Hình ảnh thi vị về người lính biển, đảo trong “Hương đồng” (*)

03:07, 13/07/2011

Vũ Đình Cảnh quê gốc Thái Bình, tham gia bộ đội từ năm 1978 đến 1985, sĩ quan hải quân đóng ở đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1985 đến 1990 với hàm đại uý. Anh là Hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, Chi hội Bảo Lộc. Thơ anh thường là những liên tưởng về quá khứ hào hùng của người lính cụ Hồ.

Vũ Đình Cảnh quê gốc Thái Bình, tham gia bộ đội từ năm 1978 đến 1985, sĩ quan hải quân đóng ở đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1985 đến 1990 với hàm đại uý. Anh là Hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, Chi hội Bảo Lộc. Thơ anh thường là những liên tưởng về quá khứ hào hùng của người lính cụ Hồ.
 
Chiến thắng (Tượng đài). Ảnh NM
Chiến thắng (Tượng đài). Ảnh NM
Trong đó, hình ảnh người lính biển đảo hiện lên rõ nét, một Vũ Đình Cảnh cùng đồng đội trẻ sống phóng khoáng, hồn nhiên. Thơ anh như bức hoạ sinh động về biển đảo quê hương:

Không chỉ vì chiến trận
Vì sóng gió mà quen

Lính đóng ở đảo xa
Tầm mắt nhìn vời vợi
Nỗi nhớ và nghĩa đợi
Vì cách trở đôi bờ
Lính đảo sống mộng mơ
Bởi vì ai cũng trẻ
(Lính đảo Bê)

Lính đảo “Không chỉ vì chiến trận/Vì sóng gió mà quen”. Bởi đồng đội là con của muôn quê, cùng về dưới mái nhà quân đội. Nhưng bộ đội Hải quân lại thân nhau hơn bằng sóng gió. Đó là nét đặc thù của biển. Cũng từ đó đá ở đảo đã trở nên gắn bó lạ thường, người lính đảo nhận ra quê hương ta không chỉ có đất liền mà còn có đá… Đá liền với đất làm thành khúc ruột non sông:

Ở đảo chỉ có đá
Anh đặt xuống mầm xanh
Đồng đội thường đùa gọi
Đá tình yêu của anh

Lời nói ấy của sóng
Dội vào đá kỳ cùng
Âm vang lời đồng đội
Yêu đảo hóa tình chung
(Đá)

Vâng, “tình chung” là khối tình quý báu giữa biển khơi. Tôi hiểu khối tình chung đó đã gắn bó đồng đội như máu thịt, để rồi cùng nhau chắc tay súng, tôi luyện trên sóng dữ, bên mâm pháo mà làm nên thành tích bảo vệ từng tấc đất biên cương. Và để góp vào sức mạnh ấy, đất liền là nỗi nhớ khôn nguôi trong tâm thức những người ngày đêm canh giữ biển trời:

Ở đảo đá đi qua vùng biển xanh
Tôi và các anh rung lòng trước đất
Mới xa cách có phải là hương mật
Khi chân tôi chạm vào đất diệu kỳ
Tôi giơ tay chào nhé con tàu
Lời tạm biệt của người giữ đảo
Cho bờ đất chia một phần giông bão
Nhường một phần nước ngọt của dòng trong
Tôi đi về xin san sẻ nhớ mong
Để đảo đá bớt cồn hơn nỗi nhớ…
(Đất)

Đó phải chăng là tâm sự, là cảm xúc trào dâng của lính đảo khi đặt chân vào đất liền. Tôi cũng đã có lần được hưởng thứ cảm giác như vậy khi xa bờ. Có thể vì thế mới hiểu thêm nỗi lòng của đất liền. Muốn “chia sẻ một phần giông bão”, “nhường một phần nước ngọt của dòng trong”. Quả thật, có đất liền để đảo đá “bớt cồn hơn nỗi nhớ”. Vì thế, chúng ta hãy nghe người lính đảo nói về sóng:

Sóng bắt đầu từ đâu?
Em hỏi về chân sóng
Nhìn mắt em hy vọng
“Có lẽ nó từ bờ…”
(Sóng)

Thật diệu kỳ, ngoài những đợt sóng hữu hình ở biển khơi, còn có một thứ sóng vô hình từ bờ em. Ấy là sóng của nỗi nhớ, sóng của sức mạnh tinh thần không thể thiếu trong đời:

Nhớ da diết là lúc giận hờn
Trước lúc xa em, khi con tàu rời bến
(Cung bậc nhớ)
Và đây là lý giải của bao năm tháng phong ba:
Nơi đất liền nỗi nhớ liền hơn
Trước biển biếc nhớ còn mang cấp sóng
Nỗi nhớ đảo xa đôi bờ ảo vọng
Khi con tàu không nối được trùng khơi…

Đúng là “trên đất liền nỗi nhớ liền hơn/ trên biển biếc nhớ còn mang cấp sóng”. Đây là hai câu thơ hay về nỗi nhớ của lính đảo. Tác giả đã khéo dùng hình ảnh đất liền đối sánh với biển biếc tạo nên nhịp thơ day dứt và dồn dập khôn nguôi…

Quả thật, nhớ cấp sóng là nỗi nhớ cồn cào gan ruột, ai chưa từng ở đảo khó mà hiểu hết cảm giác này. Và trong tất cả đời sống ở đảo, vẫn luôn hiện lên nỗi nhớ âm thầm, dù tác giả không hề nhắc tới:

Lính đảo đi bắt cua đêm
Aùnh đuốc bập bùng cháy vào khoảng tối
Sóng ồn ào hay bờ đá nói
Những lời tình tự bến bờ riêng
(Bắt cua đêm)

Có một chi tiết cảm động làm rơi nước mắt người đọc là câu thơ Vũ Đình Cảnh viết về mẹ hiện lên trong cảnh bắt cua đêm, giữa biển đảo giàu có của quê hương:

Khiêng bao cua mà lòng thầm ước
Giá được gần, dâng mẹ bát canh thôi!

Một nỗi nhớ thiêng liêng và trong sáng. Tôi hiểu những người lính Hải quân Việt Nam đã hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Và sẽ thật là thiếu sót, nếu không nói về những hy sinh, mất mát ở chốn tiền tiêu, nơi đầu sóng ngọn gió, chiến đấu với kẻ thù xâm phạm:

Ngày bạn mất
Đơn vị ở xa bờ đất
Đồng đội kết những vòng hoa tự tìm
Nhang không có
Đèn không có
Chỉ những nhịp đập trái tim
Nuốt nỗi đau vào lòng
Bạn hóa thân vào đảo
Tạc mình vào Tổ quốc giữa khơi xa…
(Đưa bạn đi)
Vì thế, khi rời quân ngũ, hiểu hơn ai hết những hy sinh to lớn của người lính đảo, Vũ Đình Cảnh viết:
Xin hát về các anh
Xin hát về đảo nhỏ
Một câu thơ dang dở
Cũng đủ ấm thêm lòng
(Đảo nhỏ)

Thật vậy, chúng ta hãy nghĩ về biển đảo quê hương bằng tất cả trái tim, để ấm lòng bao lính đảo thân yêu…

Nguyễn Thánh Ngã

(*) (“Hương đồng” tuyển thơ của Vũ Đình Cảnh, Nhà xuất bản Văn nghệ 2009)