Người lưu giữ giá trị của quá khứ

02:07, 01/07/2011

Trao đổi với tôi trong căn nhà gỗ, nền đất, già Siêng hình như không bận tâm lắm với cái khốn khó của cuộc sống đời thường, mà đau đáu một nỗi lo “mất lửa” khi con cháu ông không còn mặn mà với những gì ông đang giữ.

(LĐ online) - Có lẽ ba chữ “nghiệp cầm ca” đã “vận” vào người ông già Ha Siêng ở thôn Biaray, xã Nthol Hạ (Đức Trọng, Lâm Đồng) nên khi đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nghèo khó  vẫn đam mê hát. Cả  4 tiết mục tham gia tiếng hát dân ca Tây Nguyên tại Đắc Nông của ông và con gái đều đạt giải (1 giải B (đồng dao), 1 giải C (hát ru), 2 giải khuyến khích (hát đối đáp tâm tình và hát mời khách) là niềm vinh dự của gia đình già Ha Siêng – người đã và đang nỗ lực lưu giữ những giá trị của quá khứ.

Già Ha Siêng
Già Ha Siêng
Già Siêng hát, thổi khèn bầu, sáo bầu cho chúng tôi nghe bằng hơi thở của một cụ già nhưng trong những thanh âm phát ra, vẫn như nguyên vẹn chất mãnh liệt của núi rừng. Già bảo “khỏe là tôi hát, mong lúc nào cũng khỏe để hát”. Cứ thế, theo năm tháng, những câu ca giản dị, mộc mạc diễn tả cuộc sống thường ngày nhưng mang đậm chất dân ca của núi rừng vẫn theo già Siêng từ thời trai trẻ đến giờ.

Người gắn bó nhất với già Siêng và hát cùng với già chính là cụ bà Ka Nhon. Bà kể, lúc trẻ, bà “bắt” ông bởi ông là người hát hay nhất làng. Tình yêu của họ là tiếng hát động viên nhau khi ra rẫy, khi xuống suối khe lấy nước, tình yêu của họ được dệt bởi những lời hát ru. Khi thành vợ, thành chồng, bà ở nhà hát bài hát “ru con” để chồng đi lên rẫy thổi sáo đuổi con nai, con nhím đến phá mùa màng. Đến nay mắt kém, răng long, tiếng kèn, tiếng sáo ông thổi đã kém hơi, giọng hát của bà nặng hơn nhưng âm vực của những câu dân ca ngày xưa vẫn được thể hiện rõ ràng, rành mạch từng chữ.
 
Trong căn nhà gỗ mộc mạc của người nghệ nhân ở cái tuổi gần đất xa trời này, ngoài sự “giàu có” là hàng chục tấm bằng khen treo đầy nhà của ông, của bà, của cô con gái đang làm ở Đòan ca múa nhạc Lâm Đồng - Ka Thao, thì tất cả những thứ còn lại thể hiện sự đối lập với sự giàu có văn hóa truyền thống mà ông bà đang có. Điều quí giá nhất chính là ông vẫn minh mẫn, giữ gìn những làn điệu dân ca không cần sách vở, âm thầm lặng lẽ của cái tuổi “gần đất, xa trời”.
 
Trao đổi với tôi trong căn nhà gỗ, nền đất, già Siêng hình như không bận tâm lắm với cái khốn khó của cuộc sống đời thường, mà đau đáu một nỗi lo “mất lửa” khi con cháu ông không còn mặn mà với những gì ông đang giữ. Ngay cả người con gái út của ông cũng không thích hát, chị cười ngượng nghịu và lắc đầu khi chúng tôi hỏi có biết hát không, “con cháu mình nó có theo, nó biết thì nó hát, nhưng bây giờ nó đi làm ăn khắp nơi làm sao mà nó hát”, già Siêng nói trong tiếng thở dài trả lời thay con gái.
 
Trong cuộc sống hiện nay, vấn đề lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa và đặc biệt là những văn hóa của cộng đồng người DTTS đang là vấn đề được xã hội quan tâm khi những thế hệ thanh niên, thế hệ thừa kế đã không còn mặn mà với giá trị văn hóa của chính dân tộc mình. Trong khi thanh niên DTTS ở thôn BiaRay đã và nghêu ngao hát những bài hát tình yêu, những làn điệu của dòng nhạc hiện đại thì những người già như già Siêng vẫn trăn trở với sự mai một của dòng văn hóa dân gian thấm đượm “chất rừng”, giữ lại nó bằng trí nhớ và tâm huyết với giá trị văn hóa của dân tộc mình khi cuộc sống hiện đại đang dần hiện hữu ở buôn làng ông.

Theo Bí thư chi bộ thôn Biaray xã N’Thol Hạ - Nguyễn Văn Thuân thì những nghệ nhân như gia đình già Ha Siêng đang làm cho văn hóa truyền thống có thêm nhiều nét đặc trưng, nhưng hiện nay văn hóa truyền thống trong cộng đồng bà con ở Nthol Hạ có nguy cơ mai một, ông Thuân cũng bày tỏ mong muốn có thêm sự trợ giúp của ngành văn hóa trong việc quan tâm hỗ trợ thêm để bà con phát huy nét văn hóa này.
 
Cam Ly