Ai sinh ra và lớn lên mà chẳng có một lối đi về, dẫu là làng quê hay phố thị, một cái lối tựa như một con đường, nhưng rất hẹp và nhỏ trong lòng làng xóm hay phố phường; một cái cổng vào sân nhà mà ở đó diễn ra bao niềm vui nỗi buồn, bao kỷ niệm suốt đời theo ta.
Trong cuộc đời của một con người, cái khoảnh khắc “cửa sổ vó câu”, tóc vừa xanh đã ngỡ ngàng điểm bạc, ai mà chẳng có cái lối đi về như thế. Cái lối ấy được gọi bằng một từ sao thân quen đến thế: Ngõ! Vâng, nói đến ngõ, gọi đến cái tên thân quen ấy, lòng ta lại xốn xang bao từ ngữ tiếng Việt gần gũi thân thương. Nào “đường ngang ngõ tắt”, nào “hang cùng ngõ hẻm”, hay “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông”… Ngõ như một cái gì đó vừa như hiện hữu vừa như vô hình, mà ngấm níu đọng lắng trong tâm hồn ta, khiến cho ta không bao giờ quên gốc gác cội nguồn, quên ông bà, cha mẹ, tổ tiên, quên tuổi ấu thơ chứa chan những kỷ niệm êm đềm. Đó là cái ngõ của đời ta, của hồn ta, lòng ta như tĩnh lắng sau những chặng đường bươn chải mệt mỏi trên đường đời, khi ta đã từng nếm trải đủ mùi những mất mát, đau thương, những cám dỗ của bả vinh hoa phú quý, của mê cung, đồng tiền, tửu sắc… Tất cả qua đi như những phù du với một nỗi buồn chống chếnh, ta lại thập thững bước trên ngõ nhỏ trong một đêm trăng thanh vắng trong những giây phút bình yên, và để rồi ta lại nhận ra ta trong những bước đi đầu tiên của tuổi thơ ấu. Và để rồi ta tự vấn ta: “Sao không sớm ngộ, trở về với ngõ nhỏ thân yêu ấy? Bon chen mà làm chi, giành giật mà làm chi, đỏ đen mà làm chi, cho khổ… Khi ta thập thững trở về với những bước chân đầu tiên trên ngõ nhỏ ấy, ta mới thấy ta đáng thương làm sao, tội nghiệp làm sao!
Tôi sinh ra ở thành phố nhỏ phía bắc thủ đô Hà Nội, nhưng bố mẹ lại quê ở nông thôn, một vùng quê Vụ Bản chiêm mùa ngập úng, nhưng đằm thắm tình người, và một vùng quê Kinh Bắc xốn xang những câu quan họ tình tứ. Vì thế tuổi thơ tôi gắn liền với ngõ phố và ngõ quê.
Ngõ nhỏ Hà Nội. Nguồn Internet |
Ấy là ngõ phố nơi tôi sinh ra và lớn lên. Còn ngõ quê thì sao? Phải nói rằng không có những ngày hè, những dịp Tết Nguyên Đán, những đêm Rằm trung thu trông trăng phá cỗ, những ngày rằm tháng Bảy xá tội vong nhân theo bố mẹ về quê được vui chơi thỏa thích, được vui chơi với lũ bạn ở hai quê nội ngoại, thì tôi cũng không thể nào hiểu và cảm thấu được cái hồn cốt thâm sâu của ngõ đối với mỗi đời người. Đó là cái ngõ của quê cha đất mẹ, cái ngõ của làng quê cùng với cổng làng, sân đình, ao chùa, bông súng tím, với cây đa bến nước đưa người ta vào những giấc mơ trong lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ, của chị, cùng với cánh cò êm ả qua song với những câu thương câu nhớ ướt đầm vạt áo…, khiến tôi càng thương yêu ông bà, cha mẹ, càng thấu hiểu và ngọ ra cái câu: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Ngõ nhỏ làng quê đưa tôi về với cội nguồn thăm thẳm của tình yêu, bởi không có tình yêu, thì không có cha mẹ, vợ chồng và con cái. Tình yêu đồng hành cùng ngõ nhỏ của cuộc đời con người khiến tôi nhiều đêm thổn thức một niềm ước ao lại cùng được bọn bạn trở về tuổi ấu thơ nô đùa nghịch ngợm, nhất là tụi con gái đánh chắt chơi chuyền ở những cái ngõ khuất, ít người qua lại. Ríu ran tiếng chim, tìm ngát hoa bèo, hoặc ngất ngây hương thơm của hoa bưởi, hoa chanh, thoang thoảng trong cái ngọt ngào của buổi trưa hè hương đồng gió nội…, để rồi mỗi khi hồi tưởng lại thèm đến nôn nao ngây ngất.
Là một người yêu thơ và làm thơ, nhưng nếu không có cái ngõ nhỏ thân yêu nơi quê cha, quê mẹ ấy, thì làm sao tôi có thể cảm hết được câu thơ của Nguyễn Bính: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan ngoài ngõ rụng rơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”.
Lời ca của bài “Quê hương” bỗng như văng vẳng đâu đây: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Tôi cứ muốn thêm vào cái giai điệu sâu lắng ấy cái câu như chắt ra từ hồn tôi, qua tuổi thơ tôi, qua cuộc đời con gái đa cảm của tôi: “Ngõ quê nếu ai không có, sẽ không thể sống nên người!”.