Tính khó sửa

02:07, 06/07/2011

Mỗi lần nghe đám con gái hát những câu ấy, chàng thanh niên Thùy lại cảm thấy xấu hổ, bứt rứt trong lòng. Ngày ấy thanh niên trai tráng trong làng đều hăng hái tòng quân giết giặc hoặc thoát ly đi thanh niên xung phong phục vụ các chiến trường...

… Gió rung cây cành lá trên cành đùa vui
Anh trai làng vấn vương gia đình làm chi
Anh là lá trên cành, ngại chi gió mưa
Anh là trai phải đi chiến dịch phen này…
 
Lá xanh - Hoàng Việt

Minh họa. Ngọc Minh
Minh họa. Ngọc Minh
Mỗi lần nghe đám con gái hát những câu ấy, chàng thanh niên Thùy lại cảm thấy xấu hổ, bứt rứt trong lòng. Ngày ấy thanh niên trai tráng trong làng đều hăng hái tòng quân giết giặc hoặc thoát ly đi thanh niên xung phong phục vụ các chiến trường. Được vào bộ đội thời ấy còn là một vinh dự cho gia đình, dòng họ; chứ thanh niên mà cứ ru rú ở nhà trông ế lắm, mất thớ, với lại còn bị các nàng thiếu nữ dè bỉu, chọc ghẹo.

Thùy cứ hận mình không gặp may trong đợt tuyển quân năm ấy, Thùy chỉ thiếu có đôi phân chiều cao, trọng lượng cơ thể có nhẹ đi chút xíu, thế mà bị loại để đến giờ bọn con gái cứ trêu ngươi, gặp đâu chúng cũng hát mãi cái điệp khúc:
“… lá còn xanh như anh đang còn trẻ
Anh là trai phải ra chiến dịch phen này…”

Nghe tức anh ách, cứ muốn tống vào mồm chúng một quả đấm mới hả dạ.

Không được đi bộ đội thì Thùy đi thanh niên xung phong, miễn là đi khỏi cái làng có mấy đứa con gái ác khẩu, đáng ghét. Vào TNXP được hơn năm, Thùy được điều sang công tác bảo vệ tại xí nghiệp chế biến gỗ. Thời bao cấp cái gì cũng thiếu thốn, một mẩu gỗ cũng quý. Xí nghiệp gỗ tỉnh nhà quản lý, chế biến một lượng lớn gỗ của Nhà nước. Thượng vàng hạ cám: từ gỗ ván đóng bàn ghế, gường tủ… đến mạt cưa, dăm bào, gỗ củi… đều được tận dụng phân phối nghiêm ngặt.

Khi giao nhiệm vụ bảo vệ cho Thùy, Giám đốc xí nghiệp dặn dò:

- Quản lý gỗ là quản lý một tài sản của Nhà nước. Một mẩu gỗ cũng không thể để mất mát. Nếu không có phê duyệt của lãnh đạo hay hóa đơn chứng từ thì tuyệt đối không cho gỗ củi ra khỏi xí nghiệp. Đó là nguyên tắc, đồng chí đã rõ chưa?

- Dạ! Rõ rồi ạ!

- Rõ rồi thì cứ thế mà làm. Tôi tin tưởng ở đồng chí.

Hôm ấy có một chiếc xe U oát và một xe tải nhỏ chạy vào xí nghiệp rất sớm. Gần trưa xe tải chất đầy củi, gỗ ra đến cổng bảo vệ. Tài xế nhanh nhẹn chạy vào phòng bảo vệ xuất trình giấy tờ. Thùy tiếp nhận, xem xét rất kỹ các hóa đơn chứng từ mặc gã tài xế luôn mồm van nài, thúc giục để xe được nhanh chóng ra khỏi xí nghiệp.

Thùy cứ đúng nguyên tắc. Anh cầm tập chứng từ nhảy lên ô tô xem xét cụ thể, đối chiếu số lượng, chủng loại gỗ ghi trong hóa đơn với số lượng thực trên xe.

- Này! Bác tài. Sao lại chở thâm 4 tấc gỗ lát, số gỗ này không ghi trong phiếu xuất kho? Thế thì bác phải làm rõ chỗ này, và tôi chưa thể cho xe ra khỏi xí nghiệp được.

Lúc đầu bác tài xoa xoa hai tay năn nỉ, van nài… rút thuốc lá Thăng Long bao bạc mời Thùy, kề tai nói nhỏ: Gỗ lát đó là của ông Vụ, bạn thân giám đốc xí nghiệp rồi chuyển giọng:

- Thì cậu hãy hút với tớ điếu thuốc đã, làm gì mà căng thế!

- Cảm ơn! Tôi không biết hút. Mời bác tài trở lại phòng bảo vệ để giải quyết.

Lúc này bác tài thấy cách ngọt nhạt, ve vãn Thùy chẳng được gì, nên nổi nóng:

- Anh là thằng bảo vệ chứ cái quái gì mà nguyên tắc cứng nhắc thế. Mày nhớ đấy, cứ nguyên tắc cứng nhắc cho lắm là ngoác mồm, con ạ, với lại sẽ có lúc cánh tài xế chúng ông cho mày sái quai hàm. Nghe chưa?

Bị xúc phạm nên Thùy cũng nổi nóng:

- Đã chở gỗ không có giấy tờ, gỗ đó là gỗ ăn cắp, gỗ lậu còn lu loa dọa đánh người! - Thùy hô to: Nào, anh em bảo vệ! Chúng ta lập biên bản giữ xe gỗ, củi này lại.

- Á, à! Mày bảo ai ăn cắp gỗ hả? Tao chở 4 tấc gỗ đó là do ông Vụ yêu cầu. Tao là thằng đầu sai, sai đâu đánh đó. Mày ăn nói hỗn láo tao đập cho vỡ mặt bây giờ!

Lúc này anh em bảo vệ đã vây quanh xe gỗ và hai người. Trên tầng gác, tại phòng giám đốc gần cổng bảo vệ, Giám đốc xí nghiệp và ông Vụ đang nhỏ to trao đổi, bỗng nghe có tiếng cãi vã, lăng mạ nhau tại cổng bảo vệ nên vội vàng chạy xuống.

- Có việc gì vậy đồng chí Thùy?

- Trình giám đốc. Đây, ông tài này ngoài củi có hóa đơn xuất ra còn chở thêm 4 tấc gỗ lát không giấy tờ. Tôi đòi lập biên bản, ông ấy không chịu còn dọa đánh bảo vệ chúng tôi. Việc này là không thể được.

- À! Tôi hiểu rồi.

Giám đốc xí nghiệp dịu giọng:

- Đây là đồng chí Vụ ở trên có liên hệ xí nghiệp nhượng lại 4 tấc gỗ để đóng chiếc gường cho thằng con trai cả sắp cưới vợ, đồng chí thông cảm.

- Thông cảm là chuyện của giám đốc, nhưng phải đúng nguyên tắc. Giám đốc đã răn dạy chúng tôi thế nào. Phải có phiếu xuất kho. Nếu không có giấy tờ thì gỗ không ra khỏi xí nghiệp được.

- Thì tôi đứng đây và xác nhận là được chứ gì.

- Vẫn không được ạ! Nếu không có giấy tờ, sau này kiểm kê, thiếu gỗ thì ai là người phải chịu trách nhiệm. Phải đúng nguyên tắc.

Ông Vụ thấy lôi thôi, sợ chuyệân vỡ lở đến tai cấp trên, nên xin không nhận số gỗ ấy nữa. Ông Giám đốc xí nghiệp lắc đầu, nổi nóng. Cảm thấy bị anh chàng bảo vệ nhỏ con này xúc phạm bèn ra lệnh cho kế toán viết phiếu xuất 4 tấc gỗ lát.

- Phiếu xuất kho đây! Ông gằn giọng. Anh là người cứng đầu cứng cổ, chẳng còn coi ai ra gì. Xưa nay tôi chưa từng gặp anh nào cứng đầu cứng cổ như anh. Nói xong, giám đốc hằm hằm kéo tay ông Vụ quay lại phòng làm việc. Ông Vụ lên tiếng: - Thằng cha ấy trực tính thái quá, giữ đúng nguyên tắc. Thế là tốt. Có một người bảo vệ như nó thì một mẩu gỗ xí nghiệp ông cũng không mất.

- Nhưng mà nó cứng đầu với lại cứng nhắc quá thể.

- Tuổi trẻ mà. Bỏ qua đi. Nếu anh dìu dắt, bồi dưỡng, cậu ấy sẽ là người tin cậy đắc lực của anh trong tương lai. Không chừng cậu ấy còn tiến xa hơn nữa.

- Nó làm mình khó xử, bực quá nói vậy thôi. Chúng ta đang cần những cán bộ, những mẫu người như thế. Chứ cái bọn cơ hội, xu nịnh, bợ đỡ… thì rồi chúng phá nát…

Từ đó, Thùy được giám đốc xí nghiệp không những không thành kiến, trù dập lại được quan tâm hơn.

Một đêm tối trời giáp tết Nguyên đán, Thùy rượt được một nữ quái vào xí nghiệp trộm củi. Không ngờ nữ quái ấy lại là một cao thủ đã cho Thùy đo ván, dập môi chảy máu mũi và bầm tím cả lưng. Biết chuyện giám đốc đến thăm, dùng dầu xoa bóp đặc hiệu để xoa bóp chỗ bầm tím trên người Thùy. Ông an ủi:

- Không sao! Vết bầm sẽ khỏi trong vài ngày. Cậu yên tâm tĩnh dưỡng.

- Nhưng mà… thưa giám đốc!Thưa bác, tôi ức lắm. Giá mà tôi có vài ba miếng võ thì con đó chết với tôi rồi. Tức thật.

- Cậu muốn học võ, biết võ? Cứ yên tâm chữa lành vết bầm tím trên người đã.

Giám đốc xí nghiệp là cán bộ miền Nam tập kết, ông xuất thân từ Võ đường Tây Sơn thượng đạo. Thời Pháp thuộc ông đã nổi tiếng là một võ sư thượng thặng, từng đào tạo được nhiều anh tài trong làng Võ lâm Bình Định.

Sau đó, những đêm trăng sáng tại một góc vắng của xí nghiệp, người ta thấy một già một trẻ quần thảo các thế võ gia truyền. Khi đã truyền cho Thùy hầu hết các thế võ lợi hại và thấy Thùy múa thành thục, ông mới vỗ vai Thùy dặn dò:

- Khi đứng trước đối thủ không nên bộp chộp ra đòn ngay mà phải quan sát xem, đối thủ là hạng người nào. Nếu là đứa thủ ác, không hại ngay ắùt nó sẽ giết mình, lúc ấy phải ra đòn chí tử và cực nhanh để nó không kịp ra tay gây tội ác. Còn với kẻ vì tức giận, vì bị khích bác mà muốn động thủ thì chỉ nên ra đòn cảnh cáo. Cậu nghe rõ chưa? Võ là đức. Học võ là để phòng thân, không phải có ba miếng võ rồi ngứa ngáy chân tay, bạ đâu cũng khoe khoang khoác lác, gây thù chuốc oán, tổn hại cho bàn dân thiên hạ. Cậu phải ghi lòng tạc dạ lời tôi nói đấy.

Thùy công tác ở xí nghiệp gỗ được vài ba năm lại được điều về phụ trách một ban ở một đại công trường. Ở đây, Thùy đụng phải một cán bộ cực thoáng, mát mẻ quá mức, xài tiền không tuân theo nguyên tắc nào cả. Anh không chịu nổi áp lực nên đã đôi lần tranh luận gay gắt.

- Tôi vẫn biết là tôi có trách nhiệm “dọn dẹp” những vấn đề tài chính phát sinh, nhưng việc gì cũng cần đúng nguyên tắc.

- Này, đồng chí Thùy! Tôi biết đồng chí là tay cứng đầu, cứng cổ, việc gì cũng cứng nhắc từ lúc ông còn công tác tại xí nghiệp gỗ. Ở đây, tôi sẽ làm cho cái đầu đồng chí bớt cứng nhắc đi.

- Tôi không có ý làm khó thủ trưởng, nhưng việc gì cũng có nguyên tắc. Phải đúng nguyên tắc. Nếu cái gì cũng du di thì còn đâu kỷ cương phép nước.

Đêm nằm, Thùy nghĩ: Ở lại đây không ổn. Thế nào rồi cũng gặp rắc rối, không đường này thì đàng khác, chi bằng cao chạy xa bay “thì hơn”. Anh xin chuyển vào công tác ở một tỉnh cao nguyên. Ai dè, chạy đâu cũng không tránh khỏi những chuyện phức tạp mà không do anh gây ra. Đến nơi mới, anh lại được bố trí thay cho một chánh văn phòng nghỉ hưu. Ngồi chưa ấm chỗ thì đụng chuyện. Một cán bộ anh vừa mới quen đến gặp anh trình bày rằng, sắp đi công tác ở miền trung, trên đường đi thế nào cũng phải ghé Sài Gòn và sẽ gặp thủ trưởng X để ký các văn bản xuất số gỗ tận thu, nên nhờ anh đóng cho mấy con dấu khống chỉ.

- Đồng chí nói sao! Đóng dấu khống chỉ? Chắc đồng chí đã biết cấp trên đã có chỉ thị cấm làm việc này.

- Thì vẫn biết thế, nhưng đây là trường hợp đặc biệt cần được linh động. Cứng nhắc quá mất việc.

- Dù sao thì tôi cũng không thể thỏa mãn yêu cầu của đồng chí. Đây là nguyên tắc…

Anh ta như muốn nổi đóa, giật mạnh tập giấy tờ vừa đi vừa lẩm bẩm: Thật xui xẻo. Hôm nay ra đường gặp gái.

Cũng may, nhờ có “ông cứng nhắc” mà tỉnh ấy tránh được một vụ xuất gỗ lậu như sau này ngành an ninh đã phát hiện. Giờ, ông cứng nhắc đã nghỉ hưu, tóc bạc trắng nhưng người hãy còn cường tráng, đang sống vui cùng đám con cháu trong một ngôi nhà thoáng đãng, rộng rãi ở ngoại ô thành phố.

Nếu bạn bè thân thiết có gợi lại chuyện cũ, ông lại nhỏ nhẹ: Thì tại cái tính cứng nhắc cố hữu khó sửa, với lại “cha mẹ sanh con, trời sanh tính mà”

Nói xong ông cười hề hề…
Truyện ngắn: NGUYỄN TÙNG CHÂU