (Pháp), nhà khảo cổ học  Andrew Hardy (Anh) và cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, Giáo sư Phan Huy Lê, Ngô Đức Thịnh, Diệp Đình Hoa… 

Các phát hiện khảo cổ học gần đây cho thấy, từ 2.500 – 3.000 năm trước ở Lý Sơn đã có cư dân là chủ nhân của Văn hóa Sa Huỳnh cư trú. Từ cuối thế kỷ XVI, cư dân Việt từ hai bên cửa Sa Kỳ ra sinh sống và 15 người thuộc 15 dòng họ gọi là “thất tộc, bát hiền” trở thành 15 vị tiền hiền của đảo. Sử sách cho thấy đảo Lý Sơn có mối quan hệ mật thiết với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: Đảo Hoàng Sa ở phía Đông cù lao Ré (Lý Sơn), huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ ra, thuận gió thì độ 3,4 ngày đêm có thể đến nơi. Có đến hơn 130 hòn đảo nhỏ cách hoặc một ngày đường hoặc mấy trống canh…, tục gọi là “Vạn lý Trường Sa”.

“Phủ biên tạp lục” (1776) quyển 2 của Lê Quý Đôn mô tả tương đối kỹ về Hoàng Sa, về việc lập đội Hoàng Sa và Bắc Hải: “Triều họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người từ xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên nhau mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đó tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như gươm, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải sâm, hột ốc rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa eo, đến thành Phú Xuân để nộp… Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn tứ chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi… cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”…

Từ thời chúa Nguyễn đến thời Tây Sơn và sau là các vua Nguyễn, những binh phu ven biển chủ yếu là dân Lý Sơn từng vâng mệnh triều đình ra Hoàng Sa để đo đạc hải trình, dựng miếu, đo vẽ bản đồ, cắm mốc các đảo, xác lập chủ quyền. Sách “Đại Nam thực lục”, chính biên (soạn xong năm 1861) ghi: Bính Thân, năm Minh Mệnh, thứ 17 (1836), theo Bộ Công tâu về việc cần thiết phải khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa, vua sai Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc), mặt khắc chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân (1836), Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng sa trông nom, đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.

Sau một ngày ở đảo, một đồng nghiệp nhận xét: Lý Sơn là vùng đất đậm đặc dấu ấn văn hóa vật thể và phi vật thể, rất thích hợp cho phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái. Quả vậy, không gian chật hẹp nơi đây có tới 9 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 3 di tích cấp quốc gia như Đình làng An Vĩnh, chùa Hang và Âm Linh tự. Từ xa xưa, sinh mệnh các binh phu lên đường ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ triều đình giao thật bé nhỏ trước biển cả mênh mang.  “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi” - Mỗi lần ra trùng khơi lồng lộng là cầm sẵn cái chết thế nhưng ý chí vươn ra biển và khát vọng chinh phục đại dương luôn là ngọn gió thổi căng những cánh buồm lướt ra khơi. Âm linh tự là nơi những người binh phu xưa trước khi xa gia đình, xa đảo tiến hành trọng thể nghi lễ làm mộ gió. Thăm Âm linh tự và lặng chiêm ngưỡng những ngôi mộ gió, tâm tưởng chúng tôi xốn xang, trào dâng cảm xúc kính phục các bậc tiền nhân bền gan bám đảo, bám biển giữ gìn biên hải từ mấy trăm năm trước.

Lãnh địa đảo Lý Sơn hình thành từ 5 ngọn núi thì trong đó có hai ngọn núi là dấu tích của ngọn núi lửa từ hàng triệu năm trước. Ngọn núi Thới Lới cao to nhất. Vượt lên đỉnh cao 169 m so với mắt biển, chúng tôi chứng kiến miệng núi lửa hình lòng chảo rộng 40 ha. Ở Lý Sơn có lắm chuyện lạ, hấp dẫn như có nhiều đền thờ Cá Ông (cá Voi hay thần Nam Hải), lăng miếu thờ các vị tiền hiền, tục lệ thờ cúng, lễ hội có từ vài trăm năm trước, có ngôi chùa được xây trong hang, có ngôi được bàn tay con người kiên nhẫn  đục đá núi để kiến thiết và hiện giờ đang khởi công xây hồ chứa nước ngọt trên núi Thới Lới. Bề mặt lòng chảo miệng núi lửa này ẩm ướt, cây cỏ mọc rất xanh tốt, chỉ cần đào xuống nửa mét là gặp mạch nước ngầm, vì vậy, huyện được đầu tư trên 30 tỷ đồng để xây dựng một hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Lan man tìm hiểu về chuyện phát triển kinh tế, các đồng chí lãnh đạo Lý Sơn cho biết: Kinh tế đảo chủ yếu là phát triển nông – ngư nghiệp. Lý Sơn có gần 400 ha đất nông nghiệp nhưng không trồng được lúa mà chủ yếu trồng cây bắp, đậu, đay, rau và khoai lang, khoai mỳ. Từ khoảng năm 1960, cây hành, cây tỏi được trồng phổ biến và trở thành cây trồng chính. Tỏi Lý Sơn đã trở thành thương hiệu nổi tiếng vì múi nhỏ, hương vị thơm, không cay nồng như tỏi thông thường. Không chỉ có lợi ích về dinh dưỡng mà tỏi còn sử dụng để làm thuốc phòng và trị rất hiệu quả, không gây phản ứng phụ đối với một số bệnh như xương khớp, hô hấp (viêm phế quản, viêm họng), tim mạch, tiêu hóa, bệnh trĩ và tiểu đường. Đặc biệt tỏi một (củ tỏi chỉ có một tép hay một nhánh) là loại quý hiếm, giá gần 5 – 7 trăm ngàn đồng thường dùng ngâm rượu để chữa  bệnh. Với diện tích trồng tỏi khoảng 300 ha, mỗi năm Lý Sơn thu hoạch khoảng gần 2.000 tấn tỏi. Giá thời điểm hiện tại gần 70.000 đồng 1 kg. Để thu hoạch những vụ tỏi thơm ngon, người Lý Sơn cũng rất kỳ công trong gieo trồng, chăm sóc. Đất trồng tỏi phải là đất đỏ chở từ núi cao về trải đều trên mặt vườn, tải cát từ bãi biển lên trải ở lớp trên.

Nếu Lâm Đồng là vương quốc cây chè, Đắc Lắc là vương quốc cây cà phê thì như một nhà văn từng ví Lý Sơn là vương quốc tỏi qủa không sai! - Ông Trần Ngọc Nguyên – Chủ tịch UBND huyện phấn khởi và phân tích tiếp: - Lý Sơn không chỉ nổi tiếng bởi thương hiệu tỏi, hành, đậu đỗ, dưa hấu… mà ngư trường nơi đây với nhiều loại hải sản quý hiếm, gía trị kinh tế cao. Lao động ngư nghiệp tuy ít hơn lao động nông nghiệp song giá trị sản xuất, khai thác thủy sản lại cao gần gấp 5 lần so với nông nghiệp. Chúng tôi xác định kinh tế thủy sản đứng vị trí hàng đầu trong cơ cấu kinh tế của huyện. Vừa rồi, huyện  chọn xã An Hải làm thí điểm xây dựng hiệp hội nghề cá… Xưa phổ biến đánh bắt ven bờ. Ngày nay, nhà nước đầu tư xây dựng cảng cá Lý Sơn và hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu, mua sắm phương tiện để phát triển nghề. Hiện đảo có đội thuyền trên 400 chiếc, phần lớn đánh bắt xa bờ. Năm 2010, huyện đánh bắt 27.000 tấn hải sản, bình quân mỗi người dân khai thác trên 1 tấn. Giỏi nghề đánh bắt hải sản nên nhiều người Lý Sơn từng đi làm cho các tàu đánh cá nước ngoài với thu nhập tương đối cao.

Ngư dân Lý Sơn thường xuyên vươn ra Hoàng Sa, Trường Sa nên cũng gặp nhiều sự cố, vậy tinh thần của bà con ra sao?

Gương mặt cháy sạm, rắn rỏi và cương nghị dường trở nên đanh hơn, Chủ tịch huyện cao giọng khẳng khái: - Nghề cá không chỉ gặp những rủi ro, thiệt hại do “thiên tai” mà còn “nhân tai” nữa. Từ đầu năm đến nay, thủ đoạn của Trung Quốc cực kỳ tàn nhẫn và thâm độc. Họ không bắt giữ ngư dân ta như trước nữa mà chuyển sang cướp phương tiện, tàu thuyền, hải sản hoặc hút hết nhiên liệu… rồi thả cho lênh đênh trên biển. Thế nhưng có ngư dân ở Lý Sơn bị Trung Quốc bắt ba, bốn lần nhưng vẫn không nản chí, vẫn cháy bỏng khát vọng ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt cá; họ quen thuộc những ngư trường này còn thông thạo hơn về đất liền nên vẫn đóng tàu mới để ra khai thác trên vùng biển chủ quyền của mình. Cuối tháng 6 qua, ông Nguyễn Gia Viên ở xã An Vĩnh đi biển  Hoàng Sa 7 ngày đánh được 15 tấn cá nục suông, thu 450 triệu đồng.

Cùng với việc đấu tranh khẳng định chủ quyền, các cấp và các ngành cần tìm ra giải pháp hỗ trợ ngư dân yên tâm ra khơi. Đó là việc xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư cho ngư dân đóng tàu thuyền lớn, sắm sửa phương tiện đánh bắt xa bờ, tăng cường hệ thống công nghệ thông tin trên biển; tăng cường tàu tuần tra canh gác; tàu cung cấp dịch vụ và thu mua hải sản cho ngư dân. Ở Lý Sơn vừa có chuyện mới là ông Lê Văn Nhiên - chủ cơ sở đại lý xăng dầu Nhiên Phương đã đầu tư 1 tỷ đồng đóng tàu chở dầu có trọng tải  50 tấn để tiếp nhiên liệu cho tàu cá đang hoạt động tại các ngư trường. Mỗi ngày doanh nghiệp cung ứng kịp thời 20.000 lít nhiên liệu cho các tàu trên biển xa.

- Có thể nói Lý Sơn đang “ăn nên làm ra”!

Chủ tịch huyện cười vang: - Chưa đâu, mới khởi sắc chút thôi! Như các anh thấy đấy, làm nông nghiệp thì diện tích canh tác quá ít, nguồn nước tưới khó khăn. Ra khơi thì cũng lắm nỗi đoạn trường. Lý Sơn hiện có 1 trường THPT và 2 trường THCS nhưng chất lượng giáo dục vẫn chưa thể bằng trên đất liền. Hạ tầng đang được đầu tư bước đầu. Đường sá nội thị, nội xã chật hẹp; quy họach nhà cửa vẫn tự phát, nhà thôn cứ quây như phố, dịch vụ còn thấp... Rồi điện phát từ máy chạy dầu chỉ có được mấy tiếng buổi tối, đêm qua chắc nhà báo cũng thấm cái nóng “đặc sản” Lý Sơn… Còn nhiều thứ để liệt kê lắm nhưng…- ngừng nói, khoát tay chỉ ra biển khơi, ông Trần Hữu Nguyên khẳng định một cách dứt khoát: - Khi biết tổ chức lại sản xuất, biển cả sẽ giúp Lý Sơn nhanh chóng giàu đẹp hơn!

Chia tay Lý Sơn, tạm biệt những người dân đảo chân thành, quả cảm, tôi hy vọng nơi đây sẽ được tập trung đầu tư nhiều hơn nữa theo “Chiến lược biển đảo Việt Nam đến năm 2020” để những “kình ngư” trên đảo đang cháy bỏng khát vọng vươn tới “Vạn lý Trường sa” lao ra ngàn khơi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc để làm giàu cho quê hương, đất nước.
 
 Âm Linh tự và mộ lính đội Hoàng Sa - được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Âm Linh tự thờ những người có công ra giữ Vạn Lý Trường Sa.
Đình An Vĩnh.
Từ đình An Vĩnh nhìn ra biển khơi.


Ghi chép: NGUYỄN THANH