Một cuộc bàn giao

02:07, 13/07/2011

Ông Bảo bưng bát thuốc đưa cho bà vợ đang nằm trên giường, giọng ông mệt mỏi...

Minh họa - Ngọc Minh
Minh họa - Ngọc Minh
Ông Bảo bưng bát thuốc đưa cho bà vợ đang nằm trên giường, giọng ông mệt mỏi:

-  Bà cố uống thuốc đi, cứ buồn phiền mãi thế này thì rồi tôi cũng ốm theo bà mà chết thôi.

Bà vợ ông vẫn nằm im. Ông Bảo cố động viên:

- Thôi bà ạ, dù sao sự việc cũng đã xảy ra rồi, có làm thế nào cũng chẳng thể lấy lại được.

Lúc này, cái chăn bà vợ ông đắp mới động đậy. Bà nói vẻ khó nhọc như người sắp từ biệt thế giới này:

- Tôi còn uống thuốc làm gì nữa . Sống thế này thì khác gì chết. Rồi ông sẽ được sống một mình cho thỏa mãn.- bà khóc tức tưởi.

Chẳng biết làm gì hơn, ông Bảo đi ra phía cái bàn nước, quăng mình ngồi xuống ghế. Ông gục xuống, hai tay ôm cái đầu đang muốn vỡ. Ông thở dài, nét mặt  rầu rĩ.

Bỗng có tiếng chó sủa ở ngoài ngõ. Ông Bảo chợt tỉnh. Ông đi ra ngoài sân. Hai người công an đi vào. Ông chào và mời họ vào nhà. Hai người công an chào lại. Trong hai người công an thì ông Bảo chỉ biết có một người trẻ là công an địa bàn , còn một người đứng tuổi thì ông chưa biết. Anh công an trẻ giới thiệu:

-  Cháu xin giới thiệu với bác Bảo, cháu thì bác đã biết rồi, còn đây là đồng chí Dũng, trưởng phòng của cháu.

Lúc này người công an tên Dũng mới nói:

- Xin thưa với ông Bảo, hôm nay, cơ quan công an đến đây là để muốn biết rõ hơn trường hợp mất tích của con trai ông. Xin ông cho biết những thông tin cuối cùng mà ông biết về con trai mình.

- Báo cáo đồng chí, con trai tôi đã… chết rồi. - Ông ngồi lặng đi.

- Cháu chết trong trường hợp nào?

- Hôm ấy vào quãng hai giờ đêm, tôi có nhận được một cú điện thoại của nó: “Bố ơi, con muốn được nghe tiếng nói cuối cùng của bố trước khi con từ biệt thế giới này. Lúc này, con mới thấy thương bố mẹ vô cùng. Nhưng còn biết làm thế nào được nữa bố ơi.  Con đang đứng trên cầu và chỉ vài phút  nữa thôi con sẽ bị dòng sông kia cuốn đi…”. Hình như nó vừa nói vừa khóc. Tôi thấy choáng váng muốn ngã quỵ, cả nhà hốt hoảng lắm. Nhưng chưa kịp nói gì thì nó đã tắt máy....

- Rồi sau đó ông có đi tìm con trai ông không?
- Tôi muốn đi tìm nó nhưng chẳng biết ở đâu mà tìm.
- Ông nghĩ là con trai ông đã chết?
- Vâng, có lẽ vì không còn lối thoát nên cháu đã…

Suy nghĩ một lúc, người công an hỏi tiếp:

-  Tôi được biết ông có một cô con gái đã lấy chồng và chỉ còn một cậu con trai đang sống với ông. Ông có thể cho biết vì sao mà những ngày trước đó ông lại đuổi con trai ông ra khỏi nhà?

Ông Bảo lặng đi một lúc rồi giãi bày:

- Nó đã làm nhục gia đình tôi, làm nhục thanh danh của bố nó. Suốt đời tôi chỉ biết giữ gìn phẩm giá. Sống sao cho trong sạch để khỏi xấu hổ với bạn bè, với làng xóm. Tuy gia đình chưa phải khá giả gì, nhưng tôi có để nó thiếu thốn gì đâu. Xe máy nó làm mất cái này , tôi lại cho mua cái khác, rồi lại mất. Một số tài sản trong nhà cũng biến dần đi. Lúc đó tôi mới biết nó đã nghiện nặng. Giáo dục, chửi bới mãi chẳng được, vợ chồng tôi đau khổ vô cùng. Nhà tôi lao đao, tan nát vì nó. Bức xúc quá, tôi đành chấp nhận không có đứa con này nữa, tôi đã đuổi nó ra khỏi nhà. Và vài tháng sau thì tôi nhận được cú điện thoại cuối cùng của nó.

- Ông không cho nó có cơ hội trở về nhà?

- Tôi cấm chỉ. Đã bảo là tôi thà rằng mất đi đứa con còn hơn chịu nhục nhã với người đời.

Trưởng phòng Dũng nói với chiến sĩ trẻ:

- Đồng chí điện thoại cho cháu Hà đến đây tôi gặp.
- Dạ.- Người công an trẻ bấm máy di động.

Một lúc sau, Hà và một chiến sĩ công an nữa có mặt. Trưởng phòng Dũng gọi:

- Hà ơi, vào trong này, chú có việc cần nói với cháu.

Hà len lén đi phía sau lưng trưởng phòng Dũng. Ông Bảo trố mắt nhìn người con trai mới bước vào. Đó là một thanh niên còn trẻ, người hơi đen nhưng rắn rỏi. Anh ta cúi xuống tránh cái nhìn của ông Bảo. Trưởng phòng Dũng giới thiệu:

- Giới thiệu với ông Bảo đây là cháu Hà…

Ông Bảo sững sờ không còn tin vào mắt mình, rồi bỗng kêu lên, ngắt lời trưởng phòng Dũng:

-  Thằng Đại, đúng rồi,  con tôi đây mà. Con ơi! Trời ơi! Con tôi đã về…

Ông Đại cuống quýt nhận ra đó là con trai mình bởi cái vết sẹo ở thái dương của nó mang đầy kỷ niệm với ông. Ông định đứng lên chạy sang chỗ cậu thanh niên mà ông gọi là thằng Đại, nhưng ông liền bị trưởng phòng Dũng kéo ngồi xuống:

-  Ông nhầm rồi, đây là cháu Hà, chứ không phải cháu Đại nhà ông.

-  Không, tôi không nhầm. Đại ơi! Bố đây. Sao con lại không nhận bố. Đại ơi, từ lúc đuổi con đi, nhà ta lúc nào cũng như có tang. Bố ân hận về hành động của mình.  Mẹ con ốm nặng lắm đang nằm ở giường kia kìa.

Thằng Hà không nén nổi lòng mình. Nó bật đứng lên đi như chạy về phía giường người ốm. Nó nức nở khóc:

- Mẹ ơi! Con đây. Con đã về với mẹ đây. Bố mẹ tha lỗi cho những lỗi lầm của con.

Vợ ông Bảo tung chăn chồm dậy. Bà ôm chầm lấy thằng Hà:

-  Ối con ơi, con về thật rồi sao? Ôi đúng là thằng Đại rồi! Con ơi…

Nhìn cảnh gia đình sum họp, trưởng phòng Dũng mới thư thả nói:

-  Tôi thực sự cảm động trước tình cảm của ông bà và cháu Hà. Thế mà cháu nó sợ ông bà không nhận nữa nên phải nhờ chúng tôi đưa cháu về. Nhưng bây giờ, ông bà nghe chúng tôi nói đã.

-  Dạ xin cảm ơn các đồng chí công an. Gia đình chúng tôi không biết nói thế nào bây giờ để trả ơn các đồng chí- giọng ông Bảo méo hẳn đi.

-  Ông thấy đấy. Tình cảm gia đình là một cái gì đó rất thiêng liêng trong mỗi con người chúng ta. Thế mà ông nỡ đuổi con mình ra khỏi nhà. Thử hỏi như vậy ông có đang tâm không?

-  Dạ, thưa các đồng chí, lúc đó tôi nóng nẩy quá, tôi rất căm giận nó , vì nó là một thằng nghiện…

-  Lúc đó cháu là một “thằng nghiện” nên ông chối bỏ nó, vứt nó ra ngoài đường để xã hội gánh chịu phải không? Ai cũng như ông thì không biết xã hội sẽ như thế nào?

- Thưa các đồng chí. Gia đình tôi là một gia đình…

- Chúng tôi biết gia đình ông là một gia đình cơ bản. Bản thân ông là một người có nhiều cống hiến. Nhưng ông mải nghĩ về cái danh của mình quá. Chưa chắc gì việc vứt đứa con tội lỗi ra đường, ông đã giữ được cái danh ấy. Nói chính xác là ông chỉ mải nghĩ về mình, ít quan tâm đến tình cảm của con cái để rồi một chút nữa thì mất đứa con.

Ông Bảo có vẻ ngậm ngùi:

- Tôi là một người cha… có lỗi.

- Bây giờ ông hãy để cháu Đại kể lại chuyện của nó cho ông bà nghe.

Thằng Đại lấy tay lau nước mắt rồi kể:

-  Thưa bố mẹ và các chú! Chuyện dài lắm. Con chỉ xin kể vắn tắt để bố mẹ được biết. Con bị lao vào con đường nghiện ngập quá nặng. Có lúc tỉnh, con cũng thương bố mẹ lắm, nhưng khi cơn nghiện lên thì quên đi tất cả. Con đã làm khổ gia đình. Khi bị đuổi ra khỏi nhà, con theo lũ bạn cùng cảnh làm mọi cách để có tiền hút hít. Bị đuổi đánh, bị người đời khinh rẻ, không còn con đường nào thoát, con đã gọi điện về cho bố lần cuối cùng để được nghe tiếng nói của bố. Có lẽ lúc ấy, con nghĩ đến bố mẹ nhiều nhất, nghĩ đến người cha đã sinh thành ra mình. Nhưng bố không trả lời. Chán chường và nhục nhã, con đã nhảy xuống sông tự tử. Con bị nghẹt thở và sặc sụa, rồi dòng nước đã cuốn con đi. Khi tỉnh lại, con mới biết mình đang ở đồn công an. Con nghe loáng thoáng người ta nói với nhau, may nhờ những người dân chài cứu thoát không thì chết rồi.

Bà vợ ông Bảo hai mắt còn đỏ hoe. Bà xuýt xoa:

- Trời ơi, khổ thân con tôi.

Thằng Đại kể tiếp:

-  Các chú công an hỏi về người thân và nơi đang sinh sống. Con đã khai những điều mà con luôn tâm niệm trong đầu từ lúc bố đuổi con đi. Con là người không cha không mẹ. Riêng tên mình, con khai là Hà để tránh cái tên mà bố đặt cho con, vì bố đang căm ghét cái tên ấy. Các chú công an đã phát hiện ra con là một con nghiện.  Được bác Dũng công an cho vào bệnh viện điều trị. Sau đó được bác đưa vào trại cai nghiện. Tại đây, con đã gồng mình lên để chiến thắng cơn nghiện. Được sự giúp đỡ của các cô các chú trong trại và sự quyết tâm của bản thân, một năm sau con đã hoàn toàn cắt cơn. Ra trại, con sợ khi về bố mẹ không tin, lại không nhận nữa, nên con đến năn nỉ với bác Dũng giúp, đưa con về với gia đình.

Trưởng phòng Dũng mỉm cười, hỏi ông bà Bảo:

- Như vậy là cháu đã được xã hội cưu mang, chứ không ai nỡ vứt nó đi. Bây giờ ông bà có nhận con hay không, để chúng tôi còn đưa cháu đi?

Ông Bảo tỏ ra lúng túng. Ông chắp hai tay vái các chiến sĩ công an:

- Tôi đã nhận ra sai lầm của mình, chẳng biết nói gì được bây giờ, chỉ biết chân thành cảm ơn anh Dũng và các đồng chí công an.

Trưởng phòng Dũng nắm tay ông Bảo, rồi nói những lời chân tình:

-  Tình cảm gia đình là cái không thể thiếu được của mỗi chúng ta, danh dự của con người càng là một thứ cao quý, nhưng một khi trong gia đình có một thành viên bị lầm lỗi thì nên giúp thành viên đó bằng tình thương của mọi người. Chỉ có tình thương mới có thể cảm hoá được mọi tội lỗi. Và cái danh giá của gia đình mới thực sự là danh giá. Như vậy có phải không ông?  Bây giờ cháu Đại đã cải tạo tốt, chúng tôi bàn giao lại cho ông bà. Mong mọi sự tốt đẹp đến với mọi người. Chúng tôi xin chúc gia đình hạnh phúc.

Trước sự chứng kiến của các chiến sĩ công an, ba con người trong gia đình ông Đại nước mắt ngắn, nước mắt dài dàn dụa. Những giọt nước mắt của niềm vui hiện lên trên các gương mặt đầy đau khổ của họ trong nhiều ngày qua.

Truyện ngắn: Phạm Đức