Những nữ thần huyền thoại

02:07, 06/07/2011

Ở Tây Nguyên, trong hệ thống các thần linh cổ sơ, có nhiều nữ thần giữ vị trí trọng yếu trong đời sống tín ngưỡng. Đầu tiên phải kể đến nữ thần mặt trời, nữ thần tính ái, nữ thần lúa, nữ thần nghề dệt thổ cẩm…

Dệt thổ cẩm ở Tây Nguyên. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Dệt thổ cẩm ở Tây Nguyên. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ở Tây Nguyên, trong hệ thống các thần linh cổ sơ, có nhiều nữ thần giữ vị trí trọng yếu trong đời sống tín ngưỡng. Đầu tiên phải kể đến nữ thần mặt trời, nữ thần tính ái, nữ thần lúa, nữ thần nghề dệt thổ cẩm… Trong thế giới vạn vật hữu linh, các nữ thần được ngưỡng vọng như những huyền thoại bất tử, luôn ẩn hiện trong tiềm thức của con người từ thuở nguyên khai.

Ở Bắc Tây Nguyên, nữ thần mặt trời là một thế lực siêu nhiên, thiêng liêng, kỳ diệu, đầy sức mạnh. Theo đúng tín ngưỡng, tư duy nguyên thuỷ, nơi cư ngụ của nữ thần mặt trời cũng được hiểu rất mơ hồ: Thần ở đâu đó trong không gian, trong đám mây bảng lảng trên những đỉnh núi, ngọn thác, mặt hồ…  Trong bảy hệ thống chính của vũ trụ (theo quan niệm của người Giarai, Xrê ở Gia Lai) nữ thần mặt trời cùng ở với các thần tối cao, và là một trong những thần được mời đến đầu tiên trong các nghi lễ cộng đồng.

Ở Nam Tây Nguyên, tộc người Mạ, Cơ Ho sống bên đôi bờ dòng sông Đạ Đơờng (Đồng Nai) tôn thờ nữ thần lúa, cho rằng: thần lúa cư trú trong hạt lúa mẹ, một giống lúa rẫy truyền thống; do đó, khi gieo trồng lúa mẹ, người Mạ, người Cơ Ho không bao giờ dùng phân bón (sợ làm dơ thần lúa); và họ cũng không dám cho lúa mẹ vào máy xay xát (sợ làm đau thần lúa), với lúa mẹ họ chỉ dùng cối giã chày tay. Cơm từ gạo lúa mẹ thường được dùng để làm rượu cần. Hương vị rượu cần làm từ gạo lúa mẹ đặc biệt thơm ngon, thường được dùng cúng các thần trong tất cả các nghi lễ dân gian.

Nữ thần dệt thổ cẩm của người Mạ có tên là Ka Linh, nơi ở của bà cư ngụ bên một hồ nước nhỏ, mà xung quanh đó có những ngọn núi là nơi cư ngụ của thần sấm, sét, thần mặt trời, mặt trăng. Theo người Mạ ở Buôn Go, Buôn Băng, Buôn Brun (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) và người Xtiêng ở Tà Lài (huyện Tân Phú - Đồng Nai), nơi ở của nữ thần dệt nằm dưới chân gò 1, phía bắc gò 2, phía đông gò 5) giữa di tích Quảng Ngãi - thuộc thánh địa Cát Tiên. Người Mạ cho rằng: nhờ sự giúp đỡ của nữ thần nghề dệt, nên phụ nữ Mạ đã dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp nổi tiếng thế giới dân tộc.

Nữ anh hùng huyền thoại Ka Giêng được xuất hiện trong cuộc chiến giữa bộ tộc Mạ và bộ tộc Chàm. Người Mạ kể rằng nàng Ka Giêng thường cưỡi trên đầu trâu. Mỗi lần xung trận, nếu có sự yểm trợ của nàng Ka Giêng, phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về bộ tộc Mạ. Và một điều lạ lùng là: khi khai quật di tích Cát Tiên, các nhà khảo cổ đã phát hiện một pho tượng đá còn đôi bàn chân phụ nữ giẫm trên đầu trâu (phần thân tượng đã mất), hiện pho tượng này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng.

Nữ thần tình ái của miền Cát Tiên cổ xưa là nàng Ka Kôông tuyệt đẹp, bài ca của người X’ Tiêng còn hát về nàng: “Rim Prao nao rất đất kiềng ang. Kang rờ hiêng viết mắt pó bòng chinh”, tức là: “Mỗi đêm có 150 người yêu, đến sáng quà tặng là những chiếc nhẫn đựng đầy trong bảy cái đồng la”.

Câu chuyện về nữ thần có tên là Ka Kôông của người Chill, người M’nông sống bên bờ sông Krông Nô thuộc huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) và huyện Lắc (tỉnh Đắc Lắc) khác hẳn với chuyện về nữ thần tình ái Ka Kôông ở Cát Tiên. Theo lời kể của các già làng, nữ thần Ka Kôông mang họ Đạ Duh, bà bắt nguồn từ sông Krông Nô và Krông Ana, bà còn để lại dấu tích của mình tại đầu nguồn suối nước nóng (nay thuộc xã Đạ Long - huyện Đam Rông), nơi bà dừng lại nấu nước tắm cho con trong lần sinh nở thứ hai: tảng đá có dấu chân quỳ, hai tay chống hai bên như tư thế ngồi đẻ. Sau đó, bà mang theo người con này đi miết về phía đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, người dân ở Đạ Long vẫn cữ, không dám mổ gà vịt, heo, trâu… bên suối nước nóng, không dám nói bậy, chửi tục tại khu vực này. Họ cho rằng những người vi phạm sẽ bị đau bụng, chảy máu mũi, sốt cao và họ buộc phải nhờ già làng làm lễ Đàm Xá Me (xin lỗi nữ thần). Bên cạnh đó người Chill tin rằng nữ thần còn giúp người dân ở đây chữa được nhiều bệnh.

Những nữ thần huyền thoại đã phủ lên không gian văn hóa Tây Nguyên một bức màn huyền bí, chi phối bản sắc riêng có của những con người miền sơn cước.

Đinh Thị Nga