GS Georges Condominas và dân tộc học

10:07, 22/07/2011

(LĐ online) - GS Georges Condominas mang trong mình một nửa dòng máu Việt, được sinh tại Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở tại Paris, ông học tiếp cử nhân luật và mỹ thuật tại Hà Nội. Rồi sau đó, ông lên Tây Nguyên cùng “ăn rừng” với bà con dân tộc thiểu số và đã phát hiện bộ đàn đá cổ xưa nhất của thế giới

(LĐ online) - Ngày 21.7, một thầy giáo dạy dân tộc học của tôi điện thoại thông báo: “GS Condominas vừa qua đời, cách nay mấy hôm, thọ 90 tuổi. Vậy là ngành dân tộc học đã  mất thêm một người giỏi”. Tôi đã đọc không ít tác phẩm của vị giáo sư người Pháp Georges Condominas viết về Việt Nam, nhất là các tác phẩm dân tộc học Tây Nguyên, và thụ hưởng ở ông không ít kiến thức về dân tộc học.

Cách nay mấy năm, tại Gia Lai, tôi gặp được GS Trần Văn Khê và rất bất ngờ khi nghe GS tiết lộ: “Sau buổi gặp gỡ tại Bảo tàng Con Người ở Pháp, tôi và GS Condominas đã kết nghĩa anh em. Thông qua ông, tôi – một người Việt – hiểu hơn về đàn đá, về âm nhạc Tây Nguyên của Việt Nam”. Điều thú vị giữa hai vị GS một Pháp và một Việt này là cả hai ông cùng sinh vào một năm (1921), cùng “đồng thanh” về “vùng giao thoa” của âm nhạc học (Trần Văn Khê) và dân tộc học (Condominas), cùng nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, một người là người Pháp sinh tại Việt Nam (Codominas) và một người là người Việt Nam sống tại Pháp (Trần Văn Khê)…
 
Một trong những bộ đàn đá cổ được phát hiện tại Tây Nguyên.
Một trong những bộ đàn đá cổ được phát hiện tại Tây Nguyên.

Xưa nay, điều mà ai cũng rõ là có khá nhiều công trình nghiên cứu  nói về bộ đàn đá Nduliêng Krat được nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas tìm thấy tại Tây Nguyên (vùng giáp ranh giữa ba tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng hiện nay). “Bộ đàn đá ấy được đánh giá là nhạc cụ đá cổ xưa nhất không chỉ của người người thiểu số Tây Nguyên mà còn là nhạc cụ đá cổ nhất của thế giới” – GS Trần Văn Khê đã nói.

GS Trần Văn Khê cho biết thêm: “Georges Condominas mang trong mình một nửa dòng máu Việt (mẹ là người gốc Việt), được sinh tại Hải Phòng, bố là người Pháp. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở tại Paris, ông học tiếp cử nhân luật và mỹ thuật tại Hà Nội. Rồi sau đó, ông lên Tây Nguyên cùng “ăn rừng” với bà con dân tộc thiểu số và đã phát hiện bộ đàn đá cổ xưa nhất của thế giới – goòng lú Nduliêng Krat”.

Trong những tháng năm “ăn rừng” ở Tây Nguyên và nhiều vùng rừng núi khác của VN, nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas đã cho ra đời “Chúng tôi ăn rừng” (vừa được dịch sang tiếng Việt), “Chuyện lạ mỗi ngày”, “Không gian xã hội vùng Đông Nam Á”… Có thể nói, “Chúng tôi ăn rừng đá thần Goô” – “bản thảo” của “Chúng tôi ăn rừng” – của Georges Condominas được xuất bản năm 1957 đã được giới dân tộc học thế giới biết đến như là cẩm nang gối đầu giường và đồng thời là một tác phẩm văn học xuất sắc.

Năm 2006, tại lễ khai trương Bảo tàng Quai Branly ở Paris, trong số 9.400 hiện vật của Việt Nam được trưng bày, bộ sưu tập “Chúng tôi ăn rừng” của nhà dân tộc học Georges Condominas cũng đã được trưng bày. Trước đó, năm 1962, GS Georges Condominas đã thành lậpTrung tâm Tư liệu và Nghiên cứu Đông Nam Á.

“GS Condominas từng phát biểu: “Theo quan niệm của người Mnông Gar, những người giàu có là nhũng người cho đi nhiều nhất”. Đây là một phát hiện quan trọng của nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Condominas đã phát biểu sau những năm tháng “ăn rừng” với người Mnông Tây Nguyên” – thầy giáo dân tộc học của tôi đã nói như vậy sau thông báo GS Georges Condominas vừa qua đời.

Khắc Dũng