Thăm mộ chiều cuối năm

02:07, 27/07/2011

Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn chọn thời điểm thăm mộ đồng đội vào một chiều cuối năm. Thường, buổi chiều là lúc con người lắng lại những nghĩ ngợi, tâm tư man mác buồn. Phút giao thời giữa ngày sang đêm, giữa sáng sang tối, giữa động sang tĩnh...

Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội
Nhang trầm một thẻ - biết làm sao
Thắp lên đành cắm nơi đầu gió
Hương khói đừng quên nấm mộ nào

Nguyễn Thái Sơn
Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn chọn thời điểm thăm mộ đồng đội vào một chiều cuối năm. Thường, buổi chiều là lúc con người lắng lại những nghĩ ngợi, tâm tư man mác buồn. Phút giao thời giữa ngày sang đêm, giữa sáng sang tối, giữa động sang tĩnh. Cái ranh giới mong manh nhập hòa ấy thường gợi cảm, dồn nén những trực cảm. Lại là chiều cuối năm, thời gian càng nén lại, đời người sắp bước sang một tuổi mới. Cuối năm để nhìn lại cả một chuỗi ngày đã sống. Lúc đứng trước nấm mộ bạn bè, đồng đội đã khuất, con người được đối diện với mình, thanh lọc mình. Nhà thơ không nói quả đồi, đỉnh đồi, sườn đồi mà “vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội”. “Vạt đồi” một sự chênh chao hẫng hụt, thiếu vắng ngay trong tâm cảm của người đi viếng mộ nghiêng vát trong chiều cuối năm. Những người lính quây quần bên nhau vẫn trong một đội ngũ, nằm kín bức tượng đài bằng đất - chính mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mà các anh đã ngã xuống để bảo vệ bằng cả máu xương của mình và lại trở về trong lòng đất mẹ trong đó có rất nhiều nấm mộ vô danh. Một tình huống xẩy ra “nhang trầm một thẻ - biết làm sao” một sự lúng túng, xa xót trước cả một vạt nấm mồ đồng đội mà trong tay mình chỉ có một thẻ nhang trầm. Một đối trọng nghiệt ngã của sự thật chiến tranh mất mát, bi thương nằm ngoài sự hình dung của con người. Thời gian như ngưng lại đến nghẹt thở khi chiều sắp muộn, một năm cũ sắp qua với một người sống đối diện với bao đồng đội đã khuất. Câu thơ như nghẹn lại “nhang trầm một thẻ - biết làm sao”. Một tiếng lòng, một tiếng kêu, một lời đồng vọng và bất ngờ một ứng xử thật nhân văn: “Thắp lên đành cắm nơi đầu gió - Hương khói đừng quên nấm mộ nào”. Gió hay hương hồn của địa linh núi sông, khói nhang trầm hay là hơi ấm tâm linh dân tộc đang về với các anh trong giây phút thiêng liêng này. Chúng ta - những người đọc - những người đang đồng hành với tác giả nhẹ nhõm hẳn khi nhập vào làn khói hương trầm thơm ngát mỏng manh bay lên nơi đầu gió, thấm vào từng ngọn cỏ, từng ngôi mộ. Chỉ một chữ “đành” thật ra là tiếng thở dài trong câu thơ “thắp lên đành cắm nơi đầu gió” mà chứa chan bao nghẹn ngào như người có lỗi trước vong linh các anh càng làm cho chúng ta - những người đang sống phải sống tốt đẹp hơn để được cứu rỗi, để mong mỏi các anh được siêu thoát bởi Tổ quốc, nhân dân “không quên nấm mộ nào”.
 
Bài thơ tứ tuyệt như một câu chuyện nhỏ giàu chất điện ảnh chỉ gợi mà không tả, chỉ độc thoại mà ngân vọng lay thức, chỉ mấy dòng thôi mà nói lên được cả tình cảm dồn nén để chạm tới cái lõi nhân bản: tình đồng đội!
 
Thắp nhang tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại cõi thiêng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Hồ Toàn
Thắp nhang tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại cõi thiêng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Hồ Toàn
 
NGUYỄN NGỌC PHÚ