Không còn bị ràng buộc bởi quan niệm “ching quăng, yăng mê” (chiêng cha, ché mẹ) như một số dân tộc anh em cùng sống ở Tây Nguyên, những phụ nữ M’nông tại vùng đất Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) vẫn say sưa thổi hồn mình theo điệu chiêng trầm bổng. Ngày qua ngày, lời chiêng mẹ vẫn âm vang giữa đại ngàn…
Đội chiêng nữ thôn Liêng Trang 2 đang tấu bài Đón khách. |
Cơn mưa rừng tháng bảy vừa dứt cũng là khi bóng đêm phủ xuống núi rừng Đam Rông. Ha K’ră, Bí thư Xã đoàn Đạ Tông nói: “Giờ này chắc các bác, các chị đi rẫy đã về. Chúng ta đến đó thôi…”. Các bác, các chị mà Ha K’ră nói ở đây là những thành viên trong đội chiêng nữ của thôn Liêng Trang 2, xã Đạ Tông.
Căn nhà nhỏ của già làng Kơ Sá Ha Tông đang khá tĩnh lặng bỗng chốc rôm rả tiếng nói cười sau khi có “tín hiệu” tập hợp của đội trưởng đội chiêng nữ - nghệ nhân K’ra Jăn K’Hoa. Thoạt đầu là những thành viên ở gần, rồi đến những người ở cuối thôn cũng lần lượt có mặt. Nhưng điều đáng tiếc, nghệ nhân lớn tuổi nhất trong đội chiêng nữ - Liêng Hót K’Rô lại đi rẫy xa, không về kịp. Liêng Hót K’Rô năm nay đã qua hơn 80 “mùa rẫy” (80 tuổi) là một trong 6 phụ nữ dân tộc M’nông đầu tiên tại Đam Rông “mê” chiêng và cùng nhau lập đội, rồi tìm thầy truyền dạy. Cùng với K’Rô là K’Wơr, N’tơr K’Jung, N’tơr K’Sao, Liêng Hót K’Hoa và K’ra Jăn K’Riêng (đã mất).
Vừa tập hợp đội hình chuẩn bị biểu diễn, Kra Jăn K’Hoa vừa kể: Học đánh chiêng cũng khó lắm. Đầu tiên tập đánh cho chiêng kêu đúng âm của từng chiếc, sau đó mới bắt nhịp, phối hợp âm của 6 chiếc trong bộ chiêng, rồi mới tập các điệu. Những ngày đầu chưa quen, tay ai cũng sưng vù, có người nản chí, bỏ học. Nhưng rồi mọi người lại động viên nhau quyết tâm học cho được để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ngày lên rẫy, tối về tập trung tại nhà già làng Kơ Sá Ha Tông tập luyện. Nhiều người phải buộc giẻ vào tay mà tập cho đỡ đau…
Cứ thế, ngày qua ngày, những phụ nữ M’nông miệt mài tập luyện và qua hai mùa rẫy thì họ bắt đầu “gọi được tiếng chiêng”. Từ đó, mỗi dịp buôn làng vào hội, tiếng chiêng của đội chiêng nữ lại vang lên đồng điệu cùng đại ngàn Tây Nguyên.
Thổi hồn chiêng
Kra Jăn K’Hoa kể xong câu chuyện về “lịch sử hình thành” của đội chiêng cũng là lúc các thành viên đã sẵn sàng. Trên tay mỗi người có một chiếc chiêng theo kích cỡ khác nhau, cái lớn nhất gọi là ching mê (chiêng mẹ), rồi lần lượt đến rơnal, n’dân, n’rỗ, n’thơ và n’tít. Mỗi chiếc phát ra một thanh âm khác nhau, khi tấu lên mới hòa điệu thành bản nhạc. Là đội trưởng nhưng K’Hoa không mang chiêng mẹ mà giao cho K’Jớt. Chị là người trẻ nhất trong đội, năm nay 40 tuổi. Cách đây 5 năm, tiếng chiêng của các chị, các bác trong thôn đã làm K’Jớt rạo rực và người phụ nữ này quyết tâm theo học. Lúc cụ Kra Jăn K’Riêng qua đời thì K’Jớt cũng nhuần nhuyễn được các điệu chiêng truyền thống để bổ sung vào đội.
Khi lũ làng tề tựu khá đông, có cả các già làng như Ha Tông, Ha Bông và những đứa trẻ cao chưa bằng ché rượu cần, thì âm thanh từ những chiếc chiêng vang lên. “Tờơng, poong, tờơng, poong…”, thứ âm thanh có sức quyến rũ mê hồn phát như một bản giao hưởng trong đêm rừng núi giao hòa. Những bàn tay gân guốc, thô mộc, tưởng chỉ biết cầm cuốc, cầm xà-gạc trên nương rẫy, giờ đây bỗng linh hoạt lạ thường.
Ha K’ră cho biết, đó là điệu “Đón khách”, điệu chiêng mà người M’nông cũng như nhiều dân tộc anh em khác tại Tây Nguyên thường tấu lên để chào đón những vị khách từ phương xa đến thăm buôn làng. Cil Ha Bông, nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho đội chiêng nữ, giải thích thêm: Tiếng chiêng là một phần cuộc sống tinh thần của người M’nông. Cứ có sự kiện hay lễ hội, tiếng chiêng lại vang lên, khách đến nhà được nghe điệu “Đón khách”; thu hoạch xong mùa màng, mở tiệc mừng và cúng Yàng thì tấu điệu “Mừng lúa mới”; anh em đi làm xa về nghe tấu điệu “Sum họp”… Riêng trong lễ tang, người M’nông tuyệt đối không đánh chiêng.
Những người trẻ yêu chiêng
Như mạch nguồn tuôn chảy, sau thế hệ của K’Riêng, K’Hoa, K’Jớt…, nhiều phụ nữ trẻ M’nông tại Đam Rông đang tiếp nối cho tiếng chiêng vang mãi. Theo nhẩm tính của già làng Cil Ha Bông, chỉ riêng tại thôn Liêng Trang 2, lớp trẻ cũng có đến chục người đang say mê tập luyện chiêng, như Liêng Hót K’Hương, Kơ Sá K’Viên, Kơ Sá K’Ang, N’tơ K’Dưng…
Cách đó không xa, bên kia nhánh sông Krông Nô là xã Đạ M’rông. Theo Y Toan, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Đam Rông, xã Đạ M’rông là địa phương đang thực hiện tốt công tác bảo tồn vốn văn hóa cồng chiêng, trong đó đáng chú ý có đội chiêng nữ trẻ của thôn Liêng Krắc 1. Cùng niềm đam mê và ý thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông, 6 cô gái trẻ (từ 21 đến 27 tuổi) là K’Loan, K’Bớ, K’Thuyên, K’Quan, K’Ben, K’Siên đã tập hợp lại với nhau. Niềm đam mê của các cô gái được “tiếp sức” khi Trung tâm Văn hóa Đam Rông mở lớp truyền dạy cồng chiêng, mời các nghệ nhân uy tín trong huyện đến chỉ dạy.
Păng Ting K’Loan, đội trưởng đội chiêng nữ trẻ tâm sự: “Từ nhỏ, mỗi lúc trong thôn có đám cưới hỏi hoặc lễ hội, thấy người lớn đánh cồng chiêng là em rất thích. Ở nhà cũng đã được bố (nghệ nhân Ha Nganh) truyền dạy, đến nay, dù chưa “thấm” được nhiều nhưng cũng đã biết được một số điệu cơ bản”. Điều đáng quý, các cô gái trẻ trong đội chiêng đều ngày ngày phải lên rẫy, cuộc sống còn rất khó khăn, nhưng cứ đều đặn mỗi tháng một lần, họ lại gặp nhau luyện tập. Để rồi, mỗi khi buôn làng mở hội, các cô gái trẻ mang cả nhiệt huyết của mình hòa cùng tiếng chiêng vang.