Diễn ra từ ngày 1.7-9.7, Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên là cuộc hội tụ sắc màu sâu xa hiếm gặp...
Trình bày ẩm thực Khánh Hòa |
Hương sắc núi rừng về biển Tuy Hòa |
HỘI TỤ NGHỆ THUẬT
Trong không khí lãng mạn Ngày hội, các nghệ nhân, diễn viên nghệ thuật quần chúng và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cùng những vận động viên, được gặp gỡ, giao lưu và giới thiệu những nét văn hóa, các trò chơi, môn thể thao và tiềm năng du lịch, truyền thống tốt đẹp và bản sắc độc đáo của từng dân tộc theo đặc trưng vùng, miền.
Đến với Ngày hội, các nghệ nhân từ các tỉnh Tây Nguyên mang theo những nhạc cụ truyền thống độc đáo của đồng bào mình. Và trong những đêm hội, âm thanh của cồng chiêng, của trống đôi đã vang lên trên Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa). Trong âm thanh của đại ngàn, đoàn nghệ nhân người K’Ho ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) biểu diễn tiết mục múa Sức sống Nam Tây Nguyên (âm nhạc: Vi Nhật Tảo, biên đạo: Mạnh Tuấn). Ka Den, nữ diễn viên 23 tuổi đến từ Lâm Đồng, nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Phú Yên nên thấy rất vui. Tôi là người K’Ho. Tôi và những người trong đoàn mang bản sắc của dân tộc K’Ho đến đây, giới thiệu, chia sẻ với mọi người”. Nghệ nhân đánh đàn T’rưng Zenh (Gia Lai) theo chân đồng bào của mình xuống TP Tuy Hòa tham gia ngày hội, cho hay: “Mình ưng cái bụng lắm, lâu lắm mới có dịp trổ tài cùng các dân tộc anh em trong tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng cồng chiêng đấy!”.
Anh Võ Duy Linh, đoàn Quảng Ngãi bộc bạch: “Lần đầu tiên tham gia biểu diễn một chương trình nghệ thuật lớn như thế này, tôi rất hồi hộp, nhưng nhờ các anh em trong đoàn động viên, khích lệ tinh thần nên tôi cũng đã cố gắng rất nhiều”.
HIỆU ỨNG DU LỊCH
Liên tục 9 ngày đêm diễn ra ngày hội, hàng ngàn lượt người dân khắp nơi đổ về trung tâm TP Tuy Hòa, các huyện miền núi để háo hức chờ đợi và xem diễn tấu cồng chiêng, trình diễn lễ hội, thi đấu trò chơi dân gian, Họ háo hức và nhiều người ngạc nhiên trước sự phong phú và giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trong khu vực.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng, đến từ thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) bày tỏ: “Nhân tiện nghỉ hè, cả gia đình tôi đưa các cháu về xứ biển Tuy Hòa để du lịch, may mắn được hòa mình vào các hoạt động lễ hội diễn ra ở Phú Yên. Tôi thật sự bất ngờ, trước một đời sống văn hóa tinh thần giàu như thế của bà con đồng bào các dân tộc. Vui, hay, rộn ràng là những gì mà hầu hết người dân đến với ngày hội đều thốt lên và đó là cảm nhận chung của tất cả họ. Những sắc màu văn hóa, những trang phục, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng miền đều được các nghệ nhân tái hiện và trình diễn tại TP Tuy Hòa làm cho người xem đi từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác”.
Nằm trong chương trình của Ngày hội, các Đoàn cũng đã về biểu diễn tại các huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa và TP Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên. Đêm 12.7, Đoàn nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng và Bình Định biểu diễn một chương trình nghệ thuật đặc sắc tại huyện miền núi Sông Hinh, với các tiết mục rộn ràng vui tươi, mượt mà của những làn điệu dân ca; những bài hát ngợi ca cuộc sống, con người,… tạo nên một đêm hội rộn ràng bởi những sắc màu văn hóa đa dạng.
Trong khi đó, tại Nhà thi đấu Lê Trung Kiên (TP Tuy Hòa), những người yêu các môn thể thao dân tộc đã được thỏa chí với cuộc thi đẩy gậy, bắn ná, cà kheo và kéo co. Thật khó tìm kiếm một không khí tranh tài hấp dẫn và giàu bản sắc truyền thống như giải thi đấu này.
Riêng Lễ hội Ẩm thực ba miền Bắc-Trung-Nam lại mang một sức hút chuyên biệt. Các gian hàng của những doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn chuyên nghiệp đến từ 15 tỉnh, được thiết kế bắt mắt trong một không gian hài hòa. Du khách đã được thỏa mắt, thỏa lòng thưởng thức các món ăn từ bình dân đến sang trọng, đặc sản “gốc” của các vùng miền ẩm thực nổi tiếng. Đặc biệt, liên tục trong 3 đêm từ 7/7 – 9/7, các đơn vị tham gia lễ hội đã tổ chức chế biến và bán các sản phẩm ẩm thực phục vụ du khách. Tâm hồn khách du như thêm phơi phới giữa mặn mòi gió biển Tuy Hòa...
NHIỆT TÂM VĂN HÓA...
Ngày hội thực sự là dịp để các nhà quản lý văn hóa học tập, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, rèn luyện thể thao, xây dựng sản phẩm quảng bá du lịch, nhất là du lịch văn hóa, thông qua các làn điệu dân ca, trang phục dân tộc, lễ hội và trò chơi dân gian, từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều đoàn đã chuẩn bị khá chu đáo, kỹ lưỡng, đem đến Ngày hội những chương trình nghệ thuật, phục dựng lễ hội đặc sắc, đậm đà bản văn hóa truyền thống.
Ông Nguyễn Chi, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, điện ảnh và du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: “Đến với liên hoan lần này các đoàn từ Tây Nguyên không chỉ mang đến bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa, mà qua các bài hát và múa cồng chiêng, hi vọng sẽ kích thích được tinh thần người xem tìm hiểu và khám phá về văn hóa của vùng đất cao nguyên giàu truyền thống và hiếu khách”.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: “Ngày hội là một hoạt động văn hóa lớn mang đậm bản sắc văn hóa trong khu vực, thể hiện tính sáng tạo, tính nghệ thuật độc đáo của nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ các tỉnh trong khu vực. Thành công của ngày hội góp phần to lớn trong việc giới thiệu, quảng bá cho công chúng trong và ngoài nước biết đến nhiều giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào dân tộc, góp phần động viên, khích lệ đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng các dân tộc anh em đang sinh sống trong khu vực”.
Ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên, Phó Ban tổ chức Ngày hội, nhìn nhận: “Sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền Trung-Tây Nguyên đã được thể hiện sâu xa và tạo nên sự đa dạng, đặc sắc mà các vùng miền khác khó có thể có được. Ngày hội lần này là bản tình ca, sự “giao duyên” giữa núi và biển, tiếng cồng chiêng hòa quyện với tiếng rì rầm của sóng biển. Cái mới của Ngày hội lần này là những chương trình, tiết mục, môn thi đấu thể thao và các món ẩm thực mỗi vùng miền thực chất là những sản phẩm du lịch”. H.P |