Hoa hồng đến từ xứ khác

02:07, 27/07/2011

Ngàn nâng một cuốn sách lên, bàn tay nhỏ nhắn của cô nhẹ nhàng lau qua cuốn sách bằng một miếng vải mềm. Sáng nào cũng vậy, bắt đầu vào ca làm việc, trước khi thay bộ áo dài, công việc đầu tiên của Ngàn và đồng nghiệp là phải lau sách...

Minh họa. Ảnh Ngọc Minh
Minh họa. Ảnh Ngọc Minh
Ngàn nâng một cuốn sách lên, bàn tay nhỏ nhắn của cô nhẹ nhàng lau qua cuốn sách bằng một miếng vải mềm. Sáng nào cũng vậy, bắt đầu vào ca làm việc, trước khi thay bộ áo dài, công việc đầu tiên của Ngàn và đồng nghiệp là phải lau sách. Những hạt bụi bám vào sách của ngày hôm qua không được phép hiện diện trong bất cứ quầy kệ nào. Ngàn làm việc này một cách chăm chỉ và cô hài lòng khi ngắm nhìn quầy sách tinh tươm sau khi lau và sắp đặt lại. Những bìa sách của thời buổi công nghệ chế bản được sự hỗ trợ của Corel và Photoshop như được phù phép và chúng cố tạo cho người đọc một ấn tượng đôi khi quá lố. Ngàn thường nghĩ không hiểu trong ngàn vạn cuốn sách mình đang bán có một cuốn nào mà nội dung rỗng tuếch không giống như cái bìa đang khêu gợi những bàn tay cầm sách lên và những đôi mắt ngắm? Chắc có thôi, bìa sách như một người con gái, chắc chắn có những người con gái đẹp nhưng tâm hồn trống rỗng. Ngược lại, chưa chắc những cái bìa thô mộc lại không chứa đựng bên trong những tư tưởng thiên tài. Nhưng dù sao bìa sách cũng là cái “mặt tiền”, người ta vẫn chăm sóc hơn bao giờ hết. Ngàn thán phục những người làm bìa sách, hay nói đúng hơn là những ý tưởng của các họa sĩ đã thiết kế cơ man những loại bìa sách trong rừng sách của cửa hàng. Nhưng sáng nay Ngàn không chú ý đến sách, tâm trí của cô còn đậm dấu ấn câu chuyện tối qua. Nhà sách mà Ngàn làm việc mở cửa từ tám giờ sáng và đóng cửa lúc chín giờ ba mươi tối. Tối qua khi sắp hết ca, chính Ngàn đã bắt được một thằng bé ăn cắp sách. Chuyện mất sách là chuyện xảy ra thường xuyên trong thời buổi cái gì cũng có thể mất nếu ta lơi lỏng. Nhưng thằng bé ấy không giấu vào bụng mình những cuốn truyện tranh như những đứa khác. Nó lấy trộm một cuốn sách dạy nấu ăn mà lại là những món ăn thông thường. Đây là điều bất ngờ đối với Ngàn và chị em cửa hàng. Thằng bé đã để những giọt nước mắt của mình trào ra khỏi cặp mắt thông minh với tròng đen tròng trắng rõ ràng. Nó khóc và nhất định không chịu nói ra tại sao có hành vi đó. Nó cũng không cho biết cha mẹ nó là ai, ở đâu và làm gì? Ngàn nghĩ thầm trong bụng “Đây là một đối tượng không chịu hợp tác mà lâu nay mình chưa gặp”. Cô đổi chiến thuật:

- Cháu à, cô cũng có một đứa con trai như cháu vậy, đến giờ này mà con cô chưa về thì cô lo lắm, cháu có muốn mẹ ở nhà lo lắng cho cháu không? Chỉ cần cháu nói ra một vài chi tiết là cô để cháu về thôi, cái chính là cô muốn giúp cháu và không muốn thấy cháu lấy trộm sách nữa!

Ngàn nói đại như vậy, cô chưa lập gia đình thì làm sao có con lớn như vậy được? Và tình mẹ con rõ ràng Ngàn chỉ “lý thuyết suông” thôi. Ai ngờ chiến thuật của Ngàn lại thành công, thằng bé nói liền một mạch:

- Con tên là Dũng, nhà con ở đường Phan Đình Phùng, cô ơi cô có chắc mẹ con lo cho con không cô?

- Chắc chắn như vậy, bây giờ con nói đi, vì sao con lấy cuốn sách này?
Thằng Dũng trả lời rất thật:

- Con muốn mẹ nấu cơm cho con ăn, ăn cơm hộp hoài con ngán quá, mà con không có tiền, cô tha cho con đi cô?

- Vậy mẹ con làm gì?

- Con không biết, sáng nào mẹ con cũng đi đến chiều tối mới về, trưa con ăn cơm hộp bà Năm đem qua, buổi chiều ba mẹ về con lại ăn cơm hộp. Con hỏi mấy đứa bạn, nhà tụi nó đâu có như nhà con, cô ơi mẹ con không biết nấu cơm hả cô, con…con ăn cắp cuốn sách của cô đem về để mẹ nấu cho con ăn như mẹ thằng Tiến. Cô ơi cô tha cho con đi cô, con hứa không ăn cắp sách nữa!

Ngàn ngớ người khi thằng bé nói ra nguyên nhân nó lấy cuốn sách dạy nấu ăn. Thật không thể ngờ một người đàn bà không nấu cơm cho gia đình ăn trong nhiều ngày đến nỗi đứa con lại nghĩ mẹ mình không biết nấu ăn. Ngàn gặng hỏi:

- Có thật mẹ con không nấu cơm cho con ăn không?

- Thật mà cô, ngày nào con cũng ăn cơm hộp mà cô, con ước gì như thằng Tiến, mẹ thằng Tiến nấu ăn ngon lắm cô ơi?

Thằng Dũng đã khiến Ngàn ái ngại cho hoàn cảnh của nó, nhưng đêm về phòng trọ, Ngàn còn ái ngại hơn cho hoàn cảnh của mình. Đã bao nhiêu ngày rồi Ngàn chưa nấu cơm cho ba ăn, cô không nhớ nữa. Những lời thằng Dũng nói cứ nhói trong lòng Ngàn. Nhà Ngàn ở xa lắm, phải mất hai lần đổi xe và một chuyến đò ngang mới đến được nhà Ngàn. Ba Ngàn giờ đã già, nhưng hàng ngày ông vẫn cặm cụi với ruộng đồng nuôi hai em Ngàn ăn học. Mẹ mất sớm, đúng ra Ngàn là chị cả thì phải ở nhà phụ ba một tay như cách bàn của xóm làng, nhưng ba Ngàn không như những người nông dân khác. Dù sao ba cũng một thời là anh bộ đội đi đây đi đó, ba biết thế nào là sự thua thiệt khi thất học. Ngày Ngàn thi tốt nghiệp, ba biết Ngàn không có ý định thi vào đại học cho dù Ngàn đã nộp hồ sơ vào tháng ba, ba gọi Ngàn lên nhà rồi hỏi:

- Ngàn à, con là con gái, ba biết con thương ba, thương em và con muốn thay mẹ đỡ đần ba, nhưng ba vẫn muốn con học lên đại học. Ba đã chuẩn bị lâu rồi, con cứ yên tâm đi thi, ba tin là con sẽ đậu.

Ngàn rớt nước mắt khi nhận từ tay ba hai triệu đồng, những đồng tiền nhầu nhĩ, Ngàn biết ba đã dành dụm từ lâu. Năm đó Ngàn thi đậu vào Trường Đại học Đà Lạt. Chẳng biết từ cảm xúc nào mà một cô bé mười tám tuổi lại chọn khoa văn. Những giờ lên lớp đã phả vào Ngàn những phút giây bay bổng của tâm hồn, nhưng mỗi khi một mình cô đơn trên chiếc giường cá nhân ở ký túc xá trong những đêm không ngủ được, Ngàn mới thấm thía cái nghèo. Nhưng cái nghèo không thể cản trở bước chân Ngàn, cô đã tốt nghiệp sau bốn năm vất vả, Ngàn không phụ công lao của ba.

Ngày Ngàn về thăm nhà, Ngàn nói với ba ý định trở về quê dạy học để phụng dưỡng ba, ba Ngàn buồn rầu nói:

- Không dễ xin việc đâu con, ba đã nói chuyện con với chú Bình rồi, nhà trường bên kia sông đã đủ người, không đến lượt mình đâu con ơi?

Ba lại khoác ba lô lên Đà Lạt tìm người bạn cũ cùng đơn vị. Vào làm hiệu sách này, Ngàn mới thấy không phải mình cô làm trái nghề như vậy. Thì thôi, biết làm sao được Ngàn phải vâng lời ba ở lại thành phố ngàn hoa này để mơ về một tương lai. Cô thuê một căn phòng nhỏ, sống khép kín với hàng xóm chung quanh.

Bán sách là một nghề kỳ thú, Ngàn thường nghĩ như vậy mỗi khi quan sát những người mua sách. Những gương mặt trầm lắng như muốn nói với Ngàn rằng người ta đang đắm mình vào một cõi riêng. Và trong những cõi riêng ấy, không ai muốn mình bị khuấy động vì một kẻ nào đó, nhất là những cô bán sách trong cửa hàng tự chọn. Một người quen đã nói với Ngàn “Các cô có cặp mắt nhìn ai cũng thấy đáng ngờ!”. Ngàn đau đớn với nhận xét này cho dù người ấy nói lên một sự thật, các cô chỉ được khoán một tỉ lệ rất nhỏ cho những cuốn sách khách cố tình quên không trả tiền ở quầy thu ngân. Nhưng có lẽ không phải ai cũng nghĩ như vậy, Ngàn an ủi mình như thế rồi lại lặn lội hàng đêm về khu nhà trọ.

Cô vẫn tưởng cuộc đời mình trôi dài theo năm tháng, Ngàn làm thêm đại lý bảo hiểm, dành dụm những khoản tiền mọn gởi về giúp ba. Hơn ai hết, Ngàn biết rất rõ ở quê đồng tiền khó kiếm thế nào, nên cô tiết kiệm từng đồng. Vậy mà đêm nay Ngàn về nhà bằng xe ôm, một khoản chi bất thường. Biết làm sao được, Ngàn không muốn giằng co với người đàn ông đó trước cửa hàng một chút nào. Tuy không ngoảnh lại, nhưng Ngàn vẫn biết người đàn ông đó chạy theo ở phía sau, dù cách một khoảng xa. Thật là khó chịu, Ngàn nghĩ, không lẽ đêm nào Ngàn cũng phải đối mặt với một tình huống như vậy? Cô không thể ngồi đằng sau một người đàn ông chưa quen biết tuy rằng người ấy vẫn là một khách hàng quen thuộc của cửa hàng. Cuối cùng thì hoàn cảnh, sau này Ngàn nghĩ lại chính là cái duyên, đã khiến Ngàn phải nhờ vả người đàn ông đó. Đêm mưa, đường vắng, không một chiếc xe ôm, thằng say rượu sấn sổ chực chờ vồ Ngàn. Sau một lời mời lịch sự, Ngàn sợ hãi leo vội lên yên sau của chiếc giấc mơ. Và như một giấc mơ, ba tháng sau Ngàn là người khách trong căn nhà xinh xắn nhìn xuống vườn hoa. Ngàn đòi xuống vườn xem hoa, những loài hoa đến từ xứ khác. Anh đi trước dẫn đường như thể sợ Ngàn ngã vì không quen đồi dốc. Ngàn cười thầm trong bụng, tuy chưa quen với khu vườn, nhưng nghề nông Ngàn không lạ gì. Trong vườn anh trồng những loại hoa đến từ xứ khác như cách giải thích của anh, chúng đẹp một cách kiêu sa, Ngàn không ngăn được cảm xúc khi đứng trong vườn hoa của anh, cô cúi xuống hôn nhẹ lên những đài hoa đang e ấp. Một cơn gió mơn man tóc cô đem lại một mùi hương lan tỏa khắp người Ngàn. Anh nói “Ngày mai mới đến đợt cắt hoa, hôm nay hoa nở để chào đón em đó”. Một câu nịnh, Ngàn nghĩ, nhưng trong cô cũng có một chút vui vui. Anh tiếp “Hoa hồng này đến từ nước Pháp, tính khí nó đỏng đảnh lắm, nhưng dưới bàn tay tôi, tôi chinh phục được nó”. Anh tự hào, bàn tay anh ngắt một chiếc lá sâu, Ngàn biết anh đã dành cho những đóa hoa hồng này một sự chăm sóc đặc biệt.

Hai người trở lại phòng khách khi chiều đang xuống, Ngàn phải về rồi. Anh  mời cô ở lại thêm một chút nữa, “Chỉ một chút nữa thôi” - anh nói với một giọng gần như van vỉ. Ngàn ngạc nhiên, không hiểu sao anh lại muốn như vậy? Hoặc là bây giờ, hoặc là năm phút nữa, điều đó có gì là khác nhau đâu? Nhưng cái khác chính là thằng Dũng, nó xuất hiện trước mặt Ngàn “Con chào cô, con chào ba, con mới đi học về”. Chào xong nó chạy xuống nhà ngang, bỏ lại đằng sau nỗi ngạc nhiên của Ngàn. Anh nói nhỏ “Con tôi đó cháu học lớp sáu rồi”. Ngàn thoáng đỏ mặt khi nhớ lại đêm hôm điều tra thằng Dũng tội ăn cắp sách, cô nói với thằng Dũng rằng cô có một đứa con như nó, đó là một lời nói dối. Và cô đã lờ mờ hiểu vì sao anh đã cố tình đón Ngàn những đêm Ngàn làm ca tối. Vậy thì người đàn bà ấy đâu rồi? Như đọc được ý nghĩ của Ngàn, anh nói “Chúng tôi đã chia tay nhau sau cái đêm em răn đe thằng Dũng chừng một tháng”. Cô chào anh và ra về với một cảm giác mình bị dối lừa.

Đêm ấy cô không ngủ được. Ngàn trằn trọc mãi tới gần sáng mới chợp mắt được một chút. Ba giờ chiều Ngàn đi làm với một tâm trạng nặng nề còn đọng lại chiều qua. Bất ngờ Ngàn gặp thằng Dũng, nó vào cửa hàng từ lúc nào và đang mải mê đọc truyện tranh. Khi Ngàn đi ngang qua, nó ngước cặp mắt thông minh vòng tay chào cô. Ngàn ngạc nhiên khi đọc trong cặp mắt trong veo của thằng Dũng một tia vui mừng lạ lẫm. Nó toét miệng ra cười khoe hai hàm răng trắng đều và đôi môi hồng trông mới đáng yêu làm sao! Tự nhiên trong đầu Ngàn một nỗi tò mò đang lớn dần. Cô hỏi Dũng: “Nè Dũng dạo này ai nấu cơm cho con ăn?”. Mặt Dũng sáng rỡ, nó thưa “Ba con nấu đó cô, cũng nhờ cuốn sách đêm hôm đó cô cho con”. Ngàn hỏi tiếp “Sao hôm đó con nói nhà con ở đường Phan Đình Phùng?”. “Dạ, nhà đó của ngoại con, bây giờ mẹ con ở với cái ông đó, mà con ghét lắm cô?”. Ra vậy, Ngàn nghĩ và cảm thấy tội nghiệp cho thằng bé. Thấy Ngàn không hỏi gì thêm, thằng Dũng đứng yên chờ đợi, nó nhìn Ngàn đăm đăm. Hình như không thể chờ lâu hơn nữa, Dũng nói:

- Cô ơi, hôm nào cô đến nhà con chơi nữa nghen cô, ba con nói tuần sau ba con có một loại hoa hồng giống mới, giống Hà Lan, mà Hà Lan ở đâu hả cô?

Ngàn giải thích cho thằng bé và tiễn nó ra về với lời hứa sẽ tới nhà nó chơi.

Chiều hôm đó anh cũng ghé vào cửa hàng sách. Anh mua một cuốn sách có lẽ vừa nhập về cửa hàng hồi sáng, Ngàn chưa hề thấy cuốn sách đó, đó là một cuốn sách thuộc loại kỹ thuật trồng trọt. Cuốn sách với tựa đề “Kỹ thuật ghép hoa hồng giống Hà Lan”. Anh vui lắm khi tìm được cuốn sách ưng ý, anh khoe ngay với Ngàn bằng một giọng hào hứng:

- Hay quá, chủ nhật tuần sau tôi ghép hoa hồng giống Hà Lan, hôm đó em đến nhà tôi chơi nhé, cháu Dũng cứ nhắc em hoài?

Ngàn mỉm cười khi mường tượng trong đầu mình những cánh hoa mịn như nhung với một mùi thơm dễ chịu. Ngàn nghĩ, mình cũng giống như một loài hoa, một loài hoa hồng đến từ xứ khác như cách nói của anh? Ngàn bỗng ngẩn người khi sực nhớ ở quê cô làm gì có loài hoa quý phái đó. Còn anh, chắc anh vui lắm, anh hỏi lại:

- Em đến nhé, Ngàn?

Ngàn lặng lẽ lắc đầu, một giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt thẩn thờ của cô.

Giọt nước mắt ấy giống y như giọt sương đêm đọng lại trên cánh hoa hồng trong vườn nhà anh mỗi sáng.
Truyện ngắn: VÕ ANH CƯƠNG