Làng đan chiếu bên hồ Đan Kia

03:07, 12/07/2011

Ngoài nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bên hồ Đan Kia hiền hòa, thơ mộng, những người phụ nữ của làng Đăngkanách còn là những nghệ nhân đan chiếu lành nghề.

Không biết từ bao giờ, bên bờ hồ Đan Kia hiền hoà, thơ mộng, những người phụ nữ của làng Đăngkanách (thôn Đăngkia, xã Lát, Lạc Dương) ngoài công việc hàng ngày là lên nương rẫy còn tranh thủ đan chiếu vào những lúc nhàn rỗi. Ngày trước, những lá chiếu đan chỉ để dùng trong gia đình, còn bây giờ, đan chiếu lại là nguồn thu nhập của hơn 30 hộ trong làng, khi chưa vào mùa của ruộng vườn, nương rẫy.

Bà Kra Jãn Dí không nhớ ngày bao nhiêu tuổi bà biết ngồi đan chiếu, chỉ biết rằng ngày “bắt chồng" bà đã đan tặng bà con họ hàng nhà chồng những lá chiếu mà ai cũng trầm trồ khen. Bây giờ đã hơn 80 tuổi, việc ruộng vườn không còn đủ sức để làm, bà vẫn không để con cháu phải nuôi, vì vẫn kiếm được tiền bằng việc đan chiếu. Mỗi lá chiếu bán được từ 150 - 300 ngàn đồng, nếu ngồi đan liên tục thì 2 - 3 ngày xong một lá, bà vẫn có tiền dành dụm mỗi khi ốm đau.
 
Đan chiếu giúp bà con đồng bào dân tộc trong làng có thêm thu nhập những khi nhần rỗi.
Đan chiếu giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong làng có thêm thu nhập những khi nhàn rỗi.

Trong những đứa con gái của bà, chỉ có người con gái út Kra Jãn Ni biết đan chiếu, điều đó cũng đã làm bà vui lắm rồi, vì nghề đan chiếu của ông bà truyền lại bao đời nay vẫn không bị mất đi, trong nhà vẫn được dùng những lá chiếu còn mãi mùi thơm của lá rừng.

Ngày đó, cùng với bao người phụ nữ trong làng, bà Dí còn khỏe để ngày ngày vào tận trong rừng sâu, bên những đầm lầy của hồ Đan Kia trải rộng, bà nhổ từng cây lạt xanh rờn cao vút rồi bó lại, gùi về. Để đan được một lá chiếu phải trải qua rất nhiều công đoạn. Khi bó lạt được gùi từ rừng sâu về, phải đem phơi một tuần nắng, sau đó đem ngâm với nước rồi lấy cây đập dập, để dưới đất ẩm cho ráo nước và cho sợi lạt mềm, trước khi đan phải vuốt cho thẳng sợi lạt, qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, lá chiếu mới được hoàn thành.

Đó chỉ là đan chiếu một màu, nếu muốn để cho lá chiếu đẹp, thì phải trang trí viền (bà con nơi đây thường gọi là “chân” chiếu) xung quanh bằng màu đỏ của cây thuốc nhuộm thường được trồng xung quanh nhà. Để đan được một lá chiếu có “chân” phải tốn nhiều thời gian và công sức hơn, vì trải qua những công đoạn trên còn phải nhuộm màu lạt. Việc nhuộm màu không kém phức tạp như việc chuẩn bị lạt, phải giã nát cây thuốc nhuộm rồi nấu cho đến khi nước có màu đỏ mới đem nhúng từng cây lạt, chờ cho màu nhuộm đều mới đem đi phơi. Tuy vất vả hơn, nhưng lá chiếu được trang trí bằng màu đỏ của “chân” chiếu luôn được ưa chuộng hơn. Những lá chiếu một màu thường được dùng để trải giường nằm, còn lá chiếu đan màu được dùng để trải ra khi đón khách quý đến thăm. Và khi bán, lá chiếu màu cũng có giá cao hơn lá chiếu thường, vẫn biết vậy, nhưng việc trồng cây thuốc nhuộm để nhuộm lạt không dễ, nên bà con vẫn hay đan chiếu một màu hơn.

Ngoài việc phục vụ cho nhu cầu trong gia đình, trước đây, nhiều người vẫn thường đan chiếu và mang xuống Đơn Dương, Đức Trọng… để đổi lúa, heo, gà cho bà con dân tộc nơi đây. Hiểu được nhu cầu của cả người đan và người dùng, vài năm trở lại đây, một số người đã vào làng và đến tận từng nhà lấy chiếu mang đến các địa phương khác bán lại. Nhờ đó, những người già như bà Dí không còn phải đi lại vất vả, mà vẫn có nơi tiêu thụ chiếu đan ra. Vì vậy, trong làng trước kia nhiều người bỏ nghề đan chiếu, nhưng giờ đây cả làng hầu như nhà nào cũng có người đan chiếu. Nghề đan chiếu cũng tạo ra công ăn việc làm và có thêm thu nhập cho những hộ dân nơi đây khi việc ruộng vườn, nương rẫy nhàn rỗi.

Nhưng điều làm cho những người già như bà Dí chưa yên tâm, vì “mấy đứa nhỏ không chịu học đan chiếu, nó bảo đi làm việc khác kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng mình vẫn muốn nghề truyền thống của ông cha không bị mất đi khi mình già không còn đủ sức làm nữa”. Tâm trạng của bà Dí cũng như bao người già trong làng khi nghĩ về nghề đan chiếu sau này. Đây không chỉ là công việc phù hợp với người già, với bà con vào những lúc nông nhàn mà còn là văn hóa bao đời của đồng bào dân tộc bên hồ Đan Kia.

Tuấn Hương