văn công hùng
Chả thế mà khối người ghi vào lý lịch đã đành, còn ghi lên cả bìa 4 của sách khi in: Là đại biểu hội nghị nhà văn trẻ năm..., hoặc: Đã dự hội nghị những người viết văn trẻ..., như một thương hiệu, một cái mốc trên con đường sáng tác vất vả nhọc nhằn của mình.
Du khách trẻ Nhật Bản tham quan thành phố Đà Lạt. Ảnh PVE |
Không hề phù phiếm khi tổ chức các hội nghị văn trẻ như các năm vừa qua. Sự cô độc của nghề, sự biệt lập của từng địa phương, sự cách trở địa lý... đã khiến người viết trẻ chỉ biết nhau khi online, những cuộc offline là cơ hội rất tốt để các cây bút từ thế giới ảo bước ra tiếp xúc trao đổi làm quen bằng xương bằng thịt, rồi mà giữ mãi ấn tượng ấy về tại tiếp tục cô đơn mà sáng tạo.
Những cuộc tiếp xúc ngoài đời nó quan trọng là làm cho người viết trẻ tự tin hơn, đánh giá mình một cách khách quan hơn, nhìn lại mình một cách rõ ràng hơn...
Ở hội nghị văn trẻ lần thứ 4, lần đầu tiên tôi mới được gặp Hoàng Nhuận Cầm (khách mời của hội nghị), Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Quyến, Nguyễn Đức Thọ... những người tôi đọc lâu nay giờ mới thấy mặt. Đặc biệt là được ngồi chung xe với nhà thơ Nguyễn Duy từ Hà Nội lên đền Hùng và ngược lại, nghe ông đọc nguyên vẹn mấy trường ca mà nghe nói, nhờ nó ông đã được uống hàng nghìn lít bia, và cũng vì nó ông cũng bị không ít phiền toái. Cả xe như lên đồng khi ông đọc và tôi lén bật cái máy ghi âm trong cặp để ghi lại, sau này cái băng ấy bị Phạm Phú Phong làm thất lạc. Về tôi viết một bài về ấn tượng hội nghị, những gì mắt thấy tai nghe, được nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đánh giá là một trong những bài hay về hội nghị năm ấy. Câu này lại được nữ nhà văn xinh đẹp Dương Phương Vinh nhắc lại trong một lần gặp sau đó làm tôi sướng âm ỉ cả nửa năm.
Rất nhiều người dự hội nghị lần thứ 4 cùng tôi năm ấy giờ đã thành danh, đã rất nổi tiếng. Một hội nghị không làm nên sự thành danh, sự nổi tiếng, nhưng nó là chất xúc tác quan trọng để góp phần làm nên thành công của mỗi nhà văn.
Đến hội nghị lần thứ 7 vừa rồi ở Hội An thì tôi hưởng một suất đi... chui. Dù biết mình già khú đế rồi, quá tiêu chuẩn rồi, nhưng vì khoái đi để mà sống trong cái không khí văn chương trong trẻo ấy nên tôi điện cho Trần Kỳ Trung, thành viên ban tổ chức vì anh là thành viên của ban Nhà Văn trẻ. Anh fax cho một cái giấy mời ghi rõ: tự túc tàu xe. Xuống mới biết là ban tổ chức đang méo mặt vì kinh phí thì ít mà người thì đông, loại "ăn theo" như tôi cũng lắm nên Phan Thị Vàng Anh trưởng ban tổ chức nhìn thấy tôi mà... cười không nổi vì tự nhiên lại phải mất một phòng và mấy bữa ăn cho cái thằng cha ất ơ ngoài tiêu chuẩn là tôi đây. Sau mới biết những người "ăn theo" phần lớn là thuê phòng ở ngoài, chỉ mình tôi là... lạm xuất của ban tổ chức. Sau hội nghị cũng khá nhiều điều tiếng trao đổi, nhất là chuyện bình quân mỗi tỉnh được cử mấy người nên có nhiều người đến hội nghị mà hành trang mới là mấy bài thơ trong sổ tay. Nhưng cái được lớn nhất là cái không khí văn chương nó còn đeo đẳng cả năm trời sau đó trong mỗi người dự.
Tôi đang ở Huế, may mắn gặp nhà thơ Nguyễn Hồng Hạnh, người cũng dự hội nghị văn trẻ lần thứ 4 ấy (hình như Huế có Nguyễn Hồng Hạnh, Phạm Phú Phong, Hồ Thế Hà). Bây giờ Phong và Hà vẫn làm văn chương, Hạnh vẫn làm thơ nhưng giấu vào... blog. Chị giờ là Phó Tổng biên tập báo Thừa Thiên - Huế, lại vừa trúng Tỉnh ủy viên, thơ vẫn rất sâu sắc, đằm thắm cứ mang mang như vừa mất một cái gì. Làm báo, lại quan báo mà giữ thơ mình được như thế là khó lắm, là trường lực lắm. Và cả vất vả nữa. Bài thơ mới của NGUYỄN HỒNG HẠNH để kết thúc bài:
Viết dưới cơn mưa Chỉ là em thấy nó mênh mang lắm. Những cơn mưa mùa hè và không phải mùa hè. Ngay cả khi chưa có và chưa thuộc về, em vẫn mang theo một niềm gì đấy khi mưa rơi. Có khi đơn thuần chỉ là sự ướt át phải chịu đựng. Cái run rẩy khi cái lạnh thấm rớt vào người. Cái co ro trong một chiều rất xám. Và cả một nỗi gì đấy rất là chơi vơi trong cơn mưa ngày hè… Cứ như là em đã có điều gì đó. Đang có điều gì đó. Đang mất điều gì đó. Có lần, em trôi qua hai bên triền rừng với đôi mắt ẩm ướt. Khi những gì em vừa có đã trở thành ký ức. Và nụ cười đã có điều gì vụn rơi. Hôm ấy, mưa đến... Mưa hầu hết đều thuộc về bối rối, ấy là định nghĩa mà em có khi nghĩ về một phía rất chi là mông lung. Và vây bủa. Như là em đang ngỡ mình có điều gì đó nhưng không thể nào đến được. Và thực sự xa vời. Nhưng cơn mưa ngày hôm qua không đến từ phía em. Nên gõ để tìm người. Như một cách tránh mưa. Để cuối cùng lại mình mình với giấc mưa… Ngày đã xa, em xòe tay đón giấc mưa của mình. Khác với những gì em hình dung. Và mưa ấy không chỉ mình em ẩm ướt. Mưa đã rơi không hề định nghĩa. Phía mưa của em. Cứ như là em đã có điều gì đó. Đang có điều gì đó. Đang mất điều gì đó. |